Miễn giảm phí giao dịch dịch vụ công và chuyển tiền liên ngân hàng
Triển khai các giải pháp về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ công theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, đồng hành với người dân đối phó với dịch bệnh do chủng virus Corona mới (Covid-2019), Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tiếp tục triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ cho các tổ chức tín dụng từ ngày 25/02/2020.
Theo đó, NAPAS thực hiện (i) miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (TTTT) gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đến 31/12/2020; (ii) Giảm 72% phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch từ ngày 25/2/2020).
Chia sẻ về mục tiêu triển khai chương trình miễn, giảm phí dịch vụ chuyển mạch năm 2020, Bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch HĐQT NAPAS tin tưởng rằng, chương trình này sẽ góp phần hỗ trợ hiệu quả cho hệ thống ngân hàng, doanh nghiệp và đặc biệt là người dân trong thời điểm dịch bệnh Covid-2019, cho dù doanh thu của NAPAS có thể sẽ giảm ít nhất 15%.
Thống kê cho thấy xu hướng dịch chuyển đáng kể từ giao dịch rút tiền mặt sang giao dịch chuyển tiền thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Riêng trong năm 2019, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 chiếm gần 50% tổng số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống.
Theo bà Nguyễn Tú Anh, năm 2020 là thời điểm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ, việc áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ (mức thu 0 đồng) là sự chia sẻ trách nhiệm của ngành ngân hàng cũng như NAPAS với cộng đồng và người dân.
"Kể từ năm 2018 đến nay, NAPAS đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giám phí dịch vụ chuyển mạch, giảm tới 80% phí dịch vụ chuyển mạch. Các giao dịch TTKDTM tăng lên không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong dân cư mà còn giúp các cơ quan chính phủ cắt giảm được chi phí quản lý, vận hành", bà Nguyễn Tú Anh cho biết.