Minh bạch bản quyền âm nhạc trên môi trường số
Những ngày qua, ồn ào liên quan vấn đề bản quyền âm nhạc lại một lần nữa dấy lên khi hàng loạt bản ghi các tác phẩm âm nhạc, thậm chí cả Quốc ca Việt Nam đều bị đóng dấu bản quyền trên môi trường số, gây bức xúc dư luận và không ít người làm nghề.
Câu chuyện bắt đầu khi Báo điện tử VTV và Chương trình Chuyển động 24h công khai lên án đơn vị truyền thông BH Media (Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ truyền thông BIHACO) ngang nhiên nắm giữ bản quyền và âm thầm khai thác nhiều tác phẩm âm nhạc một cách trái phép. Điển hình trong số đó là Quốc ca Việt Nam - ca khúc Tiến quân ca.
Liên quan vấn đề này, đại diện BH Media cho rằng: Vì gia đình cố nhạc sĩ đã hiến tặng Tiến quân ca cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam cho nên tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm này sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ nữa. Bản ghi Tiến quân ca do Hồ Gươm Audio sản xuất, tức Hồ Gươm Audio là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan đến quyền tác giả). BH Media là đơn vị được Hồ Gươm Audio ủy quyền quản lý, khai thác tác phẩm trên YouTube. Do đó, khi BH Media đưa bản ghi lên YouTube, nếu có ai đó đăng video sử dụng chính xác bản ghi này thì YouTube sẽ gửi thư thông báo xác nhận bản quyền.
Tuy nhiên, cách giải thích nêu trên của BH Media không được nhiều người đồng tình, trước hết là gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Trao đổi với Báo Nhân Dân, nhạc sĩ Văn Thao đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao cho biết: Theo ý nguyện của cha tôi, năm 2016 gia đình đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhà nước và nhân dân. Văn phòng Quốc hội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Thi đua, Khen thưởng T.Ư đã tổ chức tiếp nhận bài Tiến quân ca và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cha tôi. Tác quyền Tiến quân ca bây giờ thuộc về Nhà nước nên không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền tùy tiện sử dụng.
Theo Luật sư Trần Hữu Trà, Công ty luật TNHH Trà và Cộng sự, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, “quyền tác giả” là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. “Quyền liên quan đến quyền tác giả” là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Trong trường hợp này cần phân biệt rõ quyền tác giả đối với tác phẩm Tiến quân ca (phần nhạc và lời) và quyền liên quan đến quyền tác giả đối với bản ghi âm/ghi hình “Quốc ca Việt Nam”.
Nếu BH Media hay Hồ Gươm Audio không có các căn cứ hợp pháp để chứng minh là chủ sở hữu quyền liên quan đến quyền tác giả của tác phẩm thì có nghĩa đã “nhận vơ” bản quyền. Đến thời điểm này, các đơn vị nêu trên chưa đưa ra các giấy tờ, bằng chứng cần thiết.
Trước đó, BH Media từng khiến không ít nghệ sĩ bất bình. Nguyên nhân là khi đăng tải chính “đứa con tinh thần” của mình lên môi trường số, nhiều nghệ sĩ vấp phải những cảnh báo liên quan bản quyền. Thời gian gần đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) liên tiếp nhận được đơn kiến nghị của các nhạc sĩ Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngọc Khuê và nhóm M6 về việc bị BH Media xâm phạm bản quyền và quyền liên quan tác phẩm của họ.
Điển hình là trường hợp ca khúc Giấc mơ trưa của nhạc sĩ Giáng Son. Khi đăng tải ca khúc này với phần thể hiện của ca sĩ Khánh Linh lên kênh YouTube của mình, nữ nhạc sĩ liền nhận được thông báo khiếu nại liên quan bản quyền từ YouTube với lý do trong video cô đăng lên có chứa một đoạn âm thanh tương tự sản phẩm Giấc mơ trưa của nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh đã được BH Media đăng ký bản quyền. Việc bản thân tác giả cũng phải nhận cảnh báo về bản quyền đối với chính sáng tác của mình trong khi không hề ký độc quyền tác phẩm với bất cứ tổ chức, cá nhân nào đã khiến Giáng Son cùng nhiều nhạc sĩ thấy bất ngờ, vô lý.
Nhà văn Ngô Tự Lập thay mặt nhóm M6 gồm Ngô Tự Lập, Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Trần Đức Minh kiến nghị sự việc đăng ba album với 28 tác phẩm do họ sáng tác và tự sản xuất lên kênh YouTube thì cũng bị BH Media thay mặt Hồ Gươm Audio nhận là chủ sở hữu bản quyền. Trong thực tế, nhóm này chỉ ký hợp đồng phát hành album với Hồ Gươm Audio mà thôi. Còn nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng gặp rắc rối với các video và tác phẩm do chính nhạc sĩ sáng tác và do nhạc sĩ hoặc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đứng ra đầu tư, thuê Dihavina (Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Âm nhạc) thu âm nhưng khi đăng lên kênh YouTube của mình đã bị BH Media xác nhận chủ sở hữu bản quyền.
Bất ngờ hơn khi trong cuộc gặp mặt báo chí ngày 9/11, VCPMC cho biết, 76 đĩa CD tương ứng 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất, đơn vị phát hành là Dihavina, cũng đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng như Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Việt Nam! Quê hương tôi…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống Content ID là công cụ cho phép chủ sở hữu dễ dàng xác định và quản lý nội dung của họ trên YouTube. Khi phát hiện những video được đưa lên nền tảng này chứa một đoạn nội dung trùng hợp với sản phẩm đã đăng ký sở hữu, hệ thống sẽ tự động gửi thông báo đến người dùng về việc họ đang sử dụng một sản phẩm có bản quyền trên YouTube. Nhiều ý kiến cho rằng, vì am hiểu công nghệ cho nên BH Media đã đi trước một bước trong việc đăng ký sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật qua hệ thống Content ID, vì thế có nhiều lợi thế trong kiểm soát khai thác. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt tác phẩm âm nhạc khi đưa lên YouTube bị dính thông báo xác nhận bản quyền, kể cả với chính người sáng tác.
Tuy nhiên, YouTube cũng quy định một cá nhân, tổ chức chỉ được cấp Content ID khi cam kết có độc quyền sở hữu với phần lớn nội dung của tài liệu gốc. Điều này có nghĩa, nếu cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu độc quyền của sản phẩm thì việc đăng ký Content ID sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp bảo vệ bản quyền tác phẩm trên môi trường số. Nhưng nếu cá nhân, tổ chức đó không phải chủ sở hữu độc quyền mà vẫn đăng ký quyền sở hữu qua Content ID sẽ gây phương hại đến việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hợp pháp của những bên khác.
Không ít người đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu tác phẩm được đăng ký sở hữu Content ID trên YouTube đúng là thuộc sở hữu độc quyền của cá nhân/đơn vị đăng ký? Vì nếu không chính xác, đây sẽ là hành vi lạm dụng công cụ bảo vệ bản quyền trên nền tảng số để thu lợi, không loại trừ việc xâm phạm cả quyền tác giả.
Những ồn ào vừa qua đã cho thấy sự phức tạp trong cuộc chiến bảo vệ bản quyền âm nhạc trên môi trường số. Trong sân chơi công nghệ, nhất là trên các nền tảng đa quốc gia, lợi thế sẽ thuộc về những người thành thạo công cụ, hiểu luật và các chính sách khai thác nội dung trên môi trường số. Khi cách mạng công nghệ ngày càng phát triển, việc tiếp cận các sản phẩm nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng qua nền tảng số trở thành xu hướng thì muốn bảo vệ bản quyền tác phẩm của mình, các nhạc sĩ, nghệ sĩ cần chủ động tìm hiểu luật, cơ chế hoạt động trên môi trường số cũng như dũng cảm lên tiếng khi phát hiện có những vi phạm bản quyền.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo cho rằng: Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tránh tình trạng các sáng tác âm nhạc của mình bị người khác khai thác trái phép, các nhạc sĩ một mặt phải trau dồi, bổ sung kiến thức về Luật Bản quyền, mặt khác nên có sự ủy quyền cho các đơn vị bảo vệ quyền tác giả chuyên nghiệp, nơi có các chuyên gia về bản quyền âm nhạc trên môi trường số… Sự minh bạch trong khai thác bản quyền âm nhạc số phụ thuộc vào ý thức tự giác và hiểu biết về giới hạn của các quyền mà người tham gia sở hữu.
Trước những “lùm xùm” nêu trên, rất cần sự vào cuộc làm rõ của các cơ quan chức năng và người làm luật để phân định rạch ròi quyền tác giả và quyền liên quan quyền tác giả trong các hợp đồng giữa Hồ Gươm Audio với các nhạc sĩ mà BH Media là đơn vị được ủy quyền quản lý và khai thác trên YouTube. Về lâu dài, cần sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với cơ quan thông tin truyền thông, khoa học - công nghệ, sao cho các quy định vừa đáp ứng được quy tắc trên nền tảng số đa quốc gia, vừa phù hợp pháp luật và văn hóa của đất nước.