Mối quan hệ giữa sở hữu nước ngoài với rủi ro ngân hàng
Thông qua dữ liệu từ 23 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2012-2022, bài nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho thấy tỷ lệ vốn ngoại làm tăng rủi ro của các ngân hàng thương mại. Điều này hàm ý rằng các nhà hoạch định chính sách cần có những chính sách chặt chẽ hơn đảm bảo sự an toàn của hệ thống ngân hàng trước khi xem xét tăng trần tỷ lệ vốn ngoại tại các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện quy mô ngân hàng có xu hướng làm giảm sự lành mạnh của các ngân hàng thương mại, trong khi các yếu tố khác bao gồm tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ vốn chủ sở hữu có tác động không rõ nét. Đối với các yếu tố vĩ mô thì tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện sự ổn định của hệ thống trong khi lạm phát có tác động tương đối mờ nhạt đối với rủi ro ngân hàng.
Giới thiệu
Trước xu hướng hội nhập kinh tế thế giới và sức ép cạnh tranh rất lớn từ các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã tiến hành hợp tác thông qua việc bán cổ phiếu cho các cổ đông nước ngoài với mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh nhờ việc ứng dụng công nghệ hiện đại và phương pháp quản trị tiên tiến từ các đối tác nước ngoài.
Thực tế, việc bán cổ phần cho các cổ đông chiến lược là các ngân hàng nước ngoài đã diễn ra rất sôi động trong giai đoạn qua. Tại một số ngân hàng, các cổ đông chiến lược nước ngoài đã cử người tham gia quản trị điều hành, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cũng như chuyển giao công nghệ.
Trong thời gian gần đây, chủ đề nâng cao vốn sở hữu nước ngoài được thảo luận tích cực trên các diễn đàn khoa học. Nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các NHTM chỉ là 30% theo quy định tại Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ là quá thấp và chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư ngoại, do vậy cần tăng tỷ lệ này lên 49%. Tăng tỷ lệ sở hữu đối với là đầu tư nước ngoài là xu thế tất yếu trong điều kiện hội nhập, tuy nhiên, đối với ngành Ngân hàng, tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu cần phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất khi cần phải được xem xét đó là tác động của vốn đầu tư nước ngoài đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Trên thế giới, chủ đề về mối quan hệ giữa sở hữu nước ngoài và rủi ro ngân hàng đã được rất nhiều nhà khoa học quan tâm, tuy nhiên kết quả nghiên cứu chưa đồng nhất. Nghiên cứu của Lee (2008), Saunders và cộng sự (1990) đã chỉ ra rằng sở hữu nước ngoài càng lớn thì rủi ro của ngân hàng sẽ càng tăng. Ngược lại, Micco và cộng sự (2007) khẳng định, cổ đông nước ngoài có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển hệ thống, cải thiện tỷ suất sinh lời và quản trị chi phí hoạt động, qua đó giúp giảm rủi ro của các ngân hàng. Nghiên cứu của Laeven (1999) cho rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài càng cao thì hoạt động của các ngân hàng càng lành mạnh.
Dựa trên dữ liệu từ 23 NHTM được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, thông qua các tiếp cận Bayes, nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng về việc các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu càng cao thì mức độ ổn định của ngân hàng càng thấp. Điều này hàm ý rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải có những quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các NHTM, để kiểm soát rủi ro đạo đức trước khi nới lỏng các quy định về sở hữu nước ngoài đối với các NHTM.
Khảo sát nghiên cứu
Có nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm đánh giá tác động của nguồn vốn ngoại đối với rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Yếu tố bất lợi đầu tiên mà các cổ đông nước ngoài phải đối mặt đó là họ thiếu thông tin ở thị trường mới. Nhờ vào quá trình phát triển lâu dài, các ngân hàng trong nước có nhiều lợi thế trong việc thu thập thông tin về mức độ uy tín của người đi vay hơn so với các nhà đầu tư nước ngoài mới gia nhập vào thị trường. Dell'Ariccia và Marquez (2004) nhận định rằng, trong giai đoạn đầu, do thiếu thông tin, các ngân hàng mà nguồn vốn ngoại có vai trò quyết định trong việc hoạch định hoạt động thường phải gánh chịu các khoản nợ xấu cao hơn vì họ sẽ phải đối mặt với nhóm khách hàng có tỷ lệ cao hơn các công ty thua lỗ chuyển từ các ngân hàng cũ. Do vậy, có thể phải mất nhiều năm để các ngân hàng mới gia nhập có thể bắt kịp các ngân hàng cũ về mặt lợi nhuận (DeYoung và Hasan, 1998).
Vấn đề thứ hai mà các ngân hàng có sở hữu nước ngoài cao phải đối mặt là “vấn đề người đại diện”. Vấn đề đại diện rất phổ biến trong ngành Ngân hàng, một phần do sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát khiến các nhà quản lý theo đuổi lợi ích riêng của họ gây thiệt hại cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông ngoại khi họ chưa có nhiều sự hiểu biết đối với thị trường nước sở tại (Jensen và Meckling, 2019; Gorton và Rosen, 1995). Các cổ đông nước ngoài rất khó giám sát hiệu quả hoạt động của các cán bộ cấp dưới nếu họ không có mặt ở nước sở tại, điều này đã tạo ra động cơ cho những người quản lý cấp dưới chấp nhận nhiều rủi ro hơn (Goetz và cộng sự, 2013; Albertazzi và Bottero, 2014).
Vấn đề tiếp theo mà các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao là sức khỏe tài chính sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của các cổ đông chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều nhận định lập luận rằng, sở hữu ngoại có thể giúp làm lành mạnh tài chính của các ngân hàng tại nước sở tại. Các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngoại cao, có các lợi thế như: Có nguồn vốn dồi dào; Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện chất lượng dịch vụ sẵn có hoặc triển khai các sản phẩm mới có nguồn gốc từ ngân hàng nước ngoài; Tiếp nhận công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại từ các ngân hàng nước ngoài... Giannetti và Ongena (2009) cho rằng, với những lợi thế này, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngoại cao sẽ cải thiện được sức khỏe tài chính của mình.
Với dữ liệu các quốc gia khu vực Đông Á, nghiên cứu của Laeven (1999) nhận định rằng các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngoại cao thì ít chịu tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính hơn. Chou và Lin (2011) với mẫu nghiên cứu là các ngân hàng tại Đài Loan; Tacneng (2015) với mẫu nghiên cứu là các ngân hàng ở Philippines cũng đưa ra kết luận rằng tỷ lệ vốn ngoại tỷ lệ thuận với mức độ ổn định tài chính của các ngân hàng. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu lại đưa ra kết luận trái ngược. Angkinand và Wihlborg (2010) cho rằng sở hữu nước ngoài có liên quan đến mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng có vốn nước ngoài có rủi ro cao hơn các ngân hàng trong nước như Yeyati và Micco (2007) ở Mỹ Latinh.
Giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu
Bảng 1: Mô tả biến trong mô hình |
||
Tên biến |
Diễn giải |
Kỳ vọng dấu |
Biến phụ thuộc |
||
Zscore |
Logarit tự nhiên của giá trị Z-score. |
|
Biến độc lập |
||
FOREIGN |
Tỷ lệ vốn ngoại trên tổng vốn chủ sở hữu |
+ |
SIZE |
Quy mô ngân hàng, được đo lường thông qua logarit tổng tài sản |
+ |
CAP |
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản |
+ |
CRE |
Tăng trưởng tín dụng |
- |
GDP |
Tốc độ tăng trưởng GDP |
+ |
INF |
Tỷ lệ lạm phát |
- |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Do kết quả nghiên cứu và thực nghiệm không có sự đồng nhất về tác động của vốn ngoại đối với ổn định của ngân hàng, do vậy, nghiên cứu này sẽ kiểm định 2 giả thuyết đối nghịch.
Giả thuyết 1: Tỷ lệ sở hữu ngoài làm tăng rủi ro ngân hàng.
Giả thuyết 2: Vốn ngoại giúp giảm rủi ro ngân hàng.
Bên cạnh đánh giá tác động của vốn ngoại đối với ổn định ngân hàng, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Saif-Alyousfi, Saha và Md-Rus (2018), Jin-Li Hu và cộng sự (2004), Daniel Foos và cộng sự (2010), Kjosevski và cộng sự (2019), Abuzayed và cộng sự (2018), tác giả còn xem xét sự ảnh hưởng của các yếu tố kiểm soát khác.
Giả thuyết 3: Quy mô ngân hàng giúp tăng cường sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Giả thuyết 4: Tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao sẽ giúp giảm rủi ro ngân hàng.
Giả thuyết 5: Tăng trưởng tín dụng làm tăng rủi ro ngân hàng.
Giả thuyết 6: Tăng trưởng kinh tế giảm rủi ro ngân hàng.
Giả thuyết 7: Lạm phát làm tăng rủi ro tín dụng ngân hàng.
Để đo lường ổn định ngân hàng tác giả sử dụng hệ số Z-score, Chỉ số này được đề xuất bởi Roy (1952), nó giúp đo lường mức độ ổn định của ngân hàng.
Z-scoret=(ROAt+E/At )/σ(ROA)t
Trong đó:
Z-scoret: hệ số Z – score năm t
ROAt: Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản của các ngân hàng năm t
σ(ROA)t: độ lệch chuẩn ROA của ngân hàng trong ba năm tại thời điểm năm t
E/At tỷ lệ vốn cổ phần trên tổng tài sản ngân hàng năm t.
Từ các giả thuyết nghiên cứu, mô hình nghiên cứu của tác giả có dạng như sau:
Model 1: Zsocrei,t=β1FORE+β2 SIZE+β3 CAP+β4 CRE+β5 GDP+β6 INF
Để đánh giá tác động của nguồn vốn ngoại đến rủi ro NHTM Việt Nam, tác giả sử dụng dữ liệu từ 23 NHTM cổ giai đoạn 2012-2022. Do đa phần các nghiên cứu trước được thực hiện chủ yếu theo phương pháp tần suất do vậy, thông tin tiên nghiệm là không có sẵn. Trong trường hợp này, Linh và cộng sự (2021) đã đề xuất xác định các phân bố Gaussian tiêu chuẩn với các thông tin tiên nghiệm khác nhau (mô phỏng thông tin tiên nghiệm) và tiến hành phân tích nhân tố Bayes để lựa chọn mô phỏng có thông tin tiên nghiệm tốt nhất.
Sau khi thực hiện hồi quy cho năm mô phỏng trên, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích nhân tố Bayes (Bayes Factor) và kiểm định Bayes hậu nghiệm (Bayes test model) để lựa chọn mô phỏng phù hợp nhất. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu sẽ phân tích độ nhạy cho mô phỏng được lựa chọn để kiểm tra tính vững của mô hình hồi quy Bayes.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
Bảng 2: Mô phỏng thông tin tiên nghiệm |
|
Hàm hợp lý |
Zscore ~ N (μ,δ) |
Mô phỏng 1 |
β_i~ N (0;1) σ_1^2~ Invgamma (0,01; 0.01) |
Mô phỏng 2 |
β_i~ N (0;10) σ_1^2~ Invgamma (0,01; 0,01) |
Mô phỏng 3 |
β_i~ N (0;100) σ_1^2~ Invgamma (0,01; 0,01) |
Mô phỏng 4 |
β_i~ N (0;1000) σ_1^2~ Invgamma (0,01; 0,01) |
Mô phỏng 5 |
β_i~ N (0;10000) σ_1^2~ Invgamma (0,01; 0,01) |
Nguồn: Nghiên cứu của tác giả
Bảng 3: Thống kê mô tả |
|||||
Variable |
Obs |
Mean |
Std. Dev. |
Min |
Max |
LnZscore |
253 |
2.711 |
0.750 |
-0.407 |
4.109 |
FORE |
253 |
0.105 |
0.117 |
0 |
0.3 |
SIZE |
253 |
8.079 |
0.514 |
7.101 |
9.181 |
CAP |
253 |
0.094 |
0.042 |
0.019 |
0.255 |
CRE |
253 |
0.216 |
0.215 |
-0.237 |
1.299 |
GDP |
253 |
0.055 |
0.047 |
0.006 |
0.186 |
INF |
253 |
0.058 |
0.015 |
0.026 |
0.071 |
Nguồn: Kết quả nghiên cứu
Bảng 3 cho thấy giá trị Logarit của Zscore bình quân trong giai đoạn nghiên cứu là 2.711 (độ lệch chuẩn là 0.750) giá trị lớn nhất (max) của Logarit của Zscore là -0.407 giá trị nhỏ nhất (min) là 4.109; Tỷ lệ vốn ngoại chiếm trung bình 11,2% (0.115) vốn chủ sở hữu trong giai đoạn nghiên cứu, min là 0 và max là 0.3; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu bình quân là 9,4% (0,215), max là 0,019 và min là 0,255. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của các ngân hàng trong giai đoạn nghiên cứu là 21,6% (0,215) max là 129,9% và min là -23,9%. Tỷ lệ lạm phát bình quân trong giai đoạn nghiên cứu là 5.5% (0.047) min là 0.6%, max là 18.6%; tốc độ tăng trưởng bình quân là 5.8% (0.015) max là 7.1%, min 2.6%.
Kết quả cho thấy tất cả các đồ thị của tham số trong mô hình hợp lý, các biểu đồ vết (trace plots) và biểu đồ tự tương quan (autocorrelation plots) cho thấy sự pha trộn tốt của các chuỗi MCMC, hệ số tự tương quan trong các đồ thị chỉ dao động mức dưới 0,02 cho thấy sự phù hợp với mật độ mô phỏng phân phối và phản ánh tất cả các độ trễ nằm trong giới hạn hiệu quả. Như vậy, có thể kết luận mô hình Bayes thỏa yêu cầu về hội tụ.
Ngoài chuẩn đoán hội tụ bằng đồ thị, còn có thể kiểm định thông qua Tỷ lệ chấp nhận trung bình; Hiệu quả nhỏ nhất trung bình; và Gelman-Rubin Rc tối đa. Kết quả cho thấy tỷ lệ chấp nhận của mô hình đạt 1, hiệu quả nhỏ nhất mô hình là 0,99 vượt xa mức cho phép là 0,01; ngoài ra giá trị Rc tối đa của các hệ số là 1, Gelman và Rubin (1992) cho rằng giá trị chẩn đoán Rc của bất kỳ hệ số nào của mô hình lớn hơn 1,2 sẽ bị xem là không hội tụ. Các giá trị cho thấy các chuỗi MCMC của mô hình thỏa yêu cầu về hội tụ.
Kết quả hồi quy đã xác định các biến số FORE, SIZE làm giảm sự ổn định của hệ thống ngân hàng, trong khi CAP, CRE, GDP, INF giúp cải thiện sự ổn định của hệ thống. Bên cạnh xác định được dấu của các hệ số hồi quy, khác với phương pháp tần suất, cách tiếp cận Bayes còn cho phép tính toán được xác suất xảy ra các tác động này. Kết quả phân tích Bayes hậu nghiệm cho thấy, xác suất tỷ lệ vốn ngoại tác động tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng lên đến 90%, như vậy có đủ bằng chứng để kết luận tỷ lệ vốn ngoại có xu hướng làm gia tăng rủi ro của ngân hàng. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Yeyati và Micco (2007), Angkinand và Wihlborg (2010).
Một kết quả ngạc nhiên khác khi quy mô ngân hàng làm gia tăng rủi ro ngân hàng với xác suất lên đến 100%. Điều này có thể giải thích rằng, Việt Nam đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng nhanh về quy mô ngân hàng, tuy nhiên, năng lực quản trị còn hạn chế, điều này đã làm tăng rủi ro của các NHTM. Xác suất tác động của hai yếu tố còn lại là khá mờ nhạt khi xác suất tác động của các biến CAP chỉ đạt 71,1% và CRE là 65,6%, do vậy không đủ bằng chứng để kết luận tác động của hai yếu tố trên đến rủi ro ngân hàng.
Kết luận và hàm ý chính sách
Thông qua phương pháp hồi quy Bayes, dựa trên dữ liệu từ 23 NHTM giai đoạn 2012-2022, nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng về việc việc gia tăng tỷ lệ vốn ngoại có thể làm gia tăng rủi ro cho hoạt động ngân hàng. Điều này được giải thích là, hệ thống NHTM được xem là trụ cột của hệ thống tài chính Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, do vậy, những nhà hoạch định chính sách thường sẽ đóng vai trò người cho vay cuối cùng khi ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản.
Thực tế, tại Việt Nam, đã có nhiều ngân hàng Việt Nam bị phá sản về mặt kỹ thuật, nhưng được các ngân hàng khác, do ngân hàng trung ương chỉ định, mua lại với “giá 0 đồng”, để giải cứu các ngân hàng này. Điều này đã tránh sự đổ vỡ cho hệ thống NHTM, nhưng đồng thời cũng làm tăng rủi ro đạo đức vì các ngân hàng cho rằng cuối cùng họ sẽ được Chính phủ giải cứu. Kết quả này hàm ý rằng, cần phải có những chính sách chặt chẽ hơn để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng trước khi xem xét nới lỏng các chính sách về giới hạn trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong hệ thống ngân hàng.
Nghiên cứu cũng phát hiện các ngân hàng có quy mô lớn lại có rủi ro cao hơn. Điều này được giải thích là Việt Nam đã trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng về quy mô, việc cạnh tranh huy động vốn đã đẩy lãi suất tăng lên cao, điều này dẫn tới lãi suất tín dụng cũng tăng buộc các ngân hàng phải giảm chất lượng khoản vay để tìm kiếm khách hàng, kết quả là làm tăng rủi ro của các ngân hàng.
Ngoài ra, các ngân hàng lớn cũng có xu hướng mở rộng đầu tư các hoạt động phi truyền thống, thay vì tập trung vào hoạt động cho vay, điều này cũng góp phần làm tăng rủi ro của ngân hàng. Về yếu tố vĩ mô, tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện sự ổn định của các ngân hàng, điều này phù hợp với giả thuyết đặt ra. Trong khi các yếu tố khác bao gồm tỷ lệ vốn chủ sở hữu, tăng trưởng tín dụng và lạm phát có tác động tương đối mờ nhạt đến rủi ro của ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Albertazzi, U., Bottero, M. (2014), Foreign bank lending: evidence from the global financial crisis. Journal of International Economics, 92, S22-S35;
- Allen, F., Jackowicz, K., Kowalewski, O., Kozłowski, Ł. (2017),Bank lending, crises, and changing ownership structure in Central and Eastern European countries. Journal of corporate finance, 42, 494-515;
- Angkinand, A., và Wihlborg, C. (2010), Deposit insurance coverage, ownership, and banks' risk-taking in emerging markets. Journal of International Money and Finance, 29(2), 252-274;
- Chou, S., và Lin, F. (2011), Bank's risk-taking and ownership structure–evidence for economics in transition stage. Applied Economics, 43(12), 1551-1564;
- Gelman, A., Pardoe, I. (2006), Bayesian measures of explained variance and pooling in multilevel (hierarchical) models. Technometrics, 48(2), 241-251;
- Lee, S. W. (2008), Ownership structure, regulation, and bank risk-taking: evidence from Korean banking industry. Investment management and financial innovations, (5, Iss. 4), 70-74;
- Linh, N. T. X., Thach, N. N., Tan, N. N. (2022), Monetary Policy, Macroprudential Policy, Institutional Quality and Bank Risk: Evidence from Eagle Group. Prediction and Causality in Econometrics and Related Topics, 311-327;
- Saunders, A., Strock, E., Travlos, N. G. (1990), Ownership structure, deregulation, and bank risk taking. the Journal of Finance, 45(2), 643-654.