Mô hình và tiêu chí đánh giá phát triển xuất nhập khẩu bền vững tại địa phương

ThS. Mai Quỳnh Phương Trường Đại học Điện lực

Phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu mang tính toàn cầu, là mục tiêu phấn đấu của các địa phương và các quốc gia trên thế giới. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế đòi hỏi có sự phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có xuất nhập khẩu. Để đánh giá được tình hình xuất nhập khẩu bền vững của một địa phương thì việc nghiên cứu những mô hình trong phát triển bền vững, từ đó xác định được bộ tiêu chí đánh giá phù hợp với phát triển xuất nhập khẩu bền vững của địa phương là cần thiết.

Mô hình phát triển xuất nhập khẩu bền vững

Hiện nay, có 3 trụ cột của phát triển bền vững (PTBV) đã được thừa nhận và nhấn mạnh, đó là:

Một là, sự bền vững về kinh tế, nghĩa là tạo nên sự thịnh vượng cho tất cả mọi tầng lớp xã hội và đạt hiệu quả giá trị cho tất cả mọi hoạt động kinh tế. Điều cốt lõi là sức sống và sự phát triển của các doanh nghiệp và hoạt động của các doanh nghiệp đó có thể được duy trì lâu dài.

Hai là, sự bền vững về xã hội, đó là tôn trọng nhân quyền và sự bình đẳng cho tất cả mọi người trong xã hội. Nó đòi hỏi phải phân chia lợi ích một cách công bằng, với trọng tâm là giảm đói nghèo. Cần lưu ý đến những cộng đồng địa phương, duy trì và tăng cường những hệ thống, những chế độ hỗ trợ đời sống của họ, thừa nhận và tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, tránh mọi hình thức bóc lột.

Ba là, sự bền vững về môi trường, có nghĩa là bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là các nguồn tài nguyên không thể thay mới và quý hiếm đối với cuộc sống con người. Nó đòi hỏi phải hành động nhằm hạn chế đến mức độ tối thiểu sự ô nhiễm không khí, đất và nước, bảo tồn sự đa dạng sinh học và các tài sản thiên nhiên đang còn tồn tại.

   Hình 1: Mô hình phát triển xuất nhập khẩu bền vữngNguồn: Tác giả xây dựng (2024)
   Hình 1: Mô hình phát triển xuất nhập khẩu bền vững
Nguồn: Tác giả xây dựng (2024)

Điều quan trọng là, 3 trụ cột trên phụ thuộc nhau về rất nhiều mặt, có thể hỗ trợ lẫn nhau hoặc cạnh tranh với nhau. Nói đến PTBV nghĩa là phải tạo ra một sự cân bằng giữa 3 trụ cột đó. Do vậy, kế thừa các nghiên cứu này, mô hình cho phát triển XNK bền vững cũng được dựa trên 03 trụ cột chính là kinh tế, xã hội, môi trường và được tác giả xây dựng như Hình 1. Trong đó:

- Phát triển xuất nhập khẩu (XNK) bền vững về kinh tế là sự đảm bảo tốc độ tăng trưởng XNK hợp lý và ổn định, chất lượng XNK không ngừng được nâng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.

- Phát triển XNK bền vững về mặt môi trường là sự tăng trưởng XNK bảo đảm tính bền vững của các hệ sinh thái, dựa trên việc khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, góp phần tích cực vào việc hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường.

- Phát triển XNK bền vững về mặt xã hội là sự phát triển của hoạt động XNK góp phần vào việc giải quyết các vấn đề xã hội như nâng cao thu nhập, tạo việc làm, nâng cao trình độ lao động, cải thiện điều kiện lao động, hạn chế bất bình đẳng và xung đột xã hội và bảo đảm các quyền lợi khác về kinh tế, chính trị, xã hội của các thành phần tham gia hoạt động này.

Tiêu chí đánh giá phát triển xuất nhập khẩu bền vững

Khi nghiên cứu các tiêu chí đánh giá phát triển XNK bền vững, tác giả nhận định các tiêu chí đánh giá phát triển XNK bền vững như sau:

- Thường có 3 nhóm tiêu chí về kinh tế, về môi trường, về xã hội trong đánh giá PTBV ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ địa phương, trong các lĩnh vực ngành nghề hàng hóa. Ngoài ra, có thể có nhóm tiêu chí về tăng trưởng XNK/thương mại/ngoại thương/hàng hóa khi một số tiêu chí trong nhóm kinh tế được tách riêng.

- Nhóm tiêu chí về kinh tế (tính cả tiêu chí tăng trưởng khi không tách riêng) thường gồm những tiêu chí: Quy mô (kim ngạch, tỷ trọng kim ngạch, kim ngạch/đầu người, số lượng doanh nghiệp) và tốc độ tăng trưởng (so với tốc độ tăng trưởng GDP); Đóng góp vào GDP (%); Độ mở của nền kinh tế (tỷ trọng kim ngạch XNK trong GDP); Cơ cấu theo nhóm hàng/mặt hàng/chủ thể/thị trường; Sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu; Năng lực tham gia của hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu; Nợ nước ngoài/Nợ xấu; Cán cân thương mại; Chất lượng của yếu tố thể chế.

- Nhóm tiêu chí về môi trường thường gồm những tiêu chí: Mức độ ô nhiễm/cải thiện dưới tác động của hoạt động; Mức độ duy trì các nguồn tài nguyên dưới tác động của hoạt động xuất khẩu; Khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường đối với hàng hóa (số lượng doanh nghiệp đạt được chứng chỉ môi trường); Chỉ số hàng hóa thân thiện với môi trường; Đóng góp vào kinh phí bảo vệ môi trường; Logistics xanh trong hoạt động; Khả năng kiểm soát của chính quyền và cộng đồng đối với các hoạt động.

- Nhóm tiêu chí về xã hội thường gồm những tiêu chí: Gia tăng việc làm từ việc mở rộng hoạt động; Nâng cao chất lượng lao động (chuyên môn, quản lý); Đóng góp vào thu nhập quốc dân; Số lượng lao động trong lĩnh vực so với tổng lao động; Cải thiện thu nhập của người lao động; Cải thiện điền kiện lao động, đảm bảo quyền lao động; Doanh nghiệp (số lượng, tỷ trọng) có biện pháp cải thiện môi trường và điều kiện lao động; Mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng; Mức độ tuân thủ quy tắc và lan tỏa trong hoạt động; Cơ chế chia sẻ lợi ích; Chính sách hỗ trợ hoạt động.

Từ kết luận ở trên, tác giả đánh giá, có một số tiêu chí không phù hợp với việc đánh giá phát triển XNK bền vững ở quy mô của một địa phương như:

- Các tiêu chí trong nhóm kinh tế như: Độ mở của nền kinh tế; Sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu; Năng lực tham gia của hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu; Nợ nước ngoài/Nợ xấu. Đây là những những tiêu chí phù hợp với quy mô quốc gia nên tác giả sẽ không sử dụng cho cấp độ địa phương.

- Các tiêu chí trong nhóm môi trường như: Chỉ số hàng hóa thân thiện với môi trường; Logistics xanh. Đây là các thiên nhiều về thương mại nội địa hơn là XNK nên tác giả cũng không sử dụng trong bảng tiêu chí đề xuất.

- Các tiêu chí trong nhóm xã hội như: Mức độ đáp ứng nhu cầu khách hàng; Mức độ tuân thủ quy tắc và lan tỏa trong hoạt động. Các tiêu chí này cũng tương tự như các tiêu chí ở môi trường không được sử dụng nêu trên, do tính không phù hợp với hàng hóa XNK.

Như vậy, lúc này bảng đề xuất các nhóm tiêu chí và tiêu chí đánh giá phát triển XNK bền vững, áp dụng cho một địa phương được tác giả đưa ra sẽ bao gồm các tiêu chí như Bảng 1.

Bảng 1: Bảng đề xuất các tiêu chí đánh giá phát triển xuất nhập khẩu bền vững áp dụng cho một địa phương

NHÓM TIÊU CHÍ

TIÊU CHÍ CỤ THỂ

A. KINH TẾ

1.

Quy mô XNK (kim ngạch, tỷ trọng kim ngạch, kim ngạch/đầu người, số lượng doanh nghiệp) và Tốc độ tăng trưởng XNK (so với tốc độ tăng trưởng GDP)

2.

Đóng góp của XNK vào GDP (%)

3.

Cơ cấu theo nhóm hàng/mặt hàng/chủ thể/thị trường

4.

Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu

5.

Cán cân thương mại

6.

Chất lượng của yếu tố thể chế

B. MÔI TRƯỜNG

7.

Mức độ ô nhiễm/cải thiện dưới tác động của hoạt động

8.

Mức độ duy trì các nguồn tài nguyên dưới tác động của hoạt động xuất khẩu

9.

Khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường đối với hàng hóa (số lượng và tỷ lệ doanh nghiệp đạt được chứng chỉ môi trường)

10.

Đóng góp vào kinh phí bảo vệ môi trường

11.

Khả năng kiểm soát của chính quyền và cộng đồng đối với các hoạt động XNK

C. XÃ HỘI

12.

Gia tăng việc làm từ việc mở rộng hoạt động

13.

Nâng cao chất lượng lao động (chuyên môn, quản lý)

14.

Đóng góp vào thu nhập quốc dân

15.

Số lượng lao động trong lĩnh vực so với tổng lao động

16.

Cải thiện thu nhập của người lao động

17.

Cải thiện điền kiện lao động, đảm bảo quyền lao động

18.

Cơ chế chia sẻ lợi ích

19.

Chính sách hỗ trợ hoạt động

Nguồn: Tác giả tổng hợp và đề xuất (2024)

 

Nội dung và phương pháp tính của từng tiêu chí trong bảng hiện tại được trình bày cụ thể như sau:

- Quy mô và tốc độ tăng trưởng XNK: Chỉ tiêu này thể hiện việc duy trì quy mô và nhịp độ tăng trưởng XNK hợp lý. Đó là tổng kim ngạch XNK hàng năm và nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm.

Quy mô kim ngạch XNK được thể hiện ở một số chỉ tiêu như: Tổng kim ngạch XNK hàng năm của địa phương; Kim ngạch XNK hàng năm của địa phương/đầu người; Tỷ trọng kim ngạch XNK của địa phương hàng năm so với kim ngạch XNK cả nước trong cùng kỳ; Số lượng doanh nghiệp XNK của địa phương.

Tốc độ tăng trưởng XNK bình quân cần được so sánh với tốc độ tăng trưởng của GDP. Thông thường, ở những nước tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng XNK hợp lý là mức cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 2-2,5 lần.

- Đóng góp của XNK vào GDP (%): Thể hiện ở tỷ lệ % của XNK trong tăng trưởng GDP hoặc điểm % của XNK trong mức tăng GDP.

- Cơ cấu theo nhóm hàng/mặt hàng/chủ thể/thị trường: Tính cân đối trong cơ cấu mặt hàng XNK chính là tiêu chí để đánh giá hoạt động XNK bền vững về mặt kinh tế. Chẳng hạn, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng chế biến, công nghệ cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một nước, hay tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa là máy móc thiết bị, nguyên liệu, hàng tiêu dùng trong tổng kim ngạch nhập khẩu, thể hiện trình độ công nghiệp hóa của nước đó cũng như mức độ tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Nếu tỷ trọng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên nhiên liệu cao (nhập khẩu mang tính cạnh tranh) là nhập khẩu bền vững. Nếu tỷ trọng hàng tiêu dùng nhập khẩu cao thể hiện sự không bền vững. Thị trường XNK được đa dạng hóa hay nâng cao được thị phần ở những thị trường chủ chốt phản ánh sức cạnh tranh của nền kinh tế và giảm được rủi ro bất ổn trước những biến động của thị trường nước ngoài...

- Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu: Giá trị gia tăng (GTGT) của hàng hóa xuất khẩu là phần giá trị được tạo ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước cho tới khi hàng hóa được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. GTGT là chênh lệch giữa giá xuất khẩu và toàn bộ chi phí để sản xuất và lưu thông hàng hóa đó.

- Cán cân thương mại: Là chênh lệch giữa kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu trong một thời gian nhất định. Tình trạng cán cân thương mại hay xuất khẩu ròng, theo đó, cán cân thương mại cân bằng tương đối theo xu hướng xuất siêu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững. Tỷ lệ giữa tốc độ tăng xuất khẩu và tốc độ tăng nhập khẩu cũng thể hiện mức độ ổn định vĩ mô của nền kinh tế địa phương. Nếu chỉ số tăng xuất khẩu/chỉ số tăng nhập khẩu lớn hơn 1, cho thấy sự lành mạnh của cán cân thương mại nhờ tăng trưởng xuất khẩu. Đây cũng là một chỉ số thể hiện tính lành mạnh của cán cân tài khoản vãng lai.

- Chất lượng của yếu tố thể chế: Chất lượng hoạt động của hệ thống tài chính, ngân hàng, dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu, logistics và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Mức độ ô nhiễm/cải thiện dưới tác động của hoạt động: Chỉ tiêu này được đánh giá thông qua chất lượng các thành phần môi trường không khí, nước, đất, đa dạng sinh học... tại địa phương. Chẳng hạn, việc mở rộng xuất khẩu có thể gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, suy giảm đa dạng sinh học; nhập khẩu hàng hóa không đảm bảo các quy định về môi trường gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng hệ sinh thái...

- Mức độ duy trì các nguồn tài nguyên dưới tác động của hoạt động xuất khẩu: Chỉ tiêu này thể hiện ở mức độ khai thác (hợp lý hay không hợp lý) các nguồn tài nguyên phục vụ cho xuất khẩu của địa phương, chẳng hạn như nguy cơ đánh bắt cạn kiệt nguồn tài nguyên cá, khai thác quá mức tài nguyên rừng... hoặc khả năng áp dụng các biện pháp để bảo tồn và phát triển tài nguyên phục vụ mục đích xuất khẩu bền vững.

- Khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn môi trường đối với hàng hóa: Được tính bằng số lượng và tỷ lệ các doanh nghiệp đạt được chứng chỉ môi trường như: ISO 14000, HACCP…

- Đóng góp vào kinh phí bảo vệ môi trường: Trên thực tế khó có thể tách bạch phần đóng góp của XNK dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có thể thấy được phần đóng góp này thông qua đóng góp của xuất nhập khẩu vào tăng trưởng kinh tế.

- Khả năng kiểm soát của chính quyền và cộng đồng đối với các hoạt động XNK: Để hạn chế các tác động tiêu cực đối với môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người dân.

- Gia tăng việc làm từ việc mở rộng hoạt động: Nhận biết qua việc phân tích mối quan hệ giữa mở rộng XNK và thu hút lao động, tạo ra những việc làm mới.

- Nâng cao chất lượng lao động (chuyên môn, quản lý): Phát triển XNK phải đi đôi với việc nâng cao trình độ và chất lượng lao động trong các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu của địa phương cả về chuyên môn và quản lý.

- Đóng góp vào thu nhập quốc dân: Đánh giá bằng chỉ tiêu Kim ngạch XNK đóng góp trực tiếp vào GDP của địa phương.

- Số lượng lao động trong lĩnh vực so với tổng lao động: Là số lượng lao động trong lĩnh vực XNK so với tổng lao động tại các doanh nghiệp của địa phương.

- Cải thiện thu nhập của người lao động: Các chỉ số đo lường mức thu nhập, tỷ lệ nghèo đói có thể được áp dụng để đánh giá tính bền vững về xã hội của hoạt động XNK.

- Cải thiện điền kiện lao động, đảm bảo quyền lao động: Số lượng và tỷ trọng các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu áp dụng các biện pháp để cải thiện môi trường và điều kiện lao động...

- Cơ chế chia sẻ lợi ích: Mức độ bình đẳng về phân phối thu nhập, phân hóa giàu nghèo, số vụ đình công, xung đột chủ thợ, biểu tình của người lao động…

- Chính sách hỗ trợ XNK: Các chính sách ưu tiên, khuyến khích, hỗ trợ xuất nhập khẩu đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đối với khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kết luận

Nghiên cứu này đã xây dựng được mô hình và các tiêu chí đánh giá XNK bền vững áp dụng ở cấp độ địa phương. Dựa trên việc phân tích các mô hình cho PTBV theo thời gian của các tổ chức cá nhân trên thế giới và của Việt Nam, dựa trên việc phân tích 03 bộ tiêu chí đánh giá PTBV, nghiên cứu của tác giả đã đưa ra được những kết luận riêng về mô hình và các tiêu chí thường dùng khi đánh giá PTBV.

Từ những mô hình và tiêu chí đã phân tích, tác giả xác lập nên mô hình phát triển XNK bền vững bao gồm 03 nhóm chung là về bền vững về kinh tế, bền vững về môi trường, bền vững về xã hội. Tiếp theo đó, tác giả đã xây dựng ra nhóm tiêu chí phù hợp với cấp độ địa phương trong lĩnh vực XNK. Tác giả đã đề xuất ra bảng tiêu chí gồm 03 nhóm và 19 tiêu chí. Bảng tiêu chí đề xuất sẽ là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo để xác lập được khung lý thuyết phân tích cuối cùng cho nghiên cứu phát triển XNK bền vững áp dụng ở cấp độ địa phương.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam);
  2. CSD - Commission on Sustainable Development - Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc (1992), Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) - Bộ chỉ số Phát triểnbền vững;
  3. Peter Jacobs and Bary Sadler (1990), Sustainable Development and Environmental Assessment: Perspectives on Planning for a Common Future, Canadian Environmental Assessment Research Council
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2024