Mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm tín dụng “đen”

PV.

Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm "tín dụng đen", nhất là vào dịp Tết sắp tới.

Quản lý chặt vấn đề xã hội đen, đòi nợ thuê, vay lãi ngày. Nguồn: Internet
Quản lý chặt vấn đề xã hội đen, đòi nợ thuê, vay lãi ngày. Nguồn: Internet

Nói về tín dụng “đen”, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, nếu như  năm 2014 bình quân một tháng xảy ra một vụ án hình sự bắt nguồn từ hệ quả của hoạt động cho vay trái pháp luật, thì hiện nay, trung bình một tháng xảy ra khoảng bốn vụ. Nhẹ nhất là xâm phạm về chỗ ở, nặng hơn là cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, nặng nhất là giết người. Tính từ đầu năm 2018, đã có ba vụ giết người, nguyên nhân là thu hồi nợ tín dụng “đen”.

Cũng trong năm 2018, lực lượng công an TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện và lập biên bản 60 nhóm với hơn 320 người vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng vi phạm chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính… Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã triệt phá băng nhóm tội phạm về tín dụng đen với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố.

“Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần tập trung thảo luận, có biện pháp quyết liệt để loại trừ” – thiếu tướng Phan Anh Minh nhấn mạnh.

Trên  thế giới, tín dụng “đen” đã tồn tại từ rất lâu dưới hình thức hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận. Tại Việt Nam, tín dụng “đen” tồn tại theo nhu cầu của người dân vì vay theo hình thức này khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng… Thậm chí, có trường hợp dùng nguồn vay từ tín dụng “đen” để trả nợ ngân hàng.

Theo Bộ Công an, hiện nay, tín dụng “đen” diễn biến rất phức tạp, chủ yếu lợi dụng, núp bóng dưới các tiệm cầm đồ, công ty tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng, văn phòng công chứng. Phương thức thủ đoạn của hoạt động này rất tinh vi, phức tạp gây khó khăn cho công tác điều tra và thu thập chứng cứ, trong khi đó chế tài xử lý các hành vi này chưa tương xứng với mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe với hoạt động này.

Ngoài ra, pháp luật hiện hành quy định tội cho vay nặng lãi nằm trong nhóm tội vi phạm tài chính chứ không phải tội hình sự. Mặt khác hiện nay, trong toàn bộ hệ thống luật hành chính, không có vi phạm về cho vay vượt lãi suất quy định.

Vấn đề đặt ra là vừa phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tín dụng, nhưng phải quản lý chặt vấn đề xã hội đen, đòi nợ thuê, vay lãi ngày. Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 3/12, đại diện Bộ Công an cho biết, Bộ đã và đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, quản lý dịch vụ tài chính, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có điều kiện liên quan đến hoạt động cầm cố vay nợ cũng như chỉ đạo các địa phương đấu tranh triệt phá các tội phạm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đang mở đợt cao điểm liên quan đến tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 16/12 sau một thời gian chuẩn bị nhân lực, vật lực. Xác định hoạt động trấn áp tội phạm tín dụng "đen" là một trọng điểm công tác trong những tháng cuối năm, Bộ Công an quyết tâm tiến tới triệt phá hoạt động này, đồng thời, sẽ tổ chức nâng cao công tác tổ chức tiếp nhận tố giác đường dây nóng.