Mở rộng phạm vi, quy mô nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Ở Việt Nam, mặc dù đã có số mô hình gần với kinh tế tuần hoàn (KTTH) xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ, nhưng các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, chưa tính đến lợi ích kinh tế tổng thể. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho phát triển KTTH cũng chưa đầy đủ... Những vấn đề này cần sớm được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển KTTH cũng chỉ là mang tính tự phát…
Đã xuất hiện một số mô hình mới tiến gần hơn với nền kinh tế tuần hoàn
KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Ðây là mô hình kinh tế đặc biệt chú trọng đến quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhằm tránh tạo ra phế thải và ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có những mô hình KTTH đầy đủ đúng nghĩa, nhưng thực tế đã có một số mô hình gần với KTTH xét theo từng lĩnh vực ngành, nghề, dịch vụ. Ðiển hình trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề truyền thống đã sử dụng phế liệu, phụ phẩm, chất thải từ sản xuất công nghiệp để sản xuất thép tái chế, sản xuất giấy tái chế, sản xuất đồ nhựa, ni-lông, thủy tinh tái chế…
Tuy nhiên, các hoạt động này chủ yếu mang lại lợi ích tài chính cho cơ sở sản xuất và người tiêu dùng, mà chưa tính tới lợi ích kinh tế tổng thể. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường tại không ít địa phương hiện nay.
Để từng bước chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang KTTH, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững; đẩy mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường tái chế, tái sử dụng để tạo điều kiện phát triển mô hình KTTH.
Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách, lộ trình tiến tới loại bỏ chất thải nhựa sử dụng và túi ni-lông không phân hủy; xây dựng mô hình hướng tới nền KTTH nói không với rác thải nhựa và ni-lông không phân hủy...
Ðáng mừng, thời gian gần đây ở nước ta đã xuất hiện một số mô hình mới tiến tới gần hơn với nền KTTH như mô hình khu công nghiệp sinh thái; mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản; liên minh tái chế bao bì Việt Nam… Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực công nghệ, tái sử dụng. Người dân và cả doanh nghiệp còn thói quen cố hữu trong sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần...
Tựu chung có thể đề cập tới một số yếu tố tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của nền KTTH ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, Việt Nam duy trì được sự phát triển kinh tế liên tục với tốc độ khá cao, duy trì được động lực kinh doanh để đảm bảo tính năng động của nền kinh tế, trong đó các hoạt động đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Chính nhờ những hoạt động sôi nổi này mà trong thời gian qua, các hoạt động tái chế phế liệu, sử dụng lại vật liệu cũ, sử dụng lại những sản phẩm cũ cho những mục đích mới… được mở rộng, tạo ra một lĩnh vực kinh doanh đem lại hiệu quả cao, được nhiều người theo đuổi.
Thứ hai, Việt Nam đang đối mặt với sức ép về sự suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải. Trong 10 năm qua, nhu cầu đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất đã tăng mạnh khiến Việt Nam phải nhập khẩu nhiều dầu thô, sắt thép, kim loại, chất dẻo nguyên liệu, phụ liệu cho ngành công nghiệp, tạo việc làm và gia tăng ngoại tệ cho đất nước. Cũng trong 10 năm qua, lượng chất thải từ nền kinh tế Việt Nam đã tăng bình quân 10%/năm, nhất là chất thải rắn của khu vực đô thị và ô nhiễm do sử dụng hóa chất ngày càng tăng trong nông nghiệp.
Thứ ba, mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, trong đó dư địa phát triển ở nhiều mặt đã gần đạt tới mức độ giới hạn. Nhiều lợi thế truyền thống của Việt Nam đã không còn là lợi thế vượt trội so với khu vực nữa. KTTH là một mô hình chuyển đổi mà Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng có thể lựa chọn.
Thứ tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia và củng cố được vị thế trong nhiều chuỗi giá trị/chuỗi cung ứng toàn cầu. Hơn nữa, trong quá trình củng cố vị thế, các doanh nghiệp Việt Nam luôn tìm cách xâm nhập sâu hơn và triển khai hoạt động ở những giai đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn để nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh trong chuỗi.
Giải pháp mở rộng phạm vi, quy mô và trình độ phát triển của nền kinh tế tuần hoàn
Để góp phần mở rộng phạm vi, nâng cao quy mô và trình độ phát triển của nền KTTH, thời gian tới Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
Một là, nâng cao nhận thức, đúng đắn, đầy đủ về nền KTTH cũng như vai trò của nó đối với sự phát triển ngắn hạn và trong dài hạn của doanh nghiệp, của người dân, của Nhà nước và toàn xã hội.
Hai là, chuyển đổi cơ chế hoạt động của hệ thống sản xuất theo hướng thúc đẩy sự hình thành nền kinh tế tuần hoàn. Các chuỗi giá trị sẽ không chỉ được xem xét từ khi khai thác tài nguyên cho tới khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ tài nguyên, mà cần phải được xem xét cả giai đoạn sau sử dụng. Đồng thời, xem xét cách tiếp cận các hoạt động kinh tế, từ việc nghiên cứu để lựa chọn, sử dụng những tài nguyên có khả năng tái tạo; những sản phẩm và dịch vụ có thời gian sử dụng lâu dài, có khả năng được hoàn thiện, chuyển hóa hoặc tái tạo ngay trong và sau quá trình sử dụng, thiết kế và triển khai hệ thống phân phối... Việc theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động kinh tế cũng cần được thiết kế và tổ chức theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ba là, thiết kế và tổ chức triển khai hệ thống quan hệ và cơ sở hạ tầng của xã hội phù hợp với yêu cầu của nền KTTH. Đây là điều kiện tiên quyết để nền KTTH có thể được hiện thực hóa, bởi có đảm bảo điều kiện phù hợp thì mới có thể đưa hệ thống sản xuất và cung cấp dịch vụ theo mô hình KTTH vào khai thác, đồng thời có thể sử dụng được những sản phẩm và dịch vụ được tạo ra theo mô hình này.
Bốn là, điều chỉnh các chính sách kinh tế, tài chính theo hướng khuyến khích và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của nền KTTH, tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo lợi ích kinh tế vượt trội cho các doanh nghiệp; chuyển đổi dần các quá trình sản xuất một chiều truyền thống sang hoạt động theo cơ chế của nền sản xuất tuần hoàn, nhất là phát triển các ngành tái chế phế liệu và vật liệu cũ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới, đặc trưng cho nền KTTH.
Việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm/dịch vụ của nền KTTH, đặc biệt là chế biến và tái sử dụng các vật liệu thải loại từ sản xuất và tiêu dùng cũng cần được ưu tiên trong tiếp cận các nguồn lực của xã hội, trong tiếp cận và khai thác các nguồn tín dụng và đất đai, trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính và phi tài chính đối với Nhà nước.
Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy sự ứng dụng các tiến bộ công nghệ trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn.
Trong 10 năm qua, nhu cầu đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất đã tăng mạnh khiến Việt Nam phải nhập khẩu nhiều dầu thô, sắt thép, kim loại, chất dẻo nguyên liệu, phụ liệu cho ngành công nghiệp, tạo việc làm và gia tăng ngoại tệ cho đất nước. Cũng trong 10 năm qua, lượng chất thải từ nền kinh tế Việt Nam đã tăng bình quân 10%/năm, nhất là chất thải rắn của khu vực đô thị và ô nhiễm do sử dụng hóa chất ngày càng tăng trong nông nghiệp.