Miền Trung: Sẵn sàng cho ngày vận hành chính thức hệ thống VNACCS/VCIS
(Tài chính) Ngày 1/4 sắp tới, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ chính thức được triển khai trên toàn hệ thống sau một thời gian chạy thí điểm. Việc triển khai đồng bộ hệ thống VNACCS/VCIS là một bước tiến quan trọng của hệ thống Hải quan trong quá trình cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời, đây cũng là hệ thống liên quan trực tiếp và thiết thực tới doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa.
Có mặt tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu tại các tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) trong những ngày trung tuần tháng 3, mới thấy được không khí khẩn trương, tích cực của cán bộ hải quan và DN trong việc chạy thử nghiệm hệ thống VNACCS/VCIS và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác sẵn sàng cho ngày hệ thống vận hành chính thức.
Ngày 17/3, tại Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo, Quảng Trị, trong khu vực tiếp nhận hồ sơ thông quan của Chi cục, có rất đông nhân viên xuất nhập khẩu của các DN đang làm thủ tục thông quan hàng hóa, cụ thể là khai tờ khai hàng hóa theo hải quan điện tử đồng thời nhập dữ liệu của lô hàng thực tế khai thật, khai thử trên Hệ thống VNACCS/VCIS.
Theo anh Lê Minh Hóa- Nhân viên XNK Công ty TNHH Hoàng Đại (Quảng Trị), cho biết: Công ty Hoàng Đại chuyên XNK trái cây từ Thái Lan về Việt Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc, mỗi ngày anh thực hiện trung bình 5 bộ hồ sơ khai hải quan. Việc khai báo trên hệ thống mới với bộ tiêu chí khai báo lên tới hàng trăm tiêu chí khiến anh lúc đầu không tránh khỏi những bỡ ngỡ nhưng qua nhiều buổi tập huấn hướng, dẫn của cán bộ hải quan Chi cục nên giờ việc khai báo cũng đã thuần thục hơn rất nhiều.
Đồng thời, trong quá trình khai báo trên hệ thống mới, nếu có vướng mắc DN luôn được cán bộ nghiệp vụ hoặc cán bộ tin học thường xuyên túc trực trên cửa khẩu cùng tìm cách tháo gỡ, giải quyết. Cùng quan điểm với anh Hóa, ghi nhận từ đại diện DN khác tại các cửa khẩu như Cửa khẩu Lao Bảo (Hướng Hóa-Quảng Trị); Cha Lo (Minh Hóa-Quảng Bình), Cầu Treo (Hương Sơn-Hà Tĩnh) đều cho rằng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS thực sự đem lại hiệu quả khi DN có thể rút ngắn thời gian thông quan và chi phí cho DN. Vì vậy, DN rất tích cực và chủ động tham dự các lớp tập huấn do hải quan địa phương tổ chức, hướng dẫn trực tiếp. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết DN tham gia chạy thử nghiệm hệ thống VNACCS/VCIS đã chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hệ thống khai báo hiện đại này.
Tuy chỉ mới trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng hầu hết DN đều đã có những hiểu biết nhất định về hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và những lợi ích lâu dài mà hệ thống này mang lại cho DN trong hoạt động XNK hàng hóa. Sở dĩ có được sự đồng thuận từ phía DN trước những thay đổi trong quá trình cải cách thủ tục hải quan theo hướng hiện đại hóa, các đơn vị hải quan địa phương đã nỗ lực, tích cực và chủ động tham gia các lớp tập huấn do Tổng Cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh tổ chức; tự đào tạo đội ngũ cán bộ hải quan từ đó tham gia tập huấn, đào tạo lại cho hệ thống DN tham gia XNK trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trong quá trình chạy thử nghiệm, hải quan địa phương thường xuyên cập nhật thông tin phản hồi từ DN về những vướng mắc, khó khăn khi DN vận hành hệ thống để cùng DN tìm cách tháo gỡ. Đơn cử tại cửa khẩu Hòn La (Quảng Bình), cán bộ hải quan không chỉ mời DN tham gia các lớp tập huấn do đơn vị tổ chức, thậm chí còn cử cán bộ xuống DN để hướng dẫn cho DN thực hiện khai báo theo đúng yêu cầu của hệ thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình thử nghiệm, nhiều DN cũng đã chỉ ra những hạn chế của hệ thống VNACCS/VCIS. Theo anh Trương Đình Bảy-Công ty Bích Thị- DN XNK hoa quả có trụ sở tại Hà Nội, DN thực hiện thông quan hàng hóa tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cha Lo cho biết, trong quá trình chạy thử DN đã khai theo hồ sơ gốc nhưng nhiều tiêu chí ở Hệ thống VNACCS/VCIS chưa phù hợp với thực tế của DN do đây là hệ thống thông quan tự động hoàn toàn mới đối với DN.
Chính vì vậy, trong giai đoạn chạy thử DN hoạt động XNK tại địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như những khái niệm nghiệp vụ mới phát sinh (nghiệp vụ vận chuyển bảo thuế, bảo lãnh chung…); hệ thống khai báo chưa được hoàn thiện như mã địa điểm lưu kho chờ thông quan dự kiến, mã loại hình, mã biểu thuế, nhiều tiêu chí chưa phù hợp với đặc thù của từng cửa khẩu.
Ngoài ra, tại một số cửa khẩu nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn như cửa khẩu Cha Lo, Cầu Treo lo ngại lớn nhất của lãnh đạo các Chi cục Hải quan này là nguồn điện lưới không ổn định, hệ thống internet chập chờn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến việc bảo vệ máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu của hệ thống VNACCS/VCIS.
Theo ông Bùi Vĩnh Trường, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), trong trường hợp nguồn điện lưới không đảm bảo, nguồn điện dự phòng không phát kịp, thì hồ sơ thông quan sẽ bị chậm lại do cán bộ hải quan phải nhập dữ liệu thủ công. Do vậy, để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định khi vận hành chính thức, Chi Cục Hải quan Cửa khẩu Cha Lo sẽ cố gắng nâng cấp hệ thống máy nổ dự phòng thay thế khi có sự cố về điện áp xảy ra.
Cho đến nay, DN trên địa bàn các tỉnh Miền Trung đã chủ động tích cực phối hợp với hải quan trong việc tìm hiểu, triển khai thực hiện thí điểm hải quan điện tử VNACCS/VCIS. Với những nỗ lực từ hải quan và DN, hệ thống VNACCS/VCIS sẽ vận hành đúng tiến độ góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và hội nhập.
Trên tinh thần quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định dành cho Việt Nam gói hỗ trợ toàn diện dưới hình thức viện trợ không hoàn lại để phát triển và xây dựng hệ thống thông quan tự động dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của hệ thống NACCS/CIS. Để đưa hệ thống NACCS/CIS hiện đang áp dụng cho thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại Nhật Bản vào áp dụng tại Việt Nam, Chính phủ hai nước đã đi đến thống nhất thành lập và phát triển dự án “Xây dựng, triển khai hải quan điện tử và thực hiện cơ chế hải quan một cửa phục vụ hiện đại hóa Hải quan tại Việt Nam”, gọi tắt là dự án “VNACCS/VCIS”
Hệ thống VNACCS/VCIS là Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia gồm 02 hệ thống nhỏ: (i) Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS); (ii) Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ (gọi tắt là Hệ thống VCIS gồm các phần mềm chủ yếu: Khai báo điện tử (e-Declaration); Manifest điện tử (e-Manifest); Hóa đơn điện tử (e-Invoice); thanh toán điện tử (e-Payment); C/O điện tử (e-C/O); Phân luồng (selectivity); Quản lý hồ sơ rủi ro/tiêu chí rủi ro; Quản lý DN XNK; Thông quan và giải phóng hàng; Giám sát và kiểm soát.
Theo lộ trình, sau thời gian triển khai xây dựng, hệ thống VNACCS/VCIS đã được Tổng Cục Hải quan, Hải quan địa phương phối hợp cùng DN chạy thử hệ thống trong giai đoạn từ 15/11/2013 đến ngày 21/3/2014. Dự kiến ngày vận hành chính thức hệ thống từ 1/4/2014.