Mở rộng cơ sở thuế để chống thất thu kinh nghiệm quốc tế
Để đảm bảo nguồn thu ngân sách, ngoài việc nhận diện các nguy cơ thất thu thuế, các quốc gia còn tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, quy trình quản lý thuế trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhận diện các hình thức
ThS. Phạm Thị Thu Hồng, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) chia sẻ, ở các nước OECD, hàng năm số thuế bị mất đi do các hành vi làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (BEPS) vào khoảng 100 - 240 tỷ USD, tương đương 4 -10% số thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm. Tuy nhiên, các quốc gia đang phát triển mới chịu tác động nhiều nhất từ việc thất thu thuế do phụ thuộc phần lớn vào nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và hệ thống pháp lý, chính sách thuế chưa đủ tầm bao quát để quản lý.
Cụ thể tại Indonesia, thất thu ngân sách thể hiện qua mức độ tuân thủ thuế thấp, tỷ trọng đóng góp của thuế thu nhập cá nhân thấp, việc khó khăn khi xác định số thuế của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là tình trạng các doanh nghiệp báo lỗ ở tất cả các năm và có nhiều dàn xếp dẫn tới hiện tượng tránh, trốn thuế. Trong khi đó, tại Trung Quốc nhiều doanh nghiệp thành lập và sử dụng công ty thương mại trung gian để triển khai gián tiếp các hoạt động trong giao dịch thương mại.
Dưới chính sách ưu đãi một phần của thuế giá trị gia tăng đánh trên hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc có thể trốn thuế bằng việc khai báo sai giá bán tới các công ty thương mại trung gian trong nước, đặc biệt là khi tiêu thụ những sản phẩm tự sản xuất. Qua đó, hành vi trốn thuế thông qua thương mại trung gian có thể liên quan đến các hoạt động giao dịch biên mậu, thông qua việc khai báo sai trị giá hàng hóa xuất khẩu cho đối tác nước ngoài.
Hoàn thiện hệ thống chính sách thuế
Để ngăn chặn các hành vi trốn thuế, các nước OECD đã triển khai mở rộng cơ sở thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm chống chuyển giá, chống chuyển lợi nhuận đối với các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Theo đó, Áo mở rộng cơ sở tính thuế đối với các giao dịch bất động sản (tăng mức thuế suất). Tại Nhật Bản, ngoài việc tiến hành giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25,5% năm 2015 xuống còn 23,9% năm 2016; 23,4% năm 2017 và 23,2% vào năm 2018, Chính phủ nước này đã mở rộng cơ sở thuế, bao gồm đơn giản hóa hệ thống thuế đối với khấu hao và giảm ngưỡng tối đa của các khoản lỗ được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
Hungary lại thực hiện một loạt các biện pháp chống tránh thuế, bao gồm hoàn thiện hành lang pháp lý quy định rõ hơn về định nghĩa các doanh nghiệp tổng hợp, hạn chế việc sử dụng các khoản lỗ trả chậm trong trường hợp tái cơ cấu doanh nghiệp, mở rộng cơ sở thuế đối với lợi nhuận tối thiểu, cũng như hướng dẫn về chuyển giá một cách chặt chẽ hơn.
Việc xử lý BEPS cũng là ưu tiên ở các quốc gia OECD. Đơn cử tại Australia, từ tháng 1/2016 Luật Chống tránh thuế đa quốc gia đã có hiệu lực, nhằm kiểm soát việc các tập đoàn đa quốc gia phát sinh lợi nhuận mà không chịu thuế ở quốc gia này. Theo đó, nếu các tập đoàn đa quốc gia có các hoạt động dựa trên dàn xếp với mục đích tránh thuế, thì thu nhập tương ứng sẽ phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Australia. Trong khi đó, Singapore xây dựng điều khoản chống tránh thuế trong Luật Thuế thu nhập, còn Kenya đánh giá lại tất cả các ưu đãi, hoặc xóa bỏ cơ chế miễn thuế có thời hạn.
Liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thông thường các nước áp dụng thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu dựa trên đích đến cuối cùng của hàng hóa, nhưng Trung Quốc lại cho giảm thuế giá trị gia tăng một phần, nhằm hạn chế hành vi trốn thuế thông qua các hoạt động thương mại trung gian với hình thức khai báo sai trị giá hàng hóa xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài. Điều này có nghĩa, đối với hàng xuất khẩu trong trường hợp một phần lô hàng được miễn thuế giá trị gia tăng, thì số hàng còn lại sẽ bị tính thuế xuất khẩu và được tính theo giá xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất, mà không tính đến giá thu mua trong nước đối với nhà xuất khẩu gián tiếp (công ty thương mại).
Gần đây, một số nước đã chú trọng hơn khi đưa ra các quy định chặt chẽ về quản lý thuế và tăng cường hợp tác quốc tế trong việc trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế. Cụ thể tại Hàn Quốc, thông qua tăng cường trao đổi thông tin trong khuôn khổ các hiệp ước thuế, nước này đã đưa ra báo cáo tài khoản tài chính đối ngoại nhằm ngăn chặn các hành vi trốn thuế và quản lý chặt chẽ nguồn thu nhập được chuyển ra nước ngoài. Ngoài ra, Hàn Quốc còn bắt buộc các doanh nghiệp hoặc cá nhân trong nước báo cáo các tài khoản nước ngoài có trị giá cao hơn 1 tỷ Won cho Cơ quan dịch vụ thuế quốc gia (NTS); nếu không khai báo sẽ bị phạt 10% tổng số tiền không khai báo.
Đối với hoạt động điều tra, đấu tranh phòng chống các hoạt động tránh thuế của các doanh nghiệp có tài khoản ở nước ngoài, Hàn Quốc tập trung vào các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp bị nghi ngờ và có dấu hiệu giao dịch phi pháp với đối tác nước ngoài hoặc các nhà tài phiệt có dấu hiệu được thừa kế, quà tặng với mục đích tránh thuế. Để hỗ trợ cho hoạt động này, Chính phủ Hàn Quốc đã sửa đổi Luật Cơ quan tình báo tài chính để phát hiện, đưa ra biện pháp xử lý, hoặc thông báo cho cơ quan điều tra các hoạt động tài chính bất hợp pháp như rửa tiền. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thực hiện cải cách hướng tới ngăn chặn những đánh giá, thẩm định không chính xác về thuế, cũng như hạn chế những tranh chấp không đáng có.