Môi trường kinh doanh cải thiện tích cực
Hiệu quả từ công tác cải cách hành chính (CCHC) của ngành Ngân hàng đã lan toả ra cả nền kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp (DN) và cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Từ nỗ lực của người tiên phong
Là đơn vị tiên phong trong công tác cải cách hành chính (CCHC), những nỗ lực của NHNN đã được ghi nhận bằng các kết quả cụ thể. Theo Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội vụ, trong số 19 bộ, ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng hàng đầu suốt 4 năm liên tiếp, từ 2013-2016. Đặc biệt, trong 2 năm 2015 và 2016, NHNN xếp vị trí quán quân về công tác CCHC.
Phó thống đốc Đào Minh Tú, Thủ trưởng Cơ quan hành chính NHTW đã nhiều lần khẳng định, Ban Lãnh đạo NHNN xác định CCHC vừa là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời cũng là giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng; là công cụ, phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, theo kịp trình độ, quy mô các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, công tác CCHC trong năm 2017 đã được các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo, triển khai hoàn thành đúng kế hoạch.
Trước hết, đó là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Trong năm 2017, các văn bản do NHNN ban hành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, mục tiêu quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng và phù hợp với thực tiễn, góp phần hoàn thiện và tháo gỡ các rào cản pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng ổn định, bền vững, tạo điểm tựa vững chắc trong hoạt động của hệ thống DN.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm mục tiêu cắt giảm 10% chi phí tuân thủ theo yêu cầu tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, năm 2017 NHNN đã hoàn thành phương án đơn giản hóa đối với 70 thủ tục hành chính; trong đó bãi bỏ 22 thủ tục, sửa đổi, bổ sung 48 thủ tục thuộc các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.
Sự quyết liệt thực hiện CCHC không chỉ được thực hiện đối với các đơn vị trong hệ thống NHNN mà còn được triển khai tại tất cả các TCTD. Ngành Ngân hàng áp dụng các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, cải cách chỉ số tiếp cận tín dụng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công tác CCHC được toàn ngành Ngân hàng triển khai tích cực trên các lĩnh vực thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính công và hiện đại hóa hành chính.
Kết quả CCHC góp phần tạo chuyển biến tích cực cho hệ thống ngân hàng Việt Nam, hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro… Đồng thời, hiệu quả từ công tác CCHC của ngành Ngân hàng cũng đã lan toả ra cả nền kinh tế, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động của DN và cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các nỗ lực này đã được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế có uy tín. Ngày 31/10/2017, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Đây là lần thứ hai tổ chức này nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) đã xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam tăng 14 bậc, từ 82 lên 68; trong đó chỉ số tiếp cận tín dụng đóng góp tăng 5 điểm.
Tiếp tục nỗ lực không ngừng, ngay những ngày đầu năm 2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ký ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, điểm mới trong công tác chỉ đạo điều hành là quy trình đã được rút gọn song vẫn không đặt nhẹ tính hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, mọi năm NHNN ban hành 3 chỉ thị, tuy nhiên năm nay chỉ có 1. Mặc dù vậy, văn bản này vẫn bao quát, xuyên suốt và có nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị tại trụ sở chính NHNN; NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; và các TCTD.
Đến động lực cho tăng trưởng
Cùng với NHNN, các bộ, ngành trong Chính phủ đã đi qua một năm 2017 khẩn trương, quyết liệt trong công tác CCHC; bãi bỏ, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh. Khi phát biểu tại các cuộc đối thoại với cộng đồng DN trong và ngoài nước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhiều lần khẳng định: “Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hướng tới DN và người dân, có thể khẳng định CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những ưu tiên quan trọng hàng đầu của Chính phủ”.
Ông cho biết, xác định đây là công tác quan trọng hàng đầu, nên ưu tiên được đặt ra ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Chính phủ là phải thành lập một cơ quan có đủ thẩm quyền giữa các bộ để giải quyết những vấn đề phát sinh. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác có nhiệm vụ giúp Chính phủ đôn đốc các công việc được giao, giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc, xung đột trong thực hiện thể chế chính sách, đề xuất các vấn đề liên quan tới cải cách, đổi mới.
Có thể thấy chưa khi nào các kênh tương tác giữa Chính phủ với DN, người dân được mở ra mạnh mẽ như thời gian qua. “Các ý kiến, đề xuất của DN, người dân được Chính phủ và các thành viên Chính phủ lắng nghe triệt để, giải quyết thấu tình đạt lý trên cơ sơ minh bạch và thượng tôn pháp luật”, ông Dũng nhấn mạnh.
Sức ép cải cách từ những người đứng đầu Chính phủ đã lan toả dần xuống các bộ, ngành trong suốt thời gian vừa qua. Với mục tiêu cắt giảm ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, có thể nói những kết quả đạt được tới thời điểm này là rất đáng mừng.
Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, cho thấy nhiều bộ, ngành nắm trong tay hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã tiên phong cắt bỏ. Điển hình như Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh mà bộ này quản lý; Bộ Xây dựng cắt giảm 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục, đạt 51%, thời gian giải quyết thủ tục giảm 25% so với trước đây; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ và rút gọn 118 điều kiện trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh của bộ, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5%)…
Những cải cách từ phía các bộ, ngành đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở thành một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế trong năm tới. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá: Chính phủ đã đề ra hướng đi, cách làm đột phá vào nền kinh tế, phá vỡ những rào cản nền kinh tế nhiều năm qua, từ các vấn đề về thể chế, hành chính, giấy phép con, nhũng nhiễu... “Làm được điều đó chúng ta sẽ thu hẹp chi phí kinh doanh cho DN. Và chi phí thu hẹp được 1 thì động lực truyền tải sang nền kinh tế có thể là 10. Vì nó giống như ma sát, bớt đi thì cỗ xe kinh tế chạy nhanh hơn…”, ông Thành ví von.