Mobile Money – Cơ hội cho sự phát triển


Mobile money là một trong những công cụ hữu hiệu để triển khai thành công chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng, nhà mạng và người dùng.

Mobile money còn được gọi là chuyển tiền di động, thanh toán di động và ví di động. Nguồn: internet
Mobile money còn được gọi là chuyển tiền di động, thanh toán di động và ví di động. Nguồn: internet

Mobile money còn được gọi là chuyển tiền di động, thanh toán di động và ví di động, đề cập đến một phương thức thanh toán được thực hiện trên thiết bị di động, chủ yếu thực hiện trong lĩnh vực bán lẻ hoặc tài chính. 

Theo dự báo của các tổ chức nghiên cứu thị trường tiền tệ trên thế giới, quy mô thị trường Mobile money toàn cầu dự kiến đạt 12,0 tỷ USD vào năm 2024, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 28,7% trong giai đoạn này. Số lượng thuê bao di động ngày càng tăng đang thúc đẩy sự tăng trưởng vững chắc của thị trường mobile money. Các nhà mạng đã và đang nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp sáng tạo mới để giúp khác hàng tiếp cận được tấ cả các dịch vụ thông qua thiết bị di động. 

Chính phủ các nước đang thúc đẩy phát triển nền kinh tế không tiền mặt để gây dựng thị trường Mobile money. Hai ứng dụng Mobile money mà khách hàng sử dụng nhiều nhất theo thứ tự là: chuyển tiền và thanh toán. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có thị trường Mobile money lớn nhất trong 05 khu vực là Bắc Mỹ; Châu Á Thái Bình Dương;Châu Âu và Trung Á; Trung Đông và Châu Phi; và  Mỹ La-tinh nhờ dân số đông, sự tăng trưởng vượt bậc số lượng người dùng smart phone và chủ động trong việc ứng dụng các giải pháp triển khai Mobile Money.

Theo dự đoán, sẽ có 05 xu hướng hàng đầu đối với việc phát triển Mobile money trên thế giới trong thời gian tới:

Thứ nhất, thanh toán qua mobile money sẽ là phương thức thanh toán phổ biến thứ hai trên toàn thế giới, sau thẻ ghi nợ bởi tính tiện lợi do không phải triển khai thủ tục mở tài khoản ngân hàng.

Thứ hai, bảo mật là rào cản lớn nhất để Mobile money phát triển. Do vậy, việc phát triển các giải pháp để bảo đảm an toàn trong giao dịch của khách hàng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các công ty triển khai dịch vụ Mobile Money. 

Thứ ba, 70% các giao dịch điện tử được thực hiện thông qua các thiết bị di động và thế hệ khách hàng Gen Y (Sinh từ năm 1982 – 2000) và Gen Z (sinh năm 2000-hiện tại) sẽ là nguồn lực chính để dẫn dắt thị trường Mobile Money phát triển, do vậy tập trung vào đối tượng này sẽ là chìa khóa thành công của Mobile money.

Thứ tư, intenet vạn vật (IoT) sẽ là một công cụ hữu hiệu để triển khai Mobile money bởi tính tiện lợi trong việc cho phép kết nối nhiều hơn giữa các dịch vụ giúp việc chuyển tiền di động trở nên thuận tiện hơn nữa.

Thứ năm, giao thức tương tác tốc độ cao giữa người dùng (USSD) sẽ là công nghệ hữu hiệu để các nhà mạng sử dụng để xác thực thông tin khách hàng, tạo ra tính bảo mật và an toàn trong giao dịch qua mobile money.

Tại Việt Nam, cơ hội cho việc phát triển Mobile money là rất lớn bởi tỉ lệ người dân đều sở hữu điện thoại di động cao (đến hơn 90%) và  hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Việc phát triển Mobile Money sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch; từ đó, góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Đặc biệt, dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

Đó là những mặt tích cực, tuy nhiên để triển khai Mobile money một cách an toàn và hiệu quả còn rất nhiều vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng, nhà mạng và người dùng. Chuyên gia cho rằng, có một số lưu tâm đối với 03 nhóm chủ thể như sau:

Về phía các cơ quan chức năng cần từng bước tạo ra hành lang pháp lý cho Mobile Money hoạt động theo hướng “thử nghiệm” và “hoàn thiện”, bao gồm:

(i) Về lâu dài cần tạo ra “sân chơi bình đẳng” giữa các nhà mạng và các doanh nghiệp đủ khả năng triển khai Mobile Money chứ không chỉ là 02-03 “ông lớn” với nhau như vậy sẽ tạo ra tính cạnh tranh và đưa dịch vụ này phát triển;

(ii) Cơ chế giám sát để dòng tiền từ Mobile Money không chảy vào các kênh phạm pháp như đánh bạc, rửa tiền, buôn lậu…;

(iii) Việc quản lý dòng tiền cần được thực hiện một cách minh bạch  bởi với hơn125 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng (hạn mức tối đa dự kiến), thì dòng tiền chảy qua dịch vụ lên tới hơn ba trăm bảy mươi lăm ngàn tỷ đồng/tháng. Còn trong trường hợp mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hơn ba ngàn bảy trăm tỷ đồng. Theo ý kiến chuyên gia, trong giai đoạn đầu cần để ngân hàng quản lý dòng tiền này, bởi kinh nghiệm của ngân hàng và tránh việc sử dụng tiền không đúng mục đích của các nhà mạng;

(iv) Xây dựng các cơ chế xử lý các tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch giữa các nhóm chủ thể và giữa các chủ thể với nhau…;

(v) Truyền thông một cách đơn giản và dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận và chấp nhận sự dụng dịch vụ này.

Về phía nhà mạng và các doanh nghiệp triển khai Mobile Money (trong tương lai) cần triển khai một số giải pháp sau:

 (i) Tăng cường đầu tư hạ tầng công nghệ để triển khai Mobile money; đặc biệt lưu ý đến các công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin khách hàng;

(ii) Nghiên cứu các giải pháp công nghệ và truyền thông tập trung vào nhóm khách hàng là động lực dẫn dắt Mobile Money phát triển là Gen Y và Gen Z;

(iii) Xác định một chiến lược phù hợp để phát triển Mobile Money, giai đoạn đầu cần ưu tiên yếu tố “chậm” và “chắc” để lường đón những phát sinh và điều chỉnh.

Về phía người dùng cần nhận thức đây là một công cụ tiện ích, nhanh chóng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên cần thực hiện các giao dịch một cách an toàn, bảo mật thông tin cá nhân theo quy định của nhà mạng và tuân thủ các quy định của pháp luật khi sử dụng dịch vụ này nhằm tránh những phát sinh, tranh chấp trong quá trình giao dịch.