Minh bạch thị trường, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm

PV. (t/h)

Bộ Tài chính đã và đang tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tính minh bạch của thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với ngân hàng thương mại, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Nhiều người tham gia bảo hiểm chưa dành thời gian để tìm hiểu đầy đủ về hợp đồng trước khi quyết định giao kết hợp đồng.
Nhiều người tham gia bảo hiểm chưa dành thời gian để tìm hiểu đầy đủ về hợp đồng trước khi quyết định giao kết hợp đồng.

Trả lời kiến nghị cử tri TP. Hồ Chí Minh gửi đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã phát triển nhanh chóng và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Số liệu cho thấy, kênh này chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng sẽ thực sự phát huy hiệu quả cho khách hàng, ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm khi giao dịch được xác lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng lợi ích, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, do mới còn mới và có tốc độ phát triển nhanh, nên việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng còn có những bất cập nhất định như một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng đang nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện”, “trung thực tuyệt đối” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm".

Bộ Tài chính cho biết, bảo hiểm nhân thọ là cam kết dài hạn của cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Quy tắc, điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ xây dựng dựa trên nguyên tắc và thông lệ quốc tế về triển khai bảo hiểm nhân thọ, tư vấn của công ty tái bảo hiểm.

Mặc dù pháp luật đã có các quy định về việc doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ các thông tin về hợp đồng bảo hiểm (Thời hạn, kỳ đóng phí bảo hiểm, phương thức đóng phí; trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác của bên mua bảo hiểm; thời điểm có giá trị hoàn lại; việc doanh nghiệp được khấu trừ các khoản nợ từ giá trị tài khoản,…) và có văn bản cung cấp các thông tin cơ bản về hợp đồng bảo hiểm tuy nhiên nhiều người tham gia bảo hiểm chưa dành thời gian để tìm hiểu đầy đủ về hợp đồng trước khi quyết định giao kết hợp đồng. Trong thời gian qua, do những hạn chế trong việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm, cộng với hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng vay mua bảo hiểm, làm ảnh hưởng đến bên mua bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thực hiện kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính đã và đang tiến hành các giải pháp đồng bộ để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Trong đó, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm

Trong quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn đối với nội dung được phân công tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023), Bộ Tài chính đã bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý; yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phải xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, trong đó nêu rõ các quyền lợi, thời hạn, các nghĩa vụ đóng phí, cung cấp thông tin và các lưu ý khác.

Hai là, tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm

Bộ Tài chính đã tổ chức họp với toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát tổng thể và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ và quản lý chất lượng đại lý, tăng cường các chế tài đối với đại lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm.

Từ tháng 9/2022, Bộ Tài chính đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm có doanh thu bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cao. Từ cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 04 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là: Prudential, Sun Life, MB Ageas và BIDV Metlife. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều vi phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của đại lý bảo hiểm cá nhân, nhân viên ngân hàng. Các vi phạm của đại lý sẽ được Bộ Tài chính xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, qua thanh tra, Bộ Tài chính cũng đã phát hiện và xử lý các khoản chi phí cho hoạt động đại lý không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã yêu cầu 04 doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm có biện pháp kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và an toàn tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật.

Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan

Trong thời gian qua, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và ký kết Quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA, Bộ Tài chính đã phối hợp làm việc, cung cấp thông tin với các cơ quan của Bộ Công an nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính. Bộ Tài chính cũng đã chuyển các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự sang cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Bộ Tài chính cũng phối hợp cung cấp các thông tin, giải đáp quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, cơ chế bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cho các cơ quan thông tấn, báo chí; Đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam rà soát và hoàn thiện ngay bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm, các quy tắc chuẩn mực để áp dụng chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm như: Hoàn thiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra; Tăng cường truyền thông phổ biến pháp luật về hợp đồng bảo hiểm.

 

Trước đó, gửi kiến nghị đến trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, cử tri TP. Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tài chính và bộ, ngành có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại. Cử tri cho rằng vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm, cử tri kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua. Đồng thời, kiến nghị kiểm tra, rà soát lại những hợp đồng mẫu về một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.