Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế

Thùy Linh

Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực thuế trong thời gian tới.

Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế phải đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế phải đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Để triển khai thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lĩnh vực thuế, tại Công văn số 1061/TCT-TTKT ngày 03/4/2023, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, công điện, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo đó, các Cục Thuế phải đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; chấn chỉnh, xử lý các hành vi tiêu cực liên quan hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới đất liền.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới trên các tuyến biên giới, vùng biển, địa bàn nội địa, cảng hàng không quốc tế, hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là đối với một số mặt hàng trọng điểm như ma túy, thuốc nổ, thuốc lá điếu, xăng, dầu, phân bón... bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng.

Các Cục Thuế được yêu cầu chủ động nắm chắc, đúng tình hình; địa bàn, đối tượng trọng điểm, mặt hàng, các hoạt động nổi lên; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; đề ra các giải pháp phù hợp nhằm đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực thuế trên địa bàn phụ trách, quản lý.

Ngoài ra, các Cục Thuế phải thực hiện tốt các chức năng quản lý của cơ quan thuế; thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chuyên đề, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của trên về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề, cao điểm, giải pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Một nhiệm vụ quan trọng khác đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới và trên các nền tảng số. Đẩy mạnh, tăng cường quản lý hóa đơn, ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa hàng nhập lậu, trốn thuế.

Việc chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp các lực lượng, đơn vị, địa phương cũng phải được chú trọng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng với đó, tập trung đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp, nổi cộm.

Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo của tổ chức, cá nhân; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua đường dây nóng. Đề cao và gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác; tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngặn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.