Hưng Yên:

Mở rộng diện tích sản xuất nhãn lồng theo quy trình VietGap

PV.

Đó là khẳng định mới đây của đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên sau thành công mô hình chuyên canh nhãn tại tỉnh này. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã tích cực tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nên hiện nay nông dân đã ứng dụng và mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình Vietgap cho ra sản phẩm có chất lượng và mẫu mã tốt hơn, mở ra cơ hội xuất khẩu nhãn tới các thị trường trong khu vực và quốc tế.

Nhãn lồng Hưng Yên được trưng bày giới thiệu tại hội nghị xúc tiến thương mại nhãn năm 2015 của tỉnh
Nhãn lồng Hưng Yên được trưng bày giới thiệu tại hội nghị xúc tiến thương mại nhãn năm 2015 của tỉnh

Năm 2015 đánh dấu sự kiện nhãn quả của Hưng Yên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trước đó, để đáp ứng yêu cầu từ phía đối tác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã chọn quy hoạch 2 vùng sản xuất nhãn và được cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ với diện tích hơn 20ha tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (Khoái Châu).Tháng 8 vừa qua, ở 2 vùng được cấp mã số xuất khẩu đã thu hoạch 1,5 tấn nhãn quả chuyển vào thị trường TP. Hồ Chí Minh và chính thức xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015”, năm nay Ban quản lý dự án tiếp tục xây dựng mô hình thâm canh nhãn với diện tích 6ha tại các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên.Các hộ tham gia mô hình sẽ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ bao gói quả và giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh theo quy trình Vietgap.

Đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho thấy so với nhãn trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, thì một sào nhãn trồng trong mô hình thâm canh chi phí lao động thấp hơn 150 nghìn đồng, năng suất cao hơn 40kg, lãi cao hơn 1,9 triệu đồng. Hiện nay, nhãn chín sớm được khách mua làm quà biếu với giá dao động 45 – 60 nghìn đồng/kg; nhãn chính vụ giá 25 – 30 nghìn đồng/kg; nhãn chín muộn giá phổ biến 30 – 35 nghìn đồng/kg...

Dù sản lượng xuất khẩu hiện nay chưa nhiều, song đây là tiền đề và cơ hội cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu nhãn Hưng Yên ra thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng nhãn trong những năm tiếp theo, đồng thời giúp nông dân có thêm hiểu biết về quy trình sản xuất nhãn bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.