Mối quan hệ giữa công bố thông tin kế toán, trách nhiệm xã hội và danh tiếng doanh nghiệp


Thực tiễn cho thấy, việc công bố thông tin kế toán không đầy đủ và thiếu chính xác đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của nhà đầu tư, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của một số tổ chức tài chính - ngân hàng hàng đầu thế giới, do vậy, các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện nghiêm túc việc công bố thông tin kế toán.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Việc làm này không chỉ đáp ứng quy định pháp lý đối với Nhà nước mà còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và các bên liên quan. Các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng các cơ chế phù hợp, để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công bố thông tin nhằm thực thi trách nhiệm xã hội, hướng đến phát triển bền vững và nâng cao danh tiếng.

Đặt vấn đề

Thông tin là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng và trực tiếp tác động đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống như: Kinh tế - văn hoá, xã hội…Trong đó, thông tin kế toán được xem là có ảnh hưởng sâu rộng và lan toả đến nhiều đối tượng khác nhau (Socea, 2012).

Trước đây, việc công bố thông tin kế toán không đầy đủ và chính xác đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của các nhà đầu tư, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của một số tổ chức tài chính – ngân hàng hàng đầu trên thế giới. Thông tin kế toán cung cấp cho các đối tượng liên quan về dữ liệu tài chính cũng như tổng thể tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN). Do đó, công bố thông tin kế toán trở thành vấn đề thu hút khá nhiều sự quan tâm của các đối tượng có liên quan.

Hiện nay, tại Việt Nam, công bố thông tin kế toán đã trở thành một trong những nghĩa vụ bắt buộc đối với các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán (Bộ Tài chính, 2017). Do đó, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về quy định công bố thông tin kế toán nhằm hướng dẫn các DN công bố thông tin theo đúng quy định cũng như bảo vệ lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Thực trạng và tầm quan trọng của công bố thông tin kế toán đã chỉ ra sự cần thiết của những nghiên cứu nhằm làm rõ các vấn đề, trong đó có việc kiểm định vai trò điều tiết của cơ quan quản lý nhằm giúp DN thực hiện công bố thông tin kế toán một cách hiệu quả hơn.

Theo lý thuyết hợp pháp của Gray và cộng sự (1995), dưới áp lực của cơ quan quản lý, các yếu tố bên trong DN đóng vai trò thúc đẩy hoạt động trách nhiệm xã hội DN (TNXHDN) và được DN quan tâm mạnh mẽ hơn. Công bố thông tin kế toán có mối liên hệ khá gần gũi với hoạt động thuộc về TTXHDN. Công bố thông tin kế toán là một trong những hoạt động nhằm phục vụ cho việc thực hiện và hoàn thành các trách nhiệm của DN đối với cơ quan quản lý và xã hội cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan (Pena và Jorge, 2019). Từ đó, cơ quan quản lý có thể đóng vai trò điều tiết, chi phối đối với mối quan hệ giữa các nhân tố thúc đẩy công bố thông tin kế toán và TNXHDN.

Các khái niệm cơ bản

Công bố thông tin kế toán

Công bố thông tin kế toán là toàn bộ thông tin được cung cấp thông qua hệ thống các báo cáo tài chính của một DN trong một thời kỳ nhất định. Công bố thông tin kế toán bao gồm công bố bắt buộc và công bố tự nguyện. Công bố bắt buộc là những công bố kế toán được yêu cầu bởi luật pháp và những quy định của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ. Những công bố này phải được trình bày theo những quy định của cơ quan quản lý như: Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan quản lý về kế toán cũng như theo các nguyên tắc kế toán chấp nhận chung và các chuẩn mực kế toán khác.

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp

Trong hệ thống cơ sở lý luận có khá nhiều khái niệm về TNXHDN. Theo nghiên cứu về các khái niệm TNXHDN của Dahlsrud (2008), có thể phân TNXHDN thành 5 nhóm gồm: Môi trường tự nhiên, mối quan hệ giữa DN và xã hội, hoạt động kinh tế, các bên liên quan, các hoạt động tự nguyện không bắt buộc bởi luật pháp.

Theo Hội đồng kinh doanh thế giới vì sự phát triển bền vững (WBCSD), TNXHDN là sự cam kết của DN hướng đến phát triển kinh doanh bền vững, hướng về người lao động và gia đình của họ cũng như toàn thể cộng đồng và xã hội để nâng cao giá trị cuộc sống (WBCSD, 1999).

Trong khi đó, Ủy ban Cộng đồng châu Âu cho rằng, TNXHDN là việc các DN tích hợp các vấn đề về xã hội và môi trường vào hoạt động kinh doanh của họ cũng như tương tác với các bên liên quan trên cơ sở tự nguyện (CEC, 2001).

Danh tiếng doanh nghiệp

Danh tiếng DN được định nghĩa là các đặc điểm tổng thể của DN và được coi là một chỉ số có thể dự đoán về hiệu quả hoạt động trong tương lai so với các đối thủ cạnh tranh (Lange và cộng sự, 2011). Theo Surroca và cộng sự (2010), danh tiếng DN phản ánh hai tài sản vô hình thiết yếu để có thể phân biệt DN với các đối thủ của họ. Điều đầu tiên là khả năng không thể bắt chước, điều thứ hai là khả năng thu hút nhiều tài sản và con người.

Một số lý thuyết nền tảng

Lý thuyết các bên liên quan

Lý thuyết các bên liên quan được khởi xướng bởi Freeman 2010). Lý thuyết này cho rằng, DN có nghĩa vụ phải đối xử công bằng giữa các bên liên qua. Trong trường hợp các bên liên quan có xung đột lợi ích, DN phải có nghĩa vụ đạt được sự cân bằng tối ưu giữa chúng. Nhu cầu của các bên liên quan là khác nhau và luôn thay đổi. Do đó, DN sẽ tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan có lợi ích lớn và trực tiếp, khi đó lợi ích của các bên còn lại cũng được giả định thỏa mãn thông qua việc DN theo đuổi chiến lược kinh doanh và báo cáo thông tin phù hợp với các chuẩn mực xã hội.

Lý thuyết hợp pháp

Lý thuyết hợp pháp liên quan đến nhận định và giả định được tổng quát hóa mà theo đó những hành động của DN được xem là đầy đủ, phù hợp và đúng đắn, đáp ứng được những kỳ vọng của xã hội (Gray và cộng sự, 1995). Lý thuyết hợp pháp cũng gắn liền với nhu cầu của DN phải đáp ứng với những kỳ vọng mà các bên liên quan đặt ra, thông qua các hoạt động có trách nhiệm đối với xã hội. Thông qua lý thuyết hợp pháp, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về lĩnh vực kế toán (Adams và Zutshi, 2004; Deegan, 2009; Mobus, 2005; O’donovan, 2002; Patten, 1992; Trevor và Geoffrey, 2000). Các nghiên cứu này giải thích rằng việc DN ngày càng quan tâm đến các hoạt động kế toán môi trường và tăng cường cung cấp thông tin trên các báo cáo kế toán cũng như báo cáo TNXHDN để truyền thông về TNXHDN đến các bên liên quan. Dựa trên những nghiên cứu trước đó và các lý thuyết nền tảng, nhóm tác giả đề xuất mô hình và giả thuyết như Hình 1. Trong đó:

H1: Công bố thông tin kế toán tác động dương đến TNXHDN.

H2: TNXHDN tác động dương đến danh tiếng DN.

H3: Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý có tác động điều tiết dương cho mối quan hệ giữa công bố thông tin kế toán và TNXHDN.

Thảo luận và hàm ý chính sách

Công bố thông tin kế toán hiện đang trở thành vấn đề cấp thiết và thu hút sự quan tâm khá lớn của giới học thuật cũng như giới kinh doanh. Khảo sát các nghiên cứu trước đây tại Việt Nam cho thấy các nghiên cứu liên quan đến vấn đề công bố thông tin kế toán và TNXHDN là rất đa dạng. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào tích hợp một cách có hệ thống về công bố thông tin kế toán và TNXHDN trong một mô hình để giải thích sự cộng hưởng của hai yếu tố này cũng như sự điều tiết của cơ quan quản lý trong việc nâng cao danh tiếng cho các DN niêm yết tại Việt Nam.

Vì thế, việc nghiên cứu và kiểm chứng các lợi ích tiềm năng đến từ sự cộng hưởng giữa công bố thông tin kế toán và TNXHDN dưới sự điều tiết của cơ quan quản lý trong bối cảnh Việt Nam là rất cần thiết. Các nghiên cứu trong tương lai có thể tiến hành kiểm định và xác nhận sự phù hợp của mô hình cũng như giả thuyết để đề xuất trong điều kiện Việt Nam.

Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để đưa ra những hàm ý cần thiết đối với DN niêm yết trong việc thực hiện TNXH thông qua công bố thông tin kế toán, nhằm nâng cao danh tiếng cũng như hàm ý về vai trò chủ đạo của cơ quan quản lý trong vấn đề này, cụ thể:

Đối với doanh nghiệp niêm yết

Để đảm bảo thị trường tài chính hoạt động hiệu quả và minh bạch, DN niêm yết phải nhận thức được vai trò quan trọng của việc công bố thông tin kế toán. Theo đó, thông tin kế toán phải được DN cung cấp một cách kịp thời, chính xác và hữu ích đối với người sử dụng. Việc DN công bố thông tin kế toán giúp cho cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan có thể tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và công bằng, từ đó đưa ra những quyết định đầu tư phù hợp và đạt hiệu quả tối ưu.

Bên cạnh đó, lý thuyết các bên liên quan cũng yêu cầu DN niêm yết phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và lợi ích cho các bên liên quan, qua đó làm gia tăng niềm tin của cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan đối với DN khi không có sự xung đột về lợi ích. Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi các DN niêm yết cần đẩy mạnh hoạt động công bố thông tin nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để thực hiện tốt TNXHDN, qua đó giúp DN niêm yết nâng cao lợi thế cạnh tranh và danh tiếng của DN.

Đối với cơ quan quản lý

 Việc các DN niêm yết có thể thực hiện công bố thông tin kế toán nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào chính sách cũng như sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Để hỗ trợ DN niêm yết nâng cao danh tiếng bằng việc thực thi TNXHDN thông qua đẩy mạnh công bố thông tin kế toán, cơ quan quản lý cần cẩn trọng xem xét và xây dựng những chính sách công bố thông tin một cách kịp thời và mang tính khả thi.

Các cơ quan quản lý cũng nên thiết lập những cơ chế kiểm soát thích hợp nhằm điều phối, kiểm tra và thúc đẩy hơn nữa hoạt động công bố thông tin kế toán của các DN niêm yết. Điều này cũng được ủng hộ thông qua lý thuyết hợp pháp khi lý thuyết này đòi hỏi các hành động của DN liên quan đến TNXHDN thông qua công bố thông tin kế toán là phải đúng đắn, đáp ứng được kỳ vọng của xã hội và tuân thủ pháp luật. Do đó, các cơ quan quản lý có thể phát huy vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ DN niêm yết thực thi TNXH thông qua việc áp dụng các chính sách pháp luật đối với hoạt động này.    

Tài liệu tham khảo:

1.Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp;

2.Leuz, C. (2010), Different approaches to corporate reporting regulation: How jurisdictions differ and why, Accounting and Business Research, 40(3), 229-256;

3.Adams, C., & Zutshi, A. (2004), Corporate social responsibility: Why business should act responsibly and be accountable, Australian Accounting Review, 14(34), 31-39;

4.Ball, R., Kothari, S., & Robin, A. (2000), The effect of international institutional factors on properties of accounting earnings, Journal of Accounting and Economics, 29(1), 1-51;

CEC. (2001), Promoting a European framework for corporate social responsibility: Office for Official Publications of the European Communities.

(*) Từ Thanh Hoài, Nguyễn Phong Nguyên.

(**) Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.