Quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp với hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam
Xuất phát từ mối quan hệ giữa quản trị công ty với hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, cùng với những thăng trầm trong hoạt động của các ngân hàng thời gian qua, bài viết nghiên cứu những yếu tố tác động tới hiệu suất hoạt động của các ngân hàng, trong đó hiệu suất hoạt động của các ngân hàng được đo bằng chỉ tiêu tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA). Bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, phân tích số liệu công bố định kỳ của 16 ngân hàng thương mại cổ phần được chọn ngẫu nghiên trên thị trường chứng khoán từ năm 2006 đến 2014. Qua đó, rút ra các yếu tố ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của các ngân hàng…
Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Quản trị công ty
Có nhiều quan điểm về hoạt động quản trị công ty. Theo Shleifer và Vishny (1997) quản trị doanh nghiệp (QTDN) là cách thức đảm bảo nhà cung cấp tài chính cho một đối tượng nhận được lợi nhuận từ đầu tư của họ. Melvin và Hirt (2005) lại mô tả các khái niệm về QTDN bao gồm các quyết định và kiểm soát, đặc biệt là cấu trúc của hội đồng quản trị (HĐQT). Trong khi đó, Cadbury Committee (1992) đề cao vai trò của hệ thống các quy tắc được sử dụng để QTDN một cách có hiệu quả.
Như vậy, QTDN có thể mô tả là một hệ thống các quy tắc, chuẩn mực nhằm cân bằng các nhóm lợi ích giữa các đối tượng có liên quan tới công ty trên cơ sở tập trung chủ yếu vào bảo vệ các đối tượng bên ngoài công ty như cổ đông, nhà đầu tư khỏi những xung đột quyền lợi phát sinh từ quyết định của thành viên bên trong công ty.
Mối quan hệ giữa quản trị doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của công ty
Claessens (2003) khẳng định, QTDN hiệu quả sẽ giúp DN dễ dàng thu hút được nguồn vốn từ bên ngoài, từ đó giảm chi phí vốn, gia tăng hiệu quả hoạt động. Agrawal và Knoeber (1996), Bhagat và Bolton (2008) lại chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa tính độc lập của HĐQT với giám đốc và hiệu quả hoạt động của DN.
Họ cho rằng, các DN kém thường có xu hướng tăng giám đốc độc lập nhưng không làm cải thiện hiệu suất hoạt động, thậm chí còn làm tồi tệ thêm (Bhagat và Bolton, 2008). Yermack (1996) lại kết luận, số lượng thành viên HĐQT càng nhỏ thì hiệu quả hoạt động của DN càng tốt... Như vậy, có thể thấy QTDN có mối quan hệ khá mật thiết với hiệu quả hoạt động của DN.
Đề xuất mô hình và các biến nghiên cứu
Một là, quy mô của HĐQT
Có 2 trường phái khác nhau về mối quan hệ giữa quy mô của HĐQT và hiệu suất DN. (i) Quy mô của HĐQT càng nhỏ thì đóng góp càng nhiều vào thành công của DN (Lipton và Lorsch, 1992; Jensen, 1993; Yermack, 1996); (ii) quy mô HĐQT lớn sẽ làm tăng hiệu suất DN. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quy mô HĐQT lớn sẽ hỗ trợ và tư vấn quản lý DN hiệu quả hơn do sự phức tạp của môi trường kinh doanh và văn hóa DN (Klein, 1998). Thêm vào đó, quy mô HĐQT lớn hơn sẽ quy tập được nhiều thông tin hơn. Vì vậy, hiệu suất DN sẽ được nâng cao với quy mô HĐQT lớn hơn (Dalton và ctg, 1999).
Theo Trương và cộng sự (1998), có sự khác biệt lớn giữa văn hóa quản lý của Việt Nam và thế giới. Theo đó, công tác quản lý ở Việt Nam không có sự phân chia quyền lực. Triết lý này phản ánh văn hóa “khoảng cách quyền lực” tại các công ty Việt Nam và hoàn toàn khác với nguyên tắc làm việc theo nhóm và phân cấp quản lý. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra kết luận, quy mô HĐQT càng lớn thì phân cấp quản lý sẽ giảm đi. Nghiên cứu được đúc kết lại bằng giả thuyết dưới đây:
- Giả thuyết H1: “Có mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô của HĐQT và hiệu suất ngân hàng”.
Hai là, thành viên nữ trong HĐQT.
- Thành viên nữ thuộc HĐQT là đối tượng xuất hiện thường xuyên trong các nghiên cứu thực nghiệm. Họ phản ánh sự đặc trưng, đa dạng của HĐQT (Dutta và Bose, 2006). Theo Smith và cộng sự (2006): (1) Thành viên nữ thường có hiểu biết về thị trường sâu rộng hơn so với thành viên nam.
Những hiểu biết của họ sẽ làm tăng tính hiệu quả trong những quyết định của HĐQT; Thành viên nữ trong HĐQT sẽ tạo nên hình ảnh đẹp hơn cho công ty và đóng góp tích cực vào hiệu suất của công ty; Các thành viên khác trong HĐQT sẽ được nâng cao hiểu biết về môi trường kinh doanh trong trường hợp thành viên nữ được bổ nhiệm. Thêm vào đó, thành viên nữ trong HĐQT sẽ gây ảnh hưởng tích cực đến các nhân viên nữ khác.
- Giả thuyết H2: “Có mối quan hệ thuận chiều giữa số lượng thành viên nữ trong HĐQT và hiệu suất ngân hàng”.
Ba là, trình độ của HĐQT.
HĐQT là bộ máy điều hành của doanh nghiệp (Fama và Jensen, 1983). Những quyết định đúng đắn của HĐQT sẽ nâng cao hiệu suất DN. Để đạt được điều này, thành viên HĐQT phải được trang bị đầy đủ kiên thức về tài chính, kế toán, marketing, thông tin hệ thống, luật pháp và các mảng khác liên quan đến quá trình quản lý.
- Giả thuyết H3: “Trình độ của HĐQT sẽ ảnh hưởng tích cực, đóng góp nâng cao hiệu suất ngân hàng.”
Bốn là, kinh nghiệm của HĐQT.
Có nhiều quan điểm cho rằng, thành viên HĐQT với thâm niên làm việc cao sẽ có nhiều kinh nghiệm trong quản lý. Tuy nhiên, thành viên lâu năm thường có xu hướng quyết liệt và độc tài hơn. Những phẩm chất khác nhau của thành viên HĐQT sẽ quyết định sự thành bại của DN (Carlson và Karlsson, 1970). Thành viên HĐQT có độ tuổi trung bình cao sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn trong việc thay đổi môi trường làm việc, điều này sẽ cản trở việc thực hiện các quyết định chiến lược (Child, 1975).
Mặc dù, có nhiều tranh cãi về mối quan hệ giữa kinh nghiệm của HĐQT và hiệu suất DN, theo lý thuyết về hạn chế nguồn lực, thành viên với nhiều kinh nghiệm sẽ đối phó tốt hơn trong môi trường kinh doanh bằng cách làm việc theo nhóm hiệu quả, đóng góp vào hiệu suất DN (Wegge và cộng sự, 2008).
Giả thuyết H4: “Kinh nghiệm của HĐQT có tác động tích cực tới hiệu suất ngân hàng.”
Năm là, thành viên độc lập trong HĐQT.
- Nhiều nghiên cứu thực nghiệm nhất trí về sự quan trọng của các thành viên HĐQT độc lập tới thành công của công ty. Elloumi và Gueyié (2001) cho rằng, một công ty có HĐQT với tỷ lệ thành viên độc lập cao ít khi gặp phải những áp lực về tài chính. Khi nền kinh tế chuyển biến xấu đi, nguy cơ phá sản đối với các công ty có nhiều thành viên HĐQT độc lập sẽ giảm đáng kể (Daily và cộng sự, 2003).
- Giả thuyết H5: “Có mối quan hệ thuận chiều giữa số lượng thành viên HĐQT độc lập với hiệu suất ngân hàng”.
Sáu là, cổ đông lớn.
Các nghiên cứu thực nghiệm về cổ đông lớn của Shleifer và Vishny (1997) kết luận, các cổ đông lớn có ảnh hưởng quan trọng trong điều hành quản lý công ty: (1) Cổ đông nhỏ sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ việc lạm dụng quyền lực trong quá trình vận hành công ty; (2) Sự quản lý hà khắc của nhóm cổ đông lớn có thể cản trở hoạt động DN. Việc điều hành quản lý sẽ không thay đổi để thích ứng kịp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Mặc dù, có nhiều tranh cãi về tác động của cổ đông lớn tới hoạt động công ty, nhiều nghiên cứu đều nhận thấy sự quan trọng của họ. Cụ thể, cổ đông lớn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành DN do họ có đủ kỹ năng, thời gian và theo sát hoạt động của DN. Denis và Mc Connell (2003), Becker và cộng sự (2011) nhận định quyền lực điều hành tập trung vào nhóm cổ đông lớn về cơ bản sẽ tác động tích cực đến DN.
Giả thuyết H6: “Sự có mặt của cổ đông lớn sẽ tác động tích cực tới hiệu suất hoạt động của ngân hàng”.
Bảy là, các biến kiểm soát.
Trong mô hình tác giả sử dụng 3 biến kiểm soát là: Quy mô của DN; Số năm kinh nghiệm hoạt động; Có sở hữu chi phối của Nhà nước hay không.
Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để đo lường mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc. Tổng cộng tác giả lấy số liệu từ 16 ngân hàng, gồm cả ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước, với tổng số 139 phiếu.
Số liệu được lấy từ số liệu công bố của các ngân hàng qua các năm. Mỗi một năm, một ngân hàng được coi là một phiếu điều tra. Sau đó sử dụng phương pháp mã hóa lại số liệu, đưa số liệu về thang đo likert bằng cách xác định giá trị min max của các biến độc lập cũng như phụ thuộc, tiến hành chia thành năm khoảng sắp xếp từ min đến max lần lượt nhận các giá trị từ 1-5.
Tác giả sử dụng phần mềm thống kê SPSS phiên bản 18 để phân tích số liệu.
Kết quả nghiên cứu
Kiểm tra mối tương quan giữa các biến cho thấy, các biến Co-FirmSize, Co-FirmAge và Co-State có tương quan khá chặt với nhau hệ số Pearson lần lượt là 0.696; 0.750 và 0.797. Điều này khá hợp lý vì ở Việt Nam thường các ngân hàng lớn đều thuộc sở hữu nhà nước, đồng thời các ngân hàng này được thành lập khá sớm, vượt trội so với các ngân hàng khác. Từ thực tiễn trên cộng với hệ số Pearson lớn là một chỉ dấu cho khả năng đa cộng tuyến, ta sẽ xem xét thêm hệ số VIF/Tolerance sau này.
Kết quả chạy hồi quy
Từ bảng 2 ta thấy, hệ số VIF của các biến FirmSize, FirmAge và State đều lớn hơn hẳn các biến khác nhưng vẫn ở mức chấp nhận được (dưới 10), vì vậy chưa có cơ sở để kết luận các biến này có hiện tượng đa cộng tuyến.
Kiểm tra các giả thuyết
Với giả thuyết H1, ta có Sig = 0.000, hệ số β = 0.383, kết luận: Có sự tác động thuận chiều giữa quy mô của HĐQT với hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Như vậy, kết luận ngược với giả thuyết và phù hợp với luận điểm của Klein (1998) khi cho rằng, quy mô HĐQT lớn sẽ hỗ trợ và tư vấn quản lý DN hiệu quả hơn.
Các ngân hàng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính có mức độ phức tạp cao hơn các ngành khác, đặc biệt là ở Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu nên mức độ cạnh tranh cao. Vì vậy, một HĐQT có nhiều thành viên sẽ giúp hỗ trợ và tư vấn quản lý ngân hàng hiệu quả hơn, qua đó nâng cao hiệu suất hoạt động.
Với giả thuyết H2, Sig =0.700, kết luận: Không có sự tác động giữa số lượng nữ giới trong HĐQT tới hiệu quả hoạt động, hay giả thuyết H2 bị bác bỏ. Điều này phản ánh thực tế, mặc dù thời gian qua, số lượng nữ giới tham gia vào HĐQT của ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực theo xu hướng chung, nhưng sự tham gia này vẫn chưa rõ nét.
Giả thuyết H3, Sig = 0.102, kết luận: Không tìm thấy mối liên hệ giữa trình độ của HĐQT với hiệu suất hoạt động của ngân hàng, hay giả thuyết H3 bị bác bỏ. Điều này có thể hiểu được xuất phát từ việc các thành viên HĐQT ở các ngân hàng Việt Nam hầu hết là những người không có chuyên môn về ngân hàng, trong khi các lãnh đạo ngân hàng đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nhất định.
Giả thuyết H4, Sig = 0.699, kết luận: Không có sự liên hệ mang ý nghĩa thống kê giữa kinh nghiệm của HĐQT với hiệu suất hoạt động của ngân hàng, hay giả thuyết H4 bị bác bỏ. Qua nghiên cứu thực tế, phần lớn các thành viên HĐQT đều có tuổi đời khá cao và tập trung quanh mức 50 tuổi. Số lượng thành viên HĐQT có trẻ khá ít, nên hiệu quả hoạt động ít bị tác động bởi yếu tố kinh nghiệm của HĐQT.
Giả thuyết H5, Sig = 0.027, β = -0.205, kết luận: Có sự liên hệ ngược chiều giữa số lượng thành viên HĐQT độc lập với hiệu suất hoạt động của ngân hàng, đây là một kết luận khá thú vị. Ở các nước phát triển, số lượng thành viên HĐQT độc lập mang tính chất làm tăng khả năng minh bạch hóa làm phân tách giữa hai chức năng quản lý và quản trị, qua đó làm tăng hiệu quả hoạt động.
Ở Việt Nam thì ngược lại, thành viên HĐQT độc lập lại cản trở hoạt động của ngân hàng, xuất phát từ việc phần lớn họ không có chuyên môn về ngân hàng, đồng thời thông tin trong ngân hàng Việt Nam có tính minh bạch kém nên có thể dẫn đến những thành viên HĐQT này thường tác động, hoặc chỉ đạo ra những quyết định không có lợi cho hoạt động của ngân hàng.
Giả thuyết H6, Sig = 0.029, β = -0.230, kết luận: Có sự liên hệ ngược chiều giữa yếu tố có sự tham gia của cổ đông lớn tới hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Kết luận này trùng với nghiên cứu thực nghiệm về cổ đông lớn của Shleifer và Vishny (1997). Nguyên nhân có thể xuất phát từ những lạm dụng quyền lực hoặc sự quản lý hà khắc của cổ đông lớn ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả hoạt động của ngân hàng.
Ngoài ra, theo tác giả, hiệu suất hoạt động của ngân hàng còn chịu tác động của yếu tố thời gian hoạt động (Sig = 0.025,β = -0.384) nhưng là tác động ngược chiều, điều này phản ánh các ngân hàng thành lập sớm thường là ngân hàng của nhà nước, thường chậm chạp trong phản ứng trước các biến đổi của hoạt động sản xuất kinh doanh
Kết luận và khuyến nghị
Qua nghiên cứu phân tích tại 16 ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, tác giả đã tìm ra mối quan hệ giữa các yếu tố: Quy mô HĐQT, Số lượng thành viên HĐQT độc lập; Cổ đông lớn; Thời gian hoạt động của ngân hàng có ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của ngân hàng. Trong đó, ảnh hưởng mạnh nhất và thuận chiều là Quy mô của HĐQT, sau đó lần lượt là các yếu tố ảnh hưởng yếu hơn và ngược chiều là Thời gian hoạt động, Cổ đông lớn và số lượng thành viên HĐQT độc lập. Xuất phát từ những kết quả trên, bài viết đưa ra một số khuyến nghị sau:
Một là, nên gia tăng số lượng thành viên HĐQT ở các ngân hàng hoạt động yếu kém mà có số lượng thành viên HĐQT thấp. Điều này sẽ hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực của các cổ đông lớn tới hiệu suất hoạt động của các ngân hàng.
Hai là, nên hạn chế bớt số lượng thành viên HĐQT độc lập hoặc tăng cường sự minh bạch thông tin giữa những người điều hành và HĐQT, đồng thời tăng trình độ, kiến thức về ngân hàng cho các thành viên HĐQT. Điều này sẽ làm tăng khả năng quản trị và ra các quyết định chính xác.
Ba là, nên tăng cường có chừng mực và cẩn trọng số lượng thành viên có tuổi đời còn trẻ, thành viên là nữ giới trong HĐQT. Hiện nghiên cứu chưa tìm thấy mối quan hệ giữa kinh nghiệm và giới tính ảnh hưởng tới hiệu suất hoạt động của ngân hàng, mặc dù nhiều nghiên cứu trước đó cho rằng, có ảnh hưởng, nhưng chưa thực sự chắc chắn là ảnh hưởng tốt hoàn toàn trong 100% số trường hợp, vì vậy sự thay đổi này nên mang tính thử nghiệm và chừng mực.
Tài liệu tham khảo:
1. Berger, Allen N. & Clarke, George R. G. & Cull, Robert & Klapper, Leora & Udell, Gregory F., 2005. “Corporate governance and bank performance: a joint analysis of the static, selection, and dynamic effects of domestic, foreign, and state ownership,” Policy Research Working Paper Series 3632, The World Bank;
2. Adegbemi B.O Onakoya (2010), Corporate governance and bank performance, a pooled study of selected banks in Nigeria, European Scientific Journal December edition vol.8, No.28 ISSN: 1857 – 7881 (Print) e - ISSN 1857- 7431;
3. Adams, Renée B., 2010. Governance at banking institutions. In Baker, H. Kent and Ronald Anderson (eds.), Corporate Governance, Wiley & Sons, Hoboken, NJ;
4. Dao Thi Thanh Binh and Hoang Thi Huong Giang (2012) Corporate governance and Performance in Vietnamese Commercial Banks, Journal of Economics and Development Vol. 14, No.2, August 2012, pp. 72 - 95 ISSN 1859 0020.