Đồng Nai:
Để sản phẩm nông sản đến “gần hơn” với doanh nghiệp
(Taichinh) - Hiện nay, vẫn còn những rào cản, gây khó khăn cho sự hợp tác giữa “nhà nông” và “nhà doanh nghiệp” trong thu mua nông sản, để đưa các mặt hàng này ra khắp thị trường trong nước và quốc tế. Câu chuyện này phần nào được minh chứng tại tỉnh Đồng Nai.
“Nhận diện” rào cản
Xoài, chôm chôm, thanh long, ổi... đang là những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu tốt của tỉnh Đồng Nai, được các doanh nghiệp quan tâm đặt vấn đề thu mua và tìm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân.
Thực tế cũng cho thấy, đầu ra của những mặt hàng này vẫn rất “bấp bênh” với giá cả biến động thất thường. Người nông dân vẫn luôn phải đối mặt với điệp khúc “Được mùa mất giá”. Việc các doanh nghiệp thực sự vào cuộc nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho người nông dân là dấu hiệu rất đáng mừng.
Một số nông dân trồng ổi tại huyện Thống Nhất chia sẻ, từ sau tết đến giờ, họ không có tiền mua phân bón cho vườn ổi vì giá ổi bán quá thấp. Hiện thương lái thu mua tại vườn chưa đến 2 ngàn đồng/kg.
Nhiều người nông dân thừa nhận họ rất mong được hợp tác với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, nhưng đến giờ sản phẩm vẫn hoàn toàn “thả trôi” cho thương lái.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu tìm về Đồng Nai đặt vấn đề thu mua nông sản trực tiếp với nông dân thời gian qua thì những hợp đồng thực sự được ký giữa doanh nghiệp với nông dân chưa nhiều do sự thiếu hợp tác của người nông dân. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, người nông dân cần tính đến bài toán lâu dài cho đầu ra nông sản; phải có ý thức gắn bó lợi ích với doanh nghiệp vì doanh nghiệp phát triển tốt thì giá nông sản mới tốt lên.
Chẳng hạn, chỉ riêng xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đã có gần 1 ngàn ha trồng xoài, trong đó hơn 30 hécta được chứng nhận VietGAP. Những năm qua, không ít doanh nghiệp đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hợp tác xã, nhưng thực tế chưa hợp đồng nào được ký kết. Lý do chủ yếu là do nông dân không mặn mà với mức giá bao tiêu vì họ chỉ so sánh với thời điểm giá cao mà chưa tính đến đầu ra dài hạn cho sản phẩm. Được biết, đầu vụ thu hoạch năm nay, giá xoài ba mùa mưa có thời điểm lên đến 16 ngàn đồng/kg nên nông dân đổ xô bán cho thương lái. Hiện nay giá xoài rớt xuống chỉ còn 2 ngàn đồng/kg, nông dân muốn bán cho doanh nghiệp thì lại rất khó ký được hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nông dân không thể nhìn vào giá sản phẩm bày trên kệ siêu thị để so sánh với mức giá doanh nghiệp thu mua vì còn rất nhiều chi phí trung gian. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến rau, củ, quả Toàn Cầu (huyện Thống Nhất), so sánh: “Phí vận chuyển bằng máy bay của một ký (kg) chuối xuất khẩu sang Nga gần 3,5 USD, cao gấp cả chục lần giá thu mua từ nông dân. Chính vì vậy, trong bao tiêu sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp phải tính toán để đưa ra mức giá phù hợp nhất, đảm bảo lợi ích cả hai bên”.
Bên cạnh đó, cũng cần phải khẳng định, nguyên nhân còn do từ phía doanh nghiệp vẫn chưa xây dựng một kế hoạch lâu dài trong hợp tác với nông dân. Không ít doanh nghiệp nhận được các đơn hàng từ đối tác nhưng họ không thể “trở tay kịp” vì đối tác đặt hàng với số lượng lớn và đòi giao ngay.
Hợp tác xã cần năng động hơn
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp (DN) làm hàng xuất khẩu trái cây, nông sản đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đang tăng nhanh khi hàng rào thuế quan cho hàng nông sản được gỡ bỏ. Đồng Nai là một trong những vùng sản xuất được các DN quan tâm vì đã hình thành những vùng sản xuất rau, trái cây an toàn với diện tích lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, như: xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), chôm chôm, sầu riêng Long Khánh, các vùng chuyên canh rau tại huyện Xuân Lộc...
Theo các doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu rau, củ, quả, vẫn còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp chưa “gặp gỡ” được nông dân. Ở đây, yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động để phát huy tốt vai trò làm cầu nối của các hợp tác xã có ý nghĩa quyết định.
Theo nhiều doanh nghiệp chuyên kinh doanh, xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp không thể ký hợp đồng thu mua với từng nông dân cụ thể. Các hợp tác xã cần nâng cao năng lực và năng động hơn để thực sự trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc), nhằm đảm bảo lợi ích cho người nông dân nói chung và mức giá tốt nhất cho nông dân nói riêng, hợp tác xã cần nâng cao khả năng đàm phán, kí kết với doanh nghiệp.
Được biết, ngay trong vụ thu hoạch này, hợp tác xã sẽ chủ động liên hệ chào hàng với doanh nghiệp và mở rộng liên kết với các hợp tác xã khác để khi có đơn hàng lớn có thể đáp ứng về yêu cầu sản lượng.
Ngoài ra, hợp tác xã cũng cần tuyên truyền nhiều hơn về lợi ích hợp tác lâu dài giữa người nông dân và doanh nghiệp trên nguyên tắc cân bằng được lợi ích lâu dài của hai bên, và qua đó giúp người dân xử lí được bài toán “được mùa mất giá” hoặc bị các thương lái ép giá.