Mở rộng điều tra doanh nghiệp xuất nhập khẩu
(Tài chính) Hải quan sẽ mở rộng điều tra hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN) để xử lý gian lận thuế.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, trong năm 2013, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều DN dùng chiêu xuất khống hàng hóa để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), gây thất thu rất lớn cho ngân sách. Năm 2014, ngoài địa bàn Tây Nam Bộ, cơ quan hải quan sẽ mở rộng điều tra hoạt động XNK ở khu vực Tây Nguyên, miền Bắc để xử lý DN gian lận thuế.
Ông Nguyễn Ngọc Túc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thừa nhận, có tình trạng các DN lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với hàng hóa xuất khẩu (XK) để xuất khống hàng, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Đây cũng là một trong những điểm nóng của công tác chống thất thu năm 2013 của ngành hải quan.
Nhà nước bị "móc túi"
Trên thực tế, qua kiểm tra hàng hóa XK ở khu vực biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã nghi vấn một số DN xuất khống hàng hóa số lượng lớn để xin hoàn thuế VAT. Năm 2013, Cục này đã mở các chuyên án điều tra hoạt động gian lận thuế của các DN tại khu vực Tây Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đơn cử, tại tỉnh An Giang, cơ quan hải quan phát hiện Công ty Cổ phần Thực phẩm công nghệ Sài Gòn đã xuất khống thuốc lá trị giá hơn 23 tỷ đồng để xin hoàn thuế VAT. Do tính chất nghiêm trọng, Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố vụ án, điều tra làm rõ các sai phạm của DN này. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, Công ty TNHH Phú An An đã xuất khống số hàng trên 4 tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế…
Theo ông Túc, từ những vụ việc bị phát hiện, cơ quan hải quan đã điều tra mở rộng sang khu vực Tây Nam Bộ, tập trung vào các DN thường xuyên kinh doanh hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất…
Riêng tại tỉnh An Giang, sau khi cơ quan hải quan kiểm tra, xử lý DN gian lận thuế thì số DN tham gia hoạt động XNK hàng hóa "bỗng" giảm tới 40%. Theo nhận định của hải quan, số DN bỗng dưng "biến mất" chủ yếu là DN "ma", được lập ra để xuất khống hàng, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, gây thất thoát cho ngân sách.
"Từ các vụ việc bị phát hiện, Bộ Tài chính đã chỉ đạo hải quan mở rộng điều tra tình trạng xuất khống, chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT của DN ở khu vực Tây Nguyên. Sang năm 2014, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng kiểm tra DN XNK ở miền Bắc. Đồng thời, tăng cường phối hợp với cơ quan công an để điều tra tình trạng hoàn thuế bất hợp pháp, xử lý DN vi phạm", ông Túc nhấn mạnh.
Năm 2013, Tổng cục Hải quan được giao nhiệm vụ thu ngân sách là 237.000 tỷ đồng, tăng 20% so với số thực thu năm 2012. Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nguồn thu thuế quan trọng từ khối DN bị sụt giảm nghiêm trọng, nợ đọng thuế gia tăng, khó thu hồi... Trong 2 năm qua, tình hình thu thuế XNK hết sức căng thẳng khiến ngành hải quan bị hụt thu ngân sách rất lớn.
"Chạy" chỉ tiêu thu ngân sách
Năm 2013, mặc dù ngành hải quan tăng cường rà soát tăng nguồn thu, đồng thời đẩy mạnh công tác đốc thu, xử lý nợ đọng, vi phạm…, nhưng số thu chỉ đạt 93% dự toán, tương ứng 221.930 tỷ đồng.
Theo ông Túc, việc hụt thu ngân sách là do nhiều yếu tố, trong đó Quốc hội cũng đồng ý là vì giao chỉ tiêu thu quá cao. Tổng cục Hải quan đã báo cáo lên Bộ Tài chính, trình Quốc hội xin điều chỉnh giảm chỉ tiêu thu ngân sách, và sau đó được giảm xuống 216.000 tỷ đồng.
Chỉ tiêu thu 216.000 tỷ đồng, ông Túc cho biết cũng không dễ đạt được. Dự đoán khả năng sẽ hụt thu lớn nên ngay từ đầu năm, toàn ngành hải quan đã ra quân, đẩy mạnh thu thuế, xử lý nợ đọng. Số liệu thu ngân sách liên tục được cập nhật từ các Cục Hải quan. Song số thu đến giữa năm 2013 vẫn còn cách khá xa so với chỉ tiêu, trong khi quỹ thời gian còn lại khá eo hẹp.
“Những ngày cuối năm 2012, Tổng cục phải trực tiếp đến từng tập đoàn, DN nhà nước lớn để đôn đốc, làm sao tăng số thu lên. Tuy vậy, số thu cuối năm thấp hơn chỉ tiêu được giao (đạt 197.480 tỷ đồng)", ông Túc chia sẻ.
Năm 2013, nhờ các biện pháp đốc thu, xử lý nợ đọng quyết liệt, số thu đã cải thiện đáng kể. May mắn hơn là chỉ trong 5 ngày cuối cùng của năm 2013, lượng hàng hóa XNK về ồ ạt đã đẩy số thu tăng vọt, chạm ngưỡng 216.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2013, số thu chốt sổ đạt 221.000 tỷ đồng, vượt 5.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu sau điều chỉnh.
Một vấn đề nan giải là ngành hải quan rất chật vật xử lý thu hồi nợ đọng thuế do DN làm ăn thua lỗ, chậm hoặc chây ỳ không chịu nộp thuế, DN bỏ trốn… Theo Cục Thuế XNK, đến hết năm 2012, số nợ thuế chuyên thu quá hạn đã lên tới 5.812 tỷ đồng và tăng vọt lên 6.939 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2013.
Chưa kể số nợ thuế mới vẫn không ngừng phát sinh. Trước tình cảnh này, Tổng cục Hải quan đã phải chỉ đạo thành lập các đoàn đi kiểm tra và đôn đốc thu nợ tại các địa phương trọng điểm, như: TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Thậm chí, phải áp dụng biện pháp "khoán" chỉ tiêu thu nợ thuế cho các Cục Hải quan.
Trong quá trình thu nợ thuế, cơ quan hải quan đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh, cưỡng chế, phong tỏa tài khoản, đình chỉ thông quan… thì DN mới chịu trả nợ. Nhờ đó, đến cuối tháng 11, số nợ thuế quá hạn đã giảm được 15,1%, xuống còn 5.892 tỷ đồng.