Mở cửa nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm vắc xin


Đẩy mạnh tiêm vaccine, đặc biệt là khu vực động lực tăng trưởng của nền kinh tế; vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa duy trì sản xuất kinh doanh, tránh đứt gãy nguồn cung. Đồng thời chuẩn bị điều kiện và lộ trình để mở cửa nền kinh tế tương ứng với tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân; đây cần xem giải pháp căn cơ mà Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc góp ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo nhận định của Bộ Công thương do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố khiến hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7 có phần chững lại nhưng tính chung 7 tháng qua, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD.

Về cơ cấu, trong 7 tháng, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến; nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Đặc biệt, các mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản đều tăng trưởng trong, trong đó, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất, tiếp đó là thủy sản và rau quả, trong khi đó xuất khẩu mặt hàng gạo, cà phê, chè đều giảm.

Cũng trong 7 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu thuộc các mặt hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện; thép các loại; nguyên phụ liệu dệt may, da giày…

Như vậy có thể thấy, về cơ bản, hoạt động xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng qua đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên đà tăng trưởng có phần chậm lại do dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Và thời gian tới, tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như việc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc xin trong nước.

Theo dự báo của Bộ Công thương, nhu cầu hàng hóa xuất khẩu vẫn khá cao, trong đó, việc các nước đang triển khai tiêm vắc xin và mở cửa trở lại khiến nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của nước ta tăng cao. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu cũng sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ nước ta.

Các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện, hiệu quả hơn cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu, tạo điều kiện để hàng hóa của các doanh nghiệp thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Hơn nữa, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu - Bộ Công thương nhận định.

Dù có những tín hiệu lạc quan, có những thuận lợi nhất định, tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới sẽ vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là những tác động tiêu cực của dịch Covid -19 cả trong nước và thế giới. Bởi vậy, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ngoài ra, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; tập trung rà soát, khắc phục những khó khăn, vướng mắc về thể chế để tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo môi trường thông thoáng cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài...