Michael Lewis: Thị trường chứng khoán Mỹ đang bị thao túng
(Tài chính) Michael Lewis cho rằng các công ty giao dịch cao tần đang sử dụng lợi thế tốc độ kiếm chác hàng chục tỷ USD trên chi phí của các bên.
* Micheal Lewis là tác giả nổi tiếng với nhiều cuốn sách viết về giới tài chính, trong đó có cuốn "Những trò lừa bịp trên phố Wall". Lấy bằng Thạc sĩ kinh tế năm 1985, ông được tuyển vào văn phòng tại London của Salomon Brothers nhưng sau đó trở thành một nhà báo chuyên viết về tài chính.
"TTCK Mỹ đang bị thao túng theo lợi ích của các công ty giao dịch tần số cao (high-speed electronic trading – HFT). Những công ty này tận dụng lợi thế để lấy đi hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư". Đây là nhận định vừa được tác giả Michael Lewis đưa ra trong cuốn sách mới của ông với tựa đề "Flash Boys: A Wall Street Revolt” (tạm dịch: Cuộc nổi dậy ở phố Wall).
Giao dịch tần số cao (HFT) là hoạt động được thực hiện bởi rất nhiều ngân hàng và công ty giao dịch, sử dụng những chương trình máy tính phức tạp để gửi các lệnh giao dịch vào thị trường. Các công ty có thể sử dụng các giao dịch này để kiếm tiền từ chênh lệch giá hoặc để tạo lập thị trường. HFT chiếm tới hơn một nửa khối lượng giao dịch trên TTCK Mỹ.
Cách thức giao dịch và sự phát triển của công nghệ khiến các giao dịch HFT là hợp pháp. Các công ty HFT cũng được quản lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Lewis cho rằng các công ty này đang sử dụng lợi thế về tốc độ để kiếm chác hàng chục tỷ USD trên chi phí của các bên tham gia thị trường.
“Họ có thể xác định bạn mong muốn mua cổ phiếu Microsoft và mua cổ phiếu này ngay trước bạn, sau đó bán chúng cho bạn với mức giá cao hơn”, Lewis nói trong chương trình truyền hình "60 Minutes". Lợi thế về tốc độ mà Lewis nói đến chỉ là vài mili giây, hoặc thậm chí được tính bằng đơn vị nhỏ hơn. Với giao dịch tần số cao, người ta có thể gửi đi khoảng 10.000 lệnh trong nháy mắt.
Với mỗi giao dịch, các công ty HFT chỉ kiếm được số tiền không đáng kể. Tuy nhiên, với tốc độ và khối lượng giao dịch vượt trội, họ có thể kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ.
Những người ủng hộ HFT lập luận rằng sự tồn tại của các công ty như vậy sẽ giúp người tham gia thị trường dễ dàng tìm được người mua và người bán. Đồng thời, tốc độ cao giúp các công ty HFT nhanh chóng phát hiện ra chênh lệch giá giữa các thị trường khác nhau và do đó chênh lệch sẽ được thu hẹp.
Tuy nhiên, Brad Katsuyama – cựu trưởng nhóm giao dịch tại New York của Royal Bank of Canada (RBC) và cũng là một nhân vật trong cuốn sách mới của Lewis, khi ông gửi đi một lệnh giao dịch với khối lượng quá lớn, lệnh chỉ được thực hiện một phần và ông phải trả giá cao hơn cho phần còn lại. Với các thuật toán trong giao dịch cao tần, các công ty HFT mua cổ phiếu mà Katsuyama muốn và sau đó bán lại cho ông với giá cao hơn.
Mới đây, Tổng chưởng lý New York Eric Schneiderman cũng cho rằng các công ty HFT đang được hưởng những lợi thế không công bằng trên các TTCK. Ông đã bắt đầu có các cuộc họp với lãnh đạo NYSE, Nasdaq và các sàn giao dịch khác để bàn luận về những biện pháp cải cách khả thi.