Minh bạch thông tin giúp thu hút vốn, duy trì lòng tin của thị trường
Bà Nguyễn Nguyệt Anh, Chuyên gia quản trị công ty (QTCT), phụ trách Chương trình QTCT của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC - International Finance Corporation) tại Việt Nam cho rằng, nếu thực hiện tốt việc công bố thông tin và hướng đến phát triển bền vững trong báo cáo thường niên, lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển của chính công ty họ, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư và các bên có quyền lợi liên quan mà còn góp phần vào sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.
Phóng viên: Trên góc độ là chuyên gia tư vấn quốc tế, bà đánh giá như thế nào về chất lượng cũng như tính minh bạch trong báo cáo thường niên của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua so với thông lệ quốc tế?
Bà Nguyễn Nguyệt Anh: Theo kết quả cuộc bình chọn báo cáo thường niên (BCTN) các năm vừa qua, chất lượng BCTN của các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có cải thiện đáng kể về mặt hình thức cũng như nội dung.
Những công ty đạt giải nằm trong Top 10 hay Top 30 luôn cố gắng duy trì phong độ và có nỗ lực nâng cao chất lượng báo cáo hàng năm ngày một tốt hơn. Tại lễ trao giải cuộc bình chọn BCTN 2016, BCTN của Tập đoàn Bảo Việt đạt giải đặc biệt với chất lượng vượt trội về nội dung công bố và tính minh bạch thông tin trên BCTN, vượt trên các quy định pháp lý của Việt Nam và bắt kịp với các thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, phần lớn các DNNY có BCTN không lọt vào vòng chung khảo vẫn có mức điểm dưới trung bình vì chưa thật sự chú trọng việc công bố thông tin (CBTT). Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội để thay đổi chính mình bằng việc cải thiện chất lượng báo cáo. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng sự tin tưởng của các cổ đông cũng như thu hút các nhà đầu tư tốt hơn.
Theo bà, BCTN có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân doanh nghiệp và hữu ích ra sao đối với nhà đầu tư?
BCTN là công cụ truyền thông quan trọng trong công tác quan hệ với nhà đầu tư (IR - Investor Relations). Doanh nghiệp cần xác định thật rõ đâu là mục đích và các đối tượng chính của BCTN, đồng thời cần hiểu rõ nhu cầu thông tin của họ, tránh thông tin mang tính chất một chiều, mang tính tuân thủ. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ động trong vấn đề QTCT và CBTT, trước tiên vì lợi ích của chính doanh nghiệp và các cổ đông.
Quản trị tốt và hướng đến phát triển bền vững (PTBV) là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng như các định chế tài chính và nhà đầu tư có tổ chức. Các nhà đầu tư ngày càng quan tâm hơn đến tương lai phát triển và tính bền vững của doanh nghiệp thông qua sự tích hợp các chỉ số phi tài chính (ESG – môi trường, xã hội, quản trị) trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Xây dựng tầm nhìn dài hạn, tích hợp các vấn đề trọng yếu này vào trong chiến lược phát triển, áp dụng các thông lệ tốt của quốc tế... không chỉ để quản trị tốt các rủi ro, mà còn tạo sự khác biệt và nâng cao tính cạnh tranh trong khả năng tiếp cận nhà đầu tư và thu hút nguồn vốn mới.
Nếu thực hiện tốt việc công bố những thông tin này trong BCTN, lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ đóng góp cho sự phát triển của chính doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin đối với các nhà đầu tư và các bên có quyền lợi liên quan mà còn góp phần vào sự phát triển minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK).
Bà có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm quốc tế về BCTN của các doanh nghiệp/tập đoàn lớn ở một số quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo, học hỏi?
Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các BCTN của các công ty đa quốc gia, của các tập đoàn lớn niêm yết trên các SGDCK quốc tế từ Internet và trên website của các doanh nghiệp này, hoặc cũng có thể tham khảo các BCTN xuất sắc đã đoạt giải từ các cuộc bình chọn của các nước trong khu vực, chẳng hạn như giải thưởng “Singapore Corporate Awards” với BCTN xuất sắc của năm 2016 thuộc về các công ty Singapore Telecommunications Limited, Keppel Telecommunications & Transportation Limited và OKP Holdings Limited.
Về cơ bản, BCTN cung cấp bức tranh toàn diện về hoạt động kinh doanh, thành quả của năm vừa qua, đồng thời phân tích các rủi ro và hoạch địch chiến lược phát triển cho tương lai, thông qua đó BCTN được sử dụng như một công cụ truyền thông quan trọng nhằm duy trì sự tham gia của cổ đông hiện hữu và thu hút những nhà đầu tư tiềm năng mới.
Các báo cáo của các tổ chức tại các nước phát triển đã tiến một bước rất xa so với Việt Nam. Như đã nêu trên, hiện nay các nhà đầu tư có tổ chức và lãnh đạo các doanh nghiệp có xu hướng không chỉ xem xét các thông tin tài chính đơn thuần, mà còn đặc biệt quan tâm đến những thông tin phi tài chính.
Vì vậy, doanh nghiệp nên đẩy nhanh việc thực hiện Báo cáo Tích hợp (BCTH) theo chuẩn mực quốc tế. BCTH là một công cụ giúp doanh nghiệp gắn kết và trao đổi sâu với các bên liên quan một cách toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc trình bày một cách rõ ràng về mục tiêu chiến lược, kế hoạch, tài chính, quản trị, trách nhiệm môi trường và xã hội và cách thức sử dụng nguồn lực để tạo ra các giá trị dài hạn.
Bà có khuyến nghị gì cho Việt Nam để tăng tính minh bạch và nâng cao chất lượng BCTN, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế?
Toàn cầu hóa và hội nhập là xu hướng tất yếu. Kinh tế thế giới không ngừng phát triển và biến động chính là một thách thức lớn cho chính phủ của các quốc gia trong việc quản trị rủi ro ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.
Ở Việt Nam, Chính phủ đã định vị rõ TTCK có vai trò chiến lược là kênh huy động vốn trung và dài hạn để phát triển kinh tế đất nước. Như vậy, để xây dựng lòng tin đối với nhà đầu tư và huy động được nguồn vốn tốt dài hạn thì vấn đề minh bạch thông tin, trao đổi hai chiều là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của thị trường.
Theo báo cáo Môi trường Kinh doanh của nhóm Ngân hàng Thế giới (Doing Business 2016), Việt Nam hiện đang đứng thứ 122 trên tổng số 189 nền kinh tế được xếp hạng trên toàn cầu về bảo vệ các nhà đầu tư.
Để cải thiện việc nâng hạng, ở góc độ quốc gia, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một hành lang pháp lý thật hoàn chỉnh, đủ mạnh và hiệu quả để các bên tham gia phải tuân thủ các quy định, cần xử lý nghiêm minh các sai phạm, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp đang coi nhẹ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.
Là một quốc gia với chỉ số bảo vệ nhà đầu tư còn thấp, QTCT tốt còn có vai trò, ý nghĩa nhiều hơn nữa trong việc hạn chế sự sụt giảm của các chỉ số cổ phiếu trên TTCK, mang lại sự ổn định cho thị trường vốn và góp phần thu hút các nhà đầu tư.
Với các doanh nghiệp, cần thay đổi tư duy với một tầm nhìn dài hạn, tích hợp các yếu tố PTBV vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp. CBTT minh bạch và trách nhiệm của hội đồng quản trị là hai lĩnh vực quan trọng trong công tác QTCT mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.
Với kinh nghiệm của một nhà đầu tư toàn cầu, IFC luôn tin tưởng rằng một hệ thống CBTT tốt (thông qua BCTN) có thể giúp thu hút vốn và duy trì lòng tin của thị trường. Ngược lại, CBTT yếu kém và không minh bạch có thể dẫn đến hành vi phi đạo đức và mất đi tính trung thực của thị trường, gây thiệt hại lớn không chỉ cho doanh nghiệp và cổ đông mà cho cả nền kinh tế nói chung.
Thúc đẩy minh bạch và CBTT là trách nhiệm của các thành phần tham gia thị trường. Không chỉ riêng chính phủ và doanh nghiệp mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cùng các đối tác hữu quan cần tiếp tục khởi xướng và truyền thông sâu rộng những thông lệ tốt của quốc tế về quản trị tốt, minh bạch hóa CBTT và hướng đến PTBV.
Vấn đề này thật sự là một trong những điểm mấu chốt quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của tất cả các bên tham gia thị trường, giúp TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh và có đủ sức cạnh tranh với các thị trường trong khu vực.