Thay đổi thói quen dùng tiền mặt thanh toán dịch vụ công
Triển khai “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan đã tăng cường xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.
Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
Với mục tiêu đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg (ngày 5/9/2016) phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg (ngày 23/2/2018) phê duyệt “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công”.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có: 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thanh toán qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng và 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Triển khai các Đề án và mục tiêu trên, thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy TTKDTM nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Điện lực, Bảo hiểm xã hội, Bệnh viện,..), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công.
Từ đó đến nay, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan, trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường Đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các Bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Theo đó, nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, internet banking, mobile banking, ví điện tử... dần thay thế cho phương thức thanh toán dịch vụ công truyền thống.
Giải pháp thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công
Mặc dù Chính phủ đã có Đề án cụ thể và đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển.
Việc triển khai dịch vụ thanh toán với các công ty cung cấp dịch vụ công (điện, nước, viễn thông, truyền hình…), các đơn vị hành chính công, hành chính sự nghiệp, các khách hàng doanh nghiệp đặc thù vẫn còn nhiều khó khăn như thói quen sử dụng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp, tình trạng thiếu hành lang pháp lý như chưa có hướng dẫn cụ thể để cơ quan hành chính nhà nước mở tài khoản chuyên thu phí/lệ phí tại ngân hàng thương mại; chưa có hướng dẫn cụ thể điều chỉnh quan hệ các tổ chức trung gian (Ví dụ: Các bệnh viện, trường học…) trong việc hợp tác với ngân hàng phát hành thẻ…
Để khắc phục những tồn tại và thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, thời gian tới cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán; Triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán qua ngân hàng tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công. Đồng thời mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng.
Hai là, tiếp tục cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán; đồng thời, tăng cường sự giám sát của cơ quan quản lý, sự phối hợp giữa ngân hàng với các đơn vị liên quan trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Trước những phương thức và thủ phạm mới của tội phạm trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cần tiếp tục kiểm tra thường xuyên, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhằm hạn chế các rủi ro.
Ba là, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán đối với dịch vụ công. Việc đẩy mạnh hạ tầng sẽ giúp hiện đại hóa các hình thức thanh toán, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và người dân.
Bốn là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục tài chính bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng.