Mối quan hệ giữa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển bền vững

Phạm Đức Huy Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing

Trong xu thế toàn cầu hoá, nhiều nước đang phát triển khai thác tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới, cải thiện dòng chảy thương mại, toàn cầu hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này đi kèm với chi phí và lợi ích của nó đối với xã hội, nền kinh tế gắn với vấn đề về môi trường. Để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiệu quả, cần có chính sách thuận lợi hướng đến sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch, hiệu quả, ít tác động đến môi trường. Đa dạng hóa nguồn vốn FDI theo từng lĩnh vực để đạt được sự cân bằng giữa các lĩnh vực khác nhau và cắt giảm nhu cầu tiêu thụ tài nguyên không cân xứng mà cuối cùng gây ra ô nhiễm môi trường.

Đặt vấn đề

Xu hướng toàn cầu hoá diễn ra ngày càng sâu rộng, không chỉ trên diện rộng giữa các quốc gia mà còn là xu hướng của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp (DN). Hội nhập quốc tế của các quốc gia mang lại lợi ích, gia tăng hàm lượng vốn FDI vào nước sở tại. Trong lịch sử, FDI được coi là sự dịch chuyển vốn giữa các nước phát triển để tăng thị phần.

Ngày nay, FDI tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi để sản xuất sản phẩm với chi phí thấp hơn và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, điều này đi kèm với chi phí và lợi ích của nó đối với xã hội, nền kinh tế gắn với vấn đề về môi trường. Vì vậy, tâm điểm hiện nay là mối quan hệ giữa FDI, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Nhiều nước đang phát triển khai thác tiềm năng của các nhà đầu tư từ các nước khác nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy R&D và đổi mới, cải thiện dòng chảy thương mại và toàn cầu hóa nền kinh tế của họ. Nếu xem xét tất cả các khía cạnh của việc phát triển nền kinh tế theo các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hợp quốc xác định năm 2015, FDI giúp nhiều nước đang phát triển đạt được các chỉ số phát triển bền vững như tăng trưởng kinh tế xanh. Do đó, nghiên cứu mối quan hệ giữa thu hút vốn FDI và phát triển bền vững là vấn đề có ý nghĩa cả về mặt khoa học và thực tiễn.

Tổng quan các lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm

Theo lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển (Solow, 1956) xác định, FDI là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở nước sở tại thông qua việc tích lũy vốn và tiếp nhận các dữ liệu đầu vào và công nghệ nước ngoài mới. Nếu FDI tạo ra tiến bộ công nghệ đáng kể, nó có thể thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả tổng thể của đầu tư ở các nước chủ nhà để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ngay cả trong dài hạn (Herzer & Klasen, 2008).

Xu và cộng sự (2021) cho rằng, FDI có thể thúc đẩy sự gia tăng liên tục về tốc độ tăng trưởng của các nước chủ nhà thông qua các hiệu ứng chuyển giao, truyền bá và lan tỏa công nghệ (Lee và cộng sự, 2022). Về vấn đề này, FDI có thể tạo ra sự mở rộng kiến thức, sự tiếp thu các kỹ năng mới và sự giới thiệu các phương pháp quản lý hiện đại và cơ chế tổ chức. Đồng thời, cải thiện hiệu quả sản xuất của khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm (Heimberger, 2021).

Tuy nhiên, mặc dù việc đầu tư vốn và công nghệ của các nhà đầu tư nước ngoài có thể kích thích công nghiệp hóa và tăng trưởng ở các nước chủ nhà, nhưng nó cũng có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập (Ravallion, 2019).

Mối quan hệ lý thuyết giữa FDI và phát triển bền vững được nghiên cứu trong các lý thuyết đường cong Kuznets môi trường (EKC), giả thuyết vầng quang ô nhiễm (pollution halo hypothesis) và giả thuyết về nơi ẩn giấu ô nhiễm. Theo giả thuyết về nơi ẩn giấu ô nhiễm (pollution haven hypothesis) cho rằng, FDI thường gắn liền với lượng khí thải carbon cao hơn, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp (Liu và cộng sự, 2018). Bên cạnh mục đích khai thác tài nguyên, dòng vốn FDI này còn nhằm thay đổi nơi xả thải và nhất là còn nhằm tìm nơi để chôn cất chất thải không xử lý được mà ở các quốc gia phát triển, DN không được phép thực hiện hay không thể thực hiện do những quy định rất nghiêm ngặt về môi trường, chi phí xử lý và thuế suất xả thải rất cao.

Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp có xu hướng đặt ra tiêu chuẩn ô nhiễm thấp để có thể thu hút nguồn tài nguyên cũng như FDI gây ô nhiễm. Những người ủng hộ quan điểm này khuyến nghị, ngoài các sáng kiến do người tiêu dùng hoặc khu vực tài chính thúc đẩy để cải thiện hành vi của công ty, việc sử dụng các yêu cầu bắt buộc về hành vi môi trường để là một yếu tố cần được quan tâm của các DN (Blackman & Wu, 1999; Zarsky, 1999).

Giả thuyết đường cong Kuznets môi trường (environmental Kuznets curve) nhấn mạnh rằng, mô hình ô nhiễm môi trường ở các nền kinh tế đang phát triển có dạng hình chữ U ngược, do nó giống với mô hình bất bình đẳng thu nhập và phát triển kinh tế được đưa ra bởi Kuznets (1955). Giả thuyết đường cong Kuznets môi trường cho rằng nếu nhu cầu về chất lượng môi trường tăng lên khi thu nhập tăng thì cuối cùng thiệt hại về môi trường sẽ bắt đầu giảm, do đó, khi FDI làm tăng thu nhập, nó sẽ góp phần làm tăng nhu cầu về môi trường ở các nền kinh tế sở tại (Adebayo và cộng sự, 2021). Mặc dù, giả thuyết này phản bác lập luận cho rằng, tăng trưởng kinh tế là “kẻ thù” của môi trường, tuy nhiên, ô nhiễm do phát thải CO2 mang tính tích lũy và sự biến mất của đa dạng sinh học là không thể khắc phục được (Fodha & Zaghdoud, 2010). Do đó, kết quả nghiên cứu thực nghiệm về EKC có thể chỉ có giá trị ở cấp địa phương và khu vực nhưng có thể không có ý nghĩa ở cấp độ toàn cầu. Kết luận này có sự tương đồng với giả thuyết về nơi ẩn giấu ô nhiễm, khi cho rằng tác động ròng của việc tăng thu nhập ở một nước phát triển có thể là giảm suy thoái môi trường, nhưng thiệt hại về môi trường vẫn có thể được tìm thấy thấy ở các khu vực đang phát triển, có nghĩa là các quốc gia này sau khi đạt đến điểm ngưỡng khi các ngành công nghiệp gây ô nhiễm quyết định chuyển sang các quốc gia có quy định tương đối ít nghiêm ngặt hơn đối với vấn đề về môi trường. Vì lý do này, không có gì đảm bảo rằng mức độ ô nhiễm môi trường lâu dài sẽ được cải thiện khi thu nhập bình quân đầu người cao hơn trên quy mô toàn cầu (Esteve & Tamarit, 2012).

Nhiều nước đang phát triển khai thác tiềm năng của các nhà đầu tư từ các nước khác nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy R&D và đổi mới, cải thiện dòng chảy thương mại và toàn cầu hóa nền kinh tế của họ. Nếu xem xét tất cả các khía cạnh của việc phát triển nền kinh tế theo các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên hợp quốc xác định năm 2015, FDI giúp nhiều nước đang phát triển đạt được các chỉ số phát triển bền vững như tăng trưởng kinh tế xanh.

Gần đây, một số học giả ủng hộ nghiên cứu của Blackman và Wu (1999) cho rằng, FDI thông qua hiệu ứng lan tỏa công nghệ và hiệu ứng thay thế có thể cải thiện chất lượng môi trường của nước sở tại (Zarsky, 1999). Quan điểm này, còn được gọi là giả thuyết về “vầng hào quang ô nhiễm” (pollution halo hypothesis), tập trung vào các tác động tích cực của FDI đến việc quản lý tốt hơn, tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn về môi trường và sử dụng công nghệ tốt hơn. Những tiêu chuẩn cao hơn đó có thể bao gồm cả những tiêu chuẩn được đặt ra ở các nước xuất khẩu FDI hoặc các nền kinh tế sở tại, điều này có thể dẫn đến tác động lan tỏa tích cực đến nước sở tại. Do đó, FDI có thể là một kênh quan trọng để chuyển giao công nghệ với lượng phát thải carbon thấp từ đó giúp bảo vệ môi trường và tăng trưởng kinh tế bền vững (Pigato & cộng sự, 2020).

Nghiên cứu của Singhania và Saini (2021) nhằm khám phá mối tương quan giữa FDI, các yếu tố thể chế, phát triển tài chính và phát triển bền vững bằng cách xem xét lại giả thuyết về nơi ẩn dấu ô nhiễm (pollution haven hypothesis) hoặc vầng hào quang ô nhiễm (pollution halo hypothesis). Kết quả chỉ ra rằng, FDI có tác động tích cực đáng kể đến suy thoái môi trường và xác nhận giả thuyết thiên đường ô nhiễm, đặc biệt là ở các nước đang phát triển (Borga và cộng sự, 2022).

Nghiên cứu của Ayamba và cộng sự (2020) cho rằng, FDI là nguồn tài trợ lớn tổng vốn cố định hình thành ở hầu hết các nước đang phát triển. Những khoản đầu tư nước ngoài này giúp kích thích tăng trưởng, bằng cách bổ sung lượng vốn thiếu hụt, đặc biệt là ở Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ hình chữ U ngược giữa Sulfur Dioxide với cú sốc tích cực đối với FDI trong dài hạn. Mặt khác, kết quả phát hiện ra rằng có phản ứng hình chữ N của cả khói bụi và chất thải rắn công nghiệp trước những cú sốc tích cực đối với FDI trong dài hạn. Điều đó có nghĩa là, việc phát thải các chất ô nhiễm này có tác động tiêu cực đến môi trường trong thời gian ngắn nhưng lại có tác động tích cực về lâu dài. Kết quả này xác nhận giả thuyết đường cong Kuznets môi trường và do đó có sự hiện diện của giả thuyết hào quang ô nhiễm. Điều này được nhóm tác giả chỉ ra rằng các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc đang sử dụng công nghệ xanh, cực kỳ hiện đại trong quá trình sản xuất (Liang và cộng sự, 2018).

Một trong những hướng nghiên cứu khác, Aust và cộng sự (2020) tập trung vào ảnh hưởng của FDI đến mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)- đó là 17 mục tiêu được Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015 nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030. Tác giả phân tích dữ liệu của 44 quốc gia châu Phi cho thấy, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài ảnh hưởng tích cực đến điểm SDG. Mặc dù, FDI có tác động tích cực trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng cơ bản, nước sạch, vệ sinh và năng lượng tái tạo, một số hậu quả bất lợi về môi trường có thể xảy ra đối với các nước sở tại, do đó để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững có thể khuyến khích đầu tư hơn nữa vào châu Phi, đi kèm với đó là sự kiểm soát chặt chẽ về các vấn đề môi trường. Đồng quan điểm, Izadi và Madirimov (2023) cho rằng, FDI có tác động tích cực và đáng kể đến chỉ số SDG. Hơn nữa, kết quả của nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vai trò của FDI có tính quyết định và cơ bản hơn ở tầng lớp thu nhập thấp hơn của các quốc gia (Sarkodie & Strezov, 2019).

Padhan & Bhat (2023) nghiên cứu sự hiện diện của giả thuyết nơi ẩn náu ô nhiễm hoặc vầng hào quang ô nhiễm ở Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) và các nền kinh tế Next-11 trong giai đoạn từ 1992 đến 2018. Kết quả nghiên cứu cho thấy, FDI làm suy giảm chất lượng môi trường. Như vậy, chứng tỏ FDI là nguồn trú ẩn ô nhiễm ở các nước BRICS và Next-11. Tuy nhiên, đổi mới xanh điều chỉnh tiêu cực mối quan hệ giữa FDI và phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa là tác động chung của đổi mới xanh và FDI chứng tỏ sự tồn tại của giả thuyết vầng quang ô nhiễm. Hơn nữa, việc tiêu thụ năng lượng tái tạo đang làm giảm dấu chân sinh thái, nhưng tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa đang khiến chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Do đó, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách nên thúc đẩy sự bền vững về môi trường bằng cách cải thiện đổi mới xanh và khuyến khích FDI công nghệ sạch và tiên tiến. Tương tự vậy, Koseoglu và cộng sự (2022) cho thấy rằng, tăng trưởng kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái môi trường và các công nghệ liên quan đến môi trường làm giảm đáng kể về mặt thống kê đến dấu chân sinh thái. Kết quả của nghiên cứu cho thấy, có thể đạt được tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang đổi mới công nghệ xanh của các quốc gia nếu như đầu tư vào đổi mới công nghệ xanh.

Như vậy, để phát triển bền vững các nhà hoạch định chính sách nên phân bổ ngân sách cho các hoạt động R&D trong lĩnh vực đổi mới công nghệ xanh. Đồng thời, có thể miễn thuế và trợ cấp cho các DN đầu tư vào công nghệ liên quan đến môi trường. Cùng quan điểm, Wang và cộng sự (2023) cho rằng, năng lượng tái tạo và đổi mới công nghệ đều giảm thiểu mức độ suy thoái môi trường trong khi phát triển tài chính, sử dụng năng lượng không tái tạo và FDI góp phần làm tăng suy thoái môi trường trong dài hạn. Hay nghiên cứu của C. Wang và Uctum (2024) tại 82 quốc gia, trong giai đoạn 1980-2016 cho thấy giả thuyết đường cong Kuznets sinh thái được xác minh ở các nước thu nhập thấp, có nghĩa là dòng vốn FDI thỏa mãn cả giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm và giả thuyết vầng hào quang ô nhiễm ở chỗ chúng làm xấu đi dấu chân sinh thái sản xuất và tiêu dùng của các nền kinh tế có thu nhập thấp và cải thiện dấu chân tiêu dùng của các nước thu nhập cao, nơi dấu chân sản xuất không bị ảnh hưởng bởi dòng chảy FDI.

Những kết kết này cho thấy sự bất bình đẳng đáng kể giữa các quốc gia, với các nền kinh tế giàu có tiêu thụ vượt quá đáng kể khả năng sinh học bình quân đầu người sẵn có của họ. Do đó, để giảm dấu chân toàn cầu, ngoài các chính sách về không khí sạch hơn, cải thiện chất lượng nước và đất, phải quan tâm đến tác động của dòng vốn FDI, chính sách xuất khẩu và đô thị hóa đối với hệ sinh thái của các khu vực nghèo hơn.

Kết luận

Thu hút FDI đối với phát triển bền vững là rất quan trọng và tích cực. Do đó, các nhà hoạch định chính sách xem xét khung chính sách bao gồm tuyên bố công bố môi trường bắt buộc đối với DN tại thời điểm thành lập, mở rộng và huy động vốn nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh bền vững. Các quốc gia có chính sách thuận lợi cho phát triển xanh thường thu hút được nhiều dự án FDI hướng đến sử dụng công nghệ và quy trình sản xuất sạch, hiệu quả, ít tác động đến môi trường. Khi các quốc gia tạo ra môi trường chính sách ổn định, rõ ràng và hỗ trợ cho phát triển kinh tế xanh, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ cảm thấy an tâm và khuyến khích hơn trong việc đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh. Điều này giúp thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ và quy trình sản xuất sạch hơn, tăng cường quản lý tài nguyên và giảm lượng khí thải ra môi trường.

Thêm vào đó, FDI cần đa dạng hóa để đạt được sự cân bằng giữa các lĩnh vực khác nhau. FDI có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành năng lượng tái tạo bằng việc đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân... FDI có thể mang lại công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất sạch và hiệu quả, giúp tăng cường khả năng sản xuất năng lượng xanh và giảm phát thải khí nhà kính. FDI có thể hỗ trợ việc phát triển các ngành công nghiệp xanh bằng cách đầu tư vào các dự án sản xuất sạch, sử dụng nguyên liệu tái chế, tối ưu hóa tài nguyên và giảm lượng chất thải.

Các DN FDI cũng có thể đưa công nghệ và quy trình sản xuất hiệu quả từ các nước phát triển vào các quốc gia đang phát triển. FDI có thể ảnh hưởng tích cực đến ngành du lịch bền vững bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, khuyến khích du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.

Các dự án FDI trong ngành du lịch cũng có thể tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng địa phương, đồng thời bảo vệ và phát triển nguồn lực thiên nhiên… Đồng thời, để đạt được sự phát triển bền vững, cần tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường bằng cách cắt giảm nhu cầu và tiêu thụ tài nguyên không cân xứng mà cuối cùng gây ra ô nhiễm môi trường.

Tài liệu tham khảo:

  1. Adebayo, T. S., Awosusi, A. A., Kirikkaleli, D., Akinsola, G. D., & Mwamba, M. N. (2021). Can CO2 emissions and energy consumption determine the economic performance of South Korea? A time series analysis. Environmental Science and Pollution Research, 28(29), 38969–38984;
  2. Al-Mulali, U., Weng-Wai, C., Sheau-Ting, L., & Mohammed, A. H. (2015). Investigating the environmental Kuznets curve (EKC) hypothesis by utilizing the ecological footprint as an indicator of environmental degradation. Ecological Indicators, 48, 315–323;
  3. Aust, V., Morais, A. I., & Pinto, I. (2020). How does foreign direct investment contribute to Sustainable Development Goals? Evidence from African countries. Journal of Cleaner Production, 245, 118823;
  4. Ayamba, E. C., Haibo, C., Abdul-Rahaman, A.-R., Serwaa, O. E., & Osei-Agyemang, A. (2020). The impact of foreign direct investment on sustainable development in China. Environmental Science and Pollution Research, 27, 25625–25637;
  5. Blackman, A., & Wu, X. (1999). Foreign direct investment in China’s power sector: trends, benefits and barriers. Energy Policy, 27(12), 695–711;
  6. Borga, M., Pegoue, A., Legoff, G., Legoff, M. G. M., Rodelgo, A. S., Entaltsev, D., & Egesa, K. (2022). Measuring carbon emissions of foreign direct investment in host economies. International Monetary Fund;
  7. Esteve, V., & Tamarit, C. (2012). Threshold cointegration and nonlinear adjustment between CO 2 and income: The Environmental Kuznets Curve in Spain, 1857-2007. Energy Economics, 34(6), 2148–2156. https://doi.org/10.1016/j.eneco.2012.03.001;
  8. Fodha, M., & Zaghdoud, O. (2010). Economic growth and pollutant emissions in Tunisia: an empirical analysis of the environmental Kuznets curve. Energy Policy, 38(2), 1150–1156;
  9. Grossman, G. M., & Krueger, A. B. (1995). Economic growth and the environment. The Quarterly Journal of Economics, 110(2), 353–377;
  10. Herzer, D., & Klasen, S. (2008). In search of FDI-led growth in developing countries: The way forward. Economic Modelling, 25(5), 793–810;
  11. Izadi, J., & Madirimov, B. (2023). Effect of foreign direct investment on sustainable development goals? Evidence from Eurasian countries. Journal of Sustainable Finance & Investment, 1–20;
  12. Koseoglu, A., Yucel, A. G., & Ulucak, R. (2022). Green innovation and ecological footprint relationship for a sustainable development: Evidence from top 20 green innovator countries. Sustainable Development, 30(5), 976–988. https://doi.org/10.1002/sd.2294;
  13. Liang, Z., Zhang, M., Mao, Q., Yu, B., & Ma, B. (2018). Improvement of eco-efficiency in China: A comparison of mandatory and hybrid environmental policy instruments. International Journal of Environmental Research and Public Health, 15(7), 1473;
  14. Liu, Q., Wang, S., Zhang, W., Zhan, D., & Li, J. (2018). Does foreign direct investment affect environmental pollution in China’s cities? A spatial econometric perspective. Science of the Total Environment, 613, 521–529.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2024