Mảng tối của thời trang cao cấp Italy
Hàng nghìn công nhân nhận đồng lương còm cõi để tạo ra những bộ cánh xa xỉ nhất thế giới.
Trong một căn hộ trên tầng 2 ở thị trấn Santeramo (Italy), một phụ nữ trung niên cặm cụi khâu chiếc áo khoác len trên bàn bếp. Món đồ này sẽ được bán với giá 800-2.000 euro (935-2.340 USD) khi đến cửa hàng trong bộ sưu tập thu đông của MaxMara - thương hiệu thời trang cao cấp ở nước này.
Người phụ nữ, xin giấu tên vì sợ mất việc, chỉ nhận 1 euro (1,17 USD) từ nhà máy cho mỗi mét vải. Bà làm không có hợp đồng hay bảo hiểm và được trả lương hàng tháng bằng tiền mặt.
"Tôi mất khoảng 1 giờ để may một mét, khoảng 4-5 giờ để làm xong cả áo. Tôi cố làm 2 chiếc mỗi ngày", bà cho biết. Số tiền lớn nhất bà nhận được cho một sản phẩm là 24 euro (hơn 28 USD). Đây là một công nhân thuê ngoài của nhà máy địa phương chuyên sản xuất đồ cho những tên tuổi nổi tiếng nhất trong thời trang cao cấp, như Louis Vuitton và Fendi.
Làm việc tại nhà là một mảng không được kiểm soát trong chuỗi cung ứng thời trang Italy. (Nguồn: New York Times)
Làm việc tại nhà hoặc một xưởng nhỏ thay vì đến nhà máy là nền tảng của chuỗi cung ứng thời trang nhanh. Hoạt động đặc biệt phổ biến ở các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh và Trung Quốc, nơi có hàng triệu công nhân thu nhập thấp, chủ yếu là phụ nữ. Những lao động này không được bảo vệ vì tình trạng việc làm bất thường, cô lập và thường không hợp pháp.
Tình trạng tương tự tồn tại ở Italy và đóng vai trò quan trọng trong ngành may mặc. Tiết lộ này có thể gây sốc cho những khách hàng vẫn nghĩ nhãn "Made in Italy" là bảo chứng cho tay nghề thủ công tinh xảo. Áp lực gia tăng từ toàn cầu hóa và cạnh tranh ở tất cả cấp của thị trường cũng đồng nghĩa với việc hàng xa xỉ không phải luôn được tạo ra trong điều kiện tốt nhất và bởi những nghệ nhân tay nghề cao.
Dù điều kiện làm việc không đến mức như những công xưởng chuyên bóc lột, mức lương cũng không khá hơn là bao. Italy không đặt mức lương tối thiểu nhưng 5-7 euro/h được coi là thích hợp. Trong trường hợp cực kỳ hiếm, một công nhân tay nghề cao có thể kiếm được từ 8 đến 10 euro. Tuy nhiên, những người làm tại nhà kiếm được ít hơn đáng kể.
Những bộ quần áo sang trọng này có thể được may tại các căn bếp nhỏ ở Italy. (Nguồn: Sivans)
Tại thị trấn Ginosa, Puglia, Maria Colamita nói rằng một thập kỷ trước bà nhận khâu váy cưới tại nhà cho các nhà máy địa phương với giá 1,5-2 euro/giờ khi 2 con còn nhỏ. Mỗi chiếc váy mất 10-50 giờ để hoàn thành và người phụ nữ 53 tuổi làm việc 16-18 giờ/ngày. Bà chỉ được trả tiền khi xong việc.
"Tôi chỉ nghỉ để chăm con và gia đình", Colamita nói. Khi con đã lớn, bà chuyển sang nghề dọn dẹp và kiếm được 7 euro/giờ.
Cả 2 phụ nữ biết ít nhất 15 thợ may khác trong khu vực cũng làm việc tại nhà. Tất cả sống ở Puglia, vùng nông thôn vừa là điểm đến yêu thích của khách du lịch, vừa là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của Italy.
Rất ít người dám kể câu chuyện của bản thân. Đối với họ, thời gian linh động và cơ hội để chăm sóc gia đình trong khi làm có thể coi là đền bù cho mức lương ít ỏi và việc không được pháp luật bảo vệ.
"Tôi biết tôi không được trả công xứng đáng nhưng lương ở Puglia rất thấp và thực ra tôi yêu công việc. Tôi đã làm việc này cả đời và không thể làm bất cứ điều gì khác", một thợ may khác chia sẻ.
Mặc dù có một công việc nhà máy lương 5 euro/giờ, bà vẫn làm thêm 3 giờ mỗi ngày ở nhà, phần lớn là hàng may mặc chất lượng cao cho các nhà thiết kế Italy với giá khoảng 50 euro một sản phẩm.
Cái giá của ‘Made in Italy’
Ngành sản xuất là xương sống của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Âu và cụm từ “Made in Italy” (Sản xuất tại Italy) từ lâu luôn là biểu tượng cho đẳng cấp. Tuy nhiên, nền tảng hàng thế kỷ này rung chuyển trong những năm gần đây dưới sức nặng của quan liêu, chi phí tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Ít lĩnh vực phụ thuộc vào hệ thống sản xuất quốc gia này như ngành hàng xa xỉ, chiếm 5% GDP, sử dụng 500.000 người trực tiếp và gián tiếp vào năm 2017, theo Đại học Bocconi và Altagamma. Trong khi đó, việc một số thương hiệu cao cấp và nhà cung cấp bậc một muốn cắt chi phí mà không làm giảm chất lượng đã ảnh hưởng đến những người lao động ở tầng dưới cùng của ngành.
Theo số liệu từ Viện Thống kê Quốc gia Italy (Istat), 3,7 triệu lao động trong mọi ngành không có hợp đồng vào năm 2015. Năm 2017, Istat ước tính 7.216 người làm tại nhà, hơn 50% trong lĩnh vực sản xuất với hợp đồng thường xuyên.
Chỉ may được công nhân tại gia sử dụng cho một số bộ sưu tập thời trang xuân. (Nguồn: New York Times)
Nước này không có dữ liệu chính thức về lượng người làm với hợp đồng thời vụ trong nhiều thập kỷ. Năm 1973, nhà kinh tế học Sebastiano Brusco ước tính Italy có một triệu lao động làm việc tại nhà trong ngành may mặc. Số người làm không có hợp đồng cũng tương tự.
Nhiều thương hiệu cao cấp thuê ngoài phần lớn sản xuất thay vì sử dụng nhà máy riêng, Deborah Lucchett - đại diện của nhóm chống bóc lột lao động tại Italy - cho biết. Các thương hiệu ký hợp đồng với nhà cung cấp bậc một. Nhóm này sau đó sẽ thuê lại các nhà máy địa phương và nhà máy có thể thuê nhân công tại nhà nếu cần thiết.
Mô hình này "rất khó để có đủ minh bạch hoặc trách nhiệm. Một số thương hiệu không biết đơn hàng đang được thực hiện bởi các công nhân thời vụ bên ngoài", Lucchett nói. Tuy nhiên, một số khác có thể khuyến khích nhà sản xuất dùng những phương pháp "sáng tạo" để giảm chi phí. Thuê người làm tại nhà có lẽ là cách tốt nhất để đạt mục tiêu.
Phương pháp Salento
Khu vực Salento có tỷ lệ thất nghiệp cao, khiến lực lượng lao động dễ bị tổn thương. "Một phần của vấn đề ở đây là người lao động đồng ý từ bỏ quyền lợi để có việc", Eugenio Romano - một cựu luật sư công đoàn - nói. Ông nhắc đến "phương pháp Salento", cụm từ địa phương nổi tiếng có nghĩa là: "Hãy linh hoạt, sử dụng các phương pháp của bạn" thay vì đòi công bằng.
Năm 2012, Keope, một nhà cung cấp phụ cho thương hiệu giày danh tiếng Tod's, phá sản chỉ vì muốn đấu lại các ông lớn trong ngành.
Nhà máy này kiện Euroshoes - nhà cung cấp bậc một của Tod's - vì không thanh toán đúng hạn. Tuy thắng kiện và nhận đủ phần tiền còn thiếu nhưng Keope mất luôn hợp đồng với Euroshoes. Tod's nói rằng hãng không biết về vấn đề này nên không can thiệp.
Eugenio Romano chuẩn bị cho phiên tòa của Keope. (Nguồn: New York Times)
“Anh muốn tôi nói gì?”, người thợ may giấu tên ở Santeramo trả lời phóng viên với một tiếng thở dài. Bà nhắm mắt và giơ tay lên như đầu hàng. "Đây là Italy”.