Cơ hội phục hồi cho ngân hàng yếu kém
Trong năm 2018, một số ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu sẽ có sự bứt phá và thoát ra khỏi vòng yếu kém nhờ những biện pháp hỗ trợ chưa từng được áp dụng trước đây.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong thời gian kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều công cụ giúp ngân hàng cải thiện thanh khoản, đảm bảo đủ “máu” để hoạt động. Việc bơm thanh khoản là vấn đề cực kỳ quan trọng để ngân hàng có cơ hội phục hồi trước khi NHNN đưa ra phương án xử lý đặc biệt khác.
Quan trọng là có khả năng tài chính
Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có hiệu lực từ 15/1/2018 đưa ra nhiều quy định hỗ trợ cho các ngân hàng yếu kém, hứa hẹn sự thay da đổi thịt ngoạn mục hơn của các ngân hàng này trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, một ngân hàng trở nên yếu kém khi vốn chủ sở hữu suy giảm nghiêm trọng, quản lý tài sản yếu kém, quản trị yếu kém, kinh doanh lỗ, yếu thanh khoản, gặp nhiều rủi ro thị trường.
Việc ngân hàng tiếp tục phải chi trả lãi huy động để có nguồn vốn cân đối với các tài sản không sinh lời, chi phí vốn cho nợ xấu và khoản phải thu khó đòi phát sinh từng ngày, làm cho tình trạng lỗ lũy kế ngày càng nghiêm trọng hơn.
Như vậy, vấn đề quan trọng ở các ngân hàng yếu kém là phải có khả năng tài chính để giải quyết những vấn đề trên. Do đó, việc xử lý các khoản nợ xấu và phát triển kinh doanh mới mang lại nguồn tài chính đủ cho ngân hàng thoát yếu kém.
Tuy nhiên, việc xử lý các khoản nợ xấu không hề dễ dàng. Thậm chí, nhiều khoản lãi quá hạn buộc phải miễn giảm cho DN, có những khoản nợ xấu không thể thu hồi được.
Trong khi đó, khi rơi vào diện ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, vì thế việc kinh doanh cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Kể từ ngày 15/1/2018, Luật Các TCTD sửa đổi chính thức có hiệu lực. Các chuyên gia đánh giá, Luật sửa đổi không chỉ nhằm vào việc xử lý ngân hàng yếu kém, mà còn đưa ra phương án hỗ trợ ngân hàng phục hồi và thoát ra khỏi vòng yếu kém dưới sự hỗ trợ của NHNN và các TCTD mạnh, nhằm đưa ngân hàng đó trở lại hoạt động lành mạnh.
“Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, NHNN có nhiều công cụ giúp ngân hàng cải thiện thanh khoản, đảm bảo cho ngân hàng đó đủ “máu” để hoạt động. Việc bơm thanh khoản là vấn đề cực kỳ quan trọng để ngân hàng có cơ hội phục hồi trước khi NHNN đưa ra phương án xử lý đặc biệt khác”, ông Hiếu cho biết.
Có khả năng phục hồi
Theo quy định của Luật Các TCTD sửa đổi, trong thời gian kiểm soát đặc biệt, NHNN sẽ áp dụng 6 phương án cơ cấu lại. Bao gồm: phục hồi, sáp nhập hay hợp nhất, chuyển nhượng từng phần hoặc toàn phần, giải thể, chuyển giao bắt buộc và phá sản. Phương án cuối cùng là cho ngân hàng phá sản nếu tất cả những phương án trước đó không cứu được ngân hàng.
Trong giai đoạn khởi đầu là phục hồi, ngân hàng yếu kém sẽ được NHNN hỗ trợ cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến mức 0%. Các ngân hàng này cũng được nhận tiền gửi hoặc vay từ TCTD hỗ trợ với lãi suất ưu đãi.
Không chỉ có vậy, ngân hàng yếu kém còn được mua nợ và trái phiếu doanh nghiệp do TCTD hỗ trợ nắm giữ (đang được phân loại nhóm nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN). Nghĩa là sau khi cung cấp nguồn vốn đầu vào, TCTD hỗ trợ cũng “tặng” luôn nguồn đầu ra cho ngân hàng yếu kém.
Thực tế, trong thời gian qua, 3 ngân hàng đã bị mua lại với giá 0 đồng trước khi Luật sửa đổi ban hành (tháng 11/2017) đang cố gắng phục hồi và khắc phục những hậu quả của quá khứ.
Một trong số những ngân hàng tái tổ chức thành công trong thời gian qua phải kể đến Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB). Trước đây quy mô hoạt động nhỏ nhưng thời gian qua, do tái cơ cấu mạnh mẽ, NCB đã tăng được vốn chủ sở hữu, tái cơ cấu HĐQT, Ban điều hành, tăng cường sản phẩm, dịch vụ.
Với nỗ lực đó, NCB đã có kết quả kinh doanh năm 2017 rất tốt, thậm chí còn có phương án tăng cường vốn để tiến vào hàng ngũ những ngân hàng hàng đầu.
Với những quy định mới, những ngân hàng đã tái cơ cấu thành công và hiện tại hoạt động hiệu quả như NCB chắc chắn sẽ càng có thêm cơ hội, sự hỗ trợ để tiến vào hàng ngũ ngân hàng mạnh mang tính biểu tượng của Việt Nam, thâm nhập vào những thị trường lớn trên quốc tế như vẫn kỳ vọng.
Các chuyên gia cho rằng cùng với Luật sửa đổi có hiệu lực ngày 15/1/2018, Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ban hành năm 2017 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” cũng ban hành năm 2017, sẽ đưa 2018 thành năm bản lề trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.