Nghị định 163/2018/NĐ-CP:

Mở rộng cơ hội gọi vốn cho doanh nghiệp từ phát hành trái phiếu

PV.

Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 của Chính phủ thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ DN huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.

Nghị định số 163/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP sẽ tạo động lực để thị trường TPDN phát triển. Nguồn: internet
Nghị định số 163/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP sẽ tạo động lực để thị trường TPDN phát triển. Nguồn: internet

"Nới" điều kiện phát hành trái phiếu

So với Nghị định số 90/2011/NĐ-CP, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã nới lỏng hơn về điều kiện phát hành TPDN và khắc phục được những hạn chế của Nghị định số 90/2011/NĐ-CP.

Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định một trong các điều kiện phát hành trái phiếu là DN phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy điều kiện này tương đối chặt, tương đương với phát hành trái phiếu ra công chúng. Theo đó, một số DN muốn phát hành trái phiếu cho mục đích cơ cấu lại các khoản nợ không đáp ứng được điều kiện này nên không thể phát hành được trái phiếu để huy động vốn.

Để khắc phục hạn chế này, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành. Đồng thời, quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành nhiều đợt nhằm cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn làm nhiều đợt phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Nghị định số 163/2018/NĐ-CP cũng phân biệt rõ kênh phát hành riêng lẻ với kênh phát hành ra công chúng. Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là phát hành trái phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc internet. Tuy nhiên, trong thực tế, hầu hết các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp là phát hành theo phương thức riêng lẻ, các doanh nghiệp không phát hành ra công chúng để huy động vốn. Một số doanh nghiệp thực hiện phát hành riêng lẻ sau đó niêm yết, giao dịch trái phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán để tránh việc phát hành trái phiếu ra công chúng.

Do đó, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quy định này được nhận định sẽ góp hần định hướng nhà đầu tư mua trái phiếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp, phân biệt rõ kênh phát hành riêng lẻ với kênh phát hành ra công chúng theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Đối với giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, Nghị định quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư trong vòng một năm kể từ ngày phát hành. Sau một năm, trái phiếu được tự do giao dịch không bị hạn chế về số lượng nhà đầu tư. Để quản lý số lượng nhà đầu tư, Nghị định quy định TPDN riêng lẻ sau khi phát hành phải lưu ký trái phiếu tại tổ chức lưu ký trái phiếu được phép. Quy định này cũng góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch và thúc đẩy giao dịch trái phiếu doanh nghiêp.  

Hoàn thiện quy định phát hành

Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã hoàn thiện quy định liên quan đến hồ sơ phát hành trái phiếu theo hướng rõ ràng, thuận tiện cho các doanh nghiệp trong triển khai thực hiện. Theo đó, quy định báo cáo tài chính trong hồ sơ phát hành trái phiếu là báo cáo tài chính được kiểm toán chấp thuận toàn phần hoặc có ý kiến ngoại trừ; Trường hợp có ý kiến ngoại trừ, doanh nghiệp phát hành phải giải thích về yếu tố ngoại trừ và ảnh hưởng của yếu tố này đến khả năng trả nợ gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp. Nghị định cũng quy định cụ thể về việc sử dụng báo cáo tài chính trong hồ sơ phát hành đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán của năm liền kề trước năm phát hành; Việc sử dụng báo cáo tài chính trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty mẹ.

Về thẩm quyền chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đối với DN nhà nước, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP quy định phương án phát hành trái phiếu của DN nhà nước phải được chủ sở hữu xem xét, chấp thuận trước khi tổ chức phát hành. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chưa đồng bộ với các văn pháp luật mới được ban hành như Luật Quản lý sử dụng vốn, Nghị định 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay, trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh của Chính phủ.

Để thống nhất với quy định tại Luật quản lý sử dụng vốn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định theo hướng: Đối với phát hành TPDN trong nước của DN nhà nước, doanh nghiệp được chủ động huy động vốn (vay vốn ngân hàng hoặc phát hành TPDN) với giá trị thấp hơn 50% vốn chủ sở hữu và hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu dưới 3 lần; Trường hợp vượt giới hạn này thì phải được chấp thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Đối với TPDN phát hành quốc tế, phương án phát hành trái phiếu phải được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận theo quy định của Nghị định số 219/2013/NĐ-CP về quản lý vay trả nợ nước ngoài.

Có thể nói, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP được ban hành thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP sẽ tạo động lực để thị trường TPDN phát triển; Tạo điều kiện thuận lợi cho cả DN phát hành TPDN và các đối tượng có nhu cầu mua TPDN; Nâng cao tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu. Qua đó, giải quyết được khó khăn, vướng mắc của DN trong việc phát hành TPDN riêng lẻ, góp phần hỗ trợ DN huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng.