Đổi mới cơ chế tài chính đối với giáo dục đại học công lập:

Mới chỉ tự chủ về chi...

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Thực tế cho thấy, đổi mới cơ chế tài chính đem lại cho các trường đại học công lập những thay đổi lớn; góp phần làm thay đổi bộ mặt của giáo dục đại học công lập, trong đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai đã bộc lộ những bất cập, cần phải sửa đổi cho phù hợp hơn.

Các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện mức thu học phí theo "trần" quy định thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên. Nguồn: internet
Các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện mức thu học phí theo "trần" quy định thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên. Nguồn: internet

 Cơ chế tự chủ là đúng hướng

Từ năm 2006 đến nay, cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập từng bước đổi mới, theo hướng nâng cao quyền tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm về tài chính. Các cơ sở giáo dục đại học công lập có quyền tự chủ ngày càng cao, trong việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) giao; được tự chủ trong việc khai thác và sử dụng các nguồn thu, phát huy tiềm năng về cơ sở vật chất, tài sản hiện có, đội ngũ giảng viên, để mở rộng quy mô đào tạo, đa dạng hoá các loại hình đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội.

Các trường có điều kiện tăng nguồn tài chính, tạo lập nguồn tài sản cố định; tham gia các hoạt động dịch vụ để tăng cường tái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường…

PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ – Phó Giám đốc Học viện Tài chính - người trực tiếp phụ trách lĩnh vực tài chính của Học viện cho rằng: Nghị định 43 tạo khung pháp lý để các trường tổ chức các hoạt động tài chính một cách hiệu quả hơn, đáp ứng mục tiêu, sứ mạng tốt hơn.

Ví dụ, mở rộng quyền huy động vốn; mở rộng quyền tổ chức các hoạt động dịch vụ, liên doanh liên kết theo chức năng nhiệm vụ…

 “Nghị định 43 đã đảm bảo sự công khai, minh bạch, thừa nhận các trường là chủ thể, có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực của mình” – PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh.

Còn nhiều tồn tại, bất cập

Một trong những bất cập là được tự chủ tài chính, nhưng không được tự chủ về mức thu học phí. Các cơ sở đào tạo vẫn phải thực hiện mức thu học phí theo “trần” quy định thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên. Điều này dẫn đến, việc thực hiện tự chủ tài chính không thực chất.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Cơ, Nghị định 43 mới chỉ giao một phần quyền tự chủ tài chính cho các trường trong tổ chức chi, mà chưa được tự chủ trong thiết lập học phí tương ứng với chất lượng đào tạo. Mặc dù khung học phí năm 1998 đã được được sửa đổi bằng Nghị định 49/2010/NĐ-CP.

Theo đó, cho phép nâng mức trần học phí và bổ sung hệ số điều chỉnh cho các bậc học, nhưng vẫn là một khung học phí thấp, chưa bù đắp chi phí đào tạo, chưa góp phần nâng cao chất lượng của các trường.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều trường, việc phân bổ NSNN hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố “đầu vào”, nên chưa gắn kết giữa kết quả sử dụng nguồn lực NSNN với kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với đó, mức chi phí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhiều hoạt động thực hành, thực tập bị cắt giảm, do vậy không đáp ứng nhu cầu phát triển đội ngũ và tăng cường cơ sở vật chất...

Tại hội thảo “Đổi mới cơ chế tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện mục tiêu công bằng và hiệu quả”, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, GS.TS Hoàng Văn Châu- Hiệu trưởng trường đại học Ngoại thương đã thẳng thắn cho rằng: “Trường tự chủ, nhưng quyền lợi từ cơ chế về nguồn thu không được hưởng hơn so với các trường đại học công lập khác.

Trường không thể phát triển thêm nguồn thu để tự đảm bảo và do đó không thể thực hiện định mức chi cao hơn. Mặc dù, hàng năm, trường thu trên 100 tỷ đồng nhưng cũng chỉ đáp ứng đủ chi cho đào tạo”… Và do vậy, trường tự chủ không có “động lực” phát triển hơn so với trường không được tự chủ.

PGS,. TS. Nguyễn Trọng Cơ chia sẻ: “Trường thuận lợi là mở ra vấn đề được tự chủ nhưng lại gặp nhiều khó khăn vì thiếu đồng bộ tự chủ tài chính với nhân sự, bộ máy… Khi tuyển nhân sự đều phải qua bộ chủ quản, gặp rất nhiều khó khăn vì giáo viên phải thi theo luật công chức. Bên cạnh đó, định mức thu - chi tồn tại mấy chục năm nay vận dụng hiện giờ thì không thể thực hiện tự chủ với định mức đã đặt ra”.

Một trong bất cập nữa được PGS., TS. Nguyễn Trọng Cơ chỉ ra, là các trường chưa được tự chủ trong sử dụng cơ sở vật chất được giao, đặc biệt là sử dụng đất đai, tài sản để liên doanh liên kết và cho thuê.

Nguồn thu này phải nộp cho ngân sách 100% hoặc Nhà nước thu hồi lại phần diện tích cho thuê dẫn tới không khuyến khích các trường chủ động, tích cực tìm kiếm nguồn thu...