Một số bất cập trong công tác quản lý và cưỡng chế nợ thuế
Tính đến nay trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có trên 150.000 doanh nghiệp (DN), trên 250.000 hộ kinh doanh và hơn 5,2 triệu người thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Nguồn thu lớn đồng nghĩa với áp lực lớn trong quản lý thu thuế nói chung và việc quản lý nợ thuế và cưỡng chế thuế nói riêng, làm sao đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế tỷ lệ nợ đọng thuế ở mức thấp nhất?
Nợ thuế và những bất cập trong cưỡng chế nợ thuế TP. Hồ Chí Minh - nơi có hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao đã tạo ra mức đóng góp GDP lớn cho cả nước. Tỷ trọng GDP của thành phố chiếm 1/3 GDP của cả nước. Kinh tế thành phố có sự chuyển dịch mạnh mẽ, năng suất lao động bình quân toàn nền kinh tế Thành phố luôn ở mức cao; Thành phố là nơi thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh nhất cả nước.
Về thương mại, dịch vụ, thành phố là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; hoạt động du lịch của thành phố phát triển mạnh. Đặc biệt, thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của Nhà nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn song thu ngân sách của thành phố vẫn không ngừng tăng.
Nếu như năm 2005, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 58.850,32 tỷ đồng, tăng 22,21% so với năm 2004, thì đến năm 2015, con số đó đã đạt trên 159.120 tỷ đồng. Nhưng hiện tại, vấn đề đặt ra là, nợ thuế trên địa bàn cũng đang ở mức khá lớn, lũy kế đến tháng 12/2015 tổng số tiền nợ thuế của các đối tượng đã lên tới con số 19.666 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước đó 0,01%.
Nguyên nhân phát sinh nợ thuế là do một số DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn nợ tiền thuế nhưng không thông báo với cơ quan thuế. Một nguyên nhân khác là do thực tế tình hình kinh tế khó khăn, chịu sự tác động của khủng hoảng kéo dài trong nhiều năm gần đây, nên nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh lâm vào tình trạng hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng tồn kho lớn, trong khi vẫn phải trả các chi phí lưu kho, lưu bãi, vay vốn ngân hàng, lãi suất cao, dẫn đến làm ăn thua lỗ kéo dài và cả tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa DN với bạn hàng và DN cố tình chây ì, chiếm dụng tiền thuế của NSNN, từ đó dẫn đến nợ thuế gia tăng.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác quản lý nợ thuế trên địa bàn, nên trong nhiều năm qua ngành Thuế TP. Hồ Chí Minh luôn quan tâm chú trọng đến các biện pháp quản lý nợ thuế, đôn đốc thu nợ thuế và cả các biện pháp cứng rắn là cưỡng chế nợ thuế theo quy định.
Cụ thể, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế như: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản. Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập đối với cá nhân nợ thuế; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt vào NSNN. Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Trên cơ sở đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành ra quyết định cưỡng chế và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế về thuế. Thế nhưng, quá trình tổ chức thực hiện đã nảy sinh không ít tồn tại, bất cập. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với biện pháp “Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại KBNN, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản” thì thấy, biện pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi số dư trên tài khoản đủ để thanh toán một phần hoặc toàn bộ cho các nghĩa vụ thuế. Trong khi mặc dù đã có quy định buộc DN khai báo với cơ quan thuế về tài khoản, nhưng thực tế DN lại cố tình không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, gây khó cho cơ quan thuế trong việc xác minh tài khoản của DN để yêu cầu phong tỏa, hoặc khi tìm được tài khoản của DN thì cơ quan thuế cũng mất rất nhiều thời gian làm các thủ tục theo quy định, khi đó DN có thể lại rút hết tiền, và như vậy vô hình chung việc quyết định cưỡng chế lại trở nên vô hiệu khi tài khoản của DN không còn tiền.
Thứ hai, sử dụng biện pháp “Ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của DN còn nợ tiền thuế, tiền phạt”, nhưng biện pháp này lại chỉ mới có tác dụng đối với các cá nhân, chủ DN tư nhân, công ty một thành viên, nhưng lại không có tác dụng với các công ty cổ phần, trong khi đây là các DN thường có số nợ thuế lớn. Hơn nữa, việc tạm dừng xuất cảnh cũng chỉ thực hiện được với đối tượng là người nước ngoài khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, còn đối với người Việt Nam thì cũng chỉ có thể áp dụng được trong trường hợp xuất cảnh để định cư ở nước ngoài.
Thứ ba, biện pháp “Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập theo quy định”, nhưng thực tế triển khai cho thấy, biện pháp này không mấy hiệu quả, do chỉ thu được thuế của những người làm công ăn lương, những người thu nhập không thể trốn được, còn thu nhập tự do, thu nhập khác thì cơ quan thuế cũng chịu “Bó tay”! Về phía cơ quan chi trả tiền lương, thu nhập của cá nhân nợ thuế khi nhận được quyết định cưỡng chế thuế từ cơ quan thuế, thì họ cũng chưa thực sự hợp tác, thậm chí cố tình trì hoãn, kéo dài việc khấu trừ tiền lương, thu nhập của cá nhân nợ thuế với nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, nhiều cá nhân trong khi nợ thuế đã chuyển chỗ làm, nơi sinh sống, khiến cơ quan thuế rất khó “Bám theo” để thu nợ, cưỡng chế thuế.
Thứ tư, biện pháp “Thông báo hóa đơn không còn giá trị” - Đây là biện pháp cưỡng chế thuế có tính pháp lý rất cao, vì nếu thực hiện biện pháp này thì DN có thể sẽ không thể hoạt động được do không còn hóa đơn.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện được biện pháp này thì cơ quan thuế sẽ phải thu thập thông tin về hóa đơn DN, nhưng thường thì DN sẽ cố tình tránh né, kéo dài thời gian cung cấp thông tin về số hóa đơn còn tồn, vì thế trong thời gian kéo dài này, DN vẫn có thể có hóa đơn để sử dụng, mà cơ quan thuế cũng chưa thể có biện pháp “Cứng hơn”. Hoặc theo quy định “Quyết định cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng phải được gửi tới tổ chức, cá nhân có liên quan và đối tượng bị cưỡng chế trong thời hạn 3 ngày làm việc trước khi quyết định cưỡng chế có hiệu lực”, do đó trong 3 ngày đó DN đã cố tình xuất rất nhiều hóa đơn cho khách hàng, nhằm thu tiền và trốn tránh việc nộp tiền thuế nợ vào NSNN.
Đặc biệt, có một vấn đề đặt ra là, nếu cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với các đối tượng đặc thù như viễn thông, intenet, bảo hiểm... thì sẽ ảnh hưởng đến số lượng khách hàng đang sử dụng dịch vụ rất lớn, vì thế cũng rất khó có thể thực hiện được.
Thứ năm, biện pháp “Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt”. Đây là biện pháp cũng rất hữu hiệu nếu triển khai thực hiện tốt, hiệu quả. Nhưng thực tế cho thấy lại có nhiều trường hợp rất phức tạp, khó xử lý trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản, điển hình như việc: Rất khó xác định quyền sở hữu của đối tượng nộp thuế với tài sản bị kê biên mà pháp luật không quy định để đăng ký (Giấy tờ đăng ký, hóa đơn mua hàng).
Hoặc việc xác định tỷ lệ trách nhiệm của người nợ thuế với tỷ lệ đóng góp của DN hoặc xác định tỷ lệ tài sản đối với các tài sản có đồng sở hữu. Hoặc trường hợp đơn vị chi nhánh trực thuộc, hạch toán phụ thuộc công ty ở ngoại tỉnh nhưng được phép tự khai thuế GTGT, nhưng tài sản của chi nhánh lại do công ty chính quản lý, khi đó chi nhánh nợ thuế thì cũng không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, vì công ty đó không phải là người nợ thuế, còn nếu cưỡng chế thì chi nhánh lại không có tài sản.
Thứ sáu, biện pháp “Thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập, giấy phép hành nghề”. Thực tế cho thấy, đây là biện pháp mạnh nhất, vì áp dụng biện pháp này thì coi như DN sẽ phải giải thể, vì vậy mục đích thu được nợ thuế dường như không đạt...
Một số kiến nghị
Qua nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm về quản lý nợ thuế của một số nước trên thế giới cho thấy, ngoài các biện pháp quản lý nợ thuế mà hiện nay Việt Nam đang áp dụng, có thể có thêm các biện pháp gián tiếp để hạn chế các quyền giao dịch của đối tượng nợ thuế như việc cấm đối tượng nợ thuế ký các hợp đồng giao dịch với cơ quan Nhà nước; từ chối cấp “Chứng nhận nộp thuế” - Là loại giấy bắt buộc phải xuất trình mới có thể nhận được tiền thanh toán từ cơ quan Nhà nước. Cần phải có quy định cụ thể những đối tượng được hưởng ưu đãi thuế của Nhà nước phải là đối tượng không nợ thuế.
Đi liền với đó, cơ quan thuế phải được phép cung cấp thông tin về đối tượng nợ thuế cho các tổ chức tài chính như ngân hàng, các tổ chức tín dụng về các đối tượng nợ thuế lớn, nợ thuế kéo dài, để các ngân hàng, tổ chức tài chính có “Danh sách đen” để hạn chế khoản vay của đối tượng nợ thuế. Việc này cần phải được rà soát, phân loại và phối hợp cung cấp với ngân hàng theo từng quý, để đảm bảo các đối tượng khi đã đáp ứng yêu cầu nghĩa vụ thuế với nhà nước sẽ lập tức được tháo “Vòng kim cô” với các giao dịch ngân hàng. Còn đối tượng cố tình chây ì nợ sẽ khó lòng tiếp cận được vốn vay của các ngân hàng.
Tiếp đó, cần xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về tài khoản ngân hàng của người nộp thuế để liên thông với dữ liệu của cơ quan thuế, có như vậy mới kiểm tra, kiểm soát được việc một cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể mở nhiều tài khoản giao dịch tại các ngân hàng khác nhau. Xây dựng dữ liệu về tài sản của cá nhân như: Sở hữu về nhà, đất, bất động sản, các động sản, trên cơ sở đó cho phép cơ quan thuế có quyền truy cập, tra cứu để kiểm tra phục vụ công tác quản lý, cưỡng chế nợ thuế.
Mặt khác, kiến nghị với cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định cho phép cơ quan thuế chủ động lựa chọn biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo hiệu quả, thay vì phải làm tuần tự theo các thủ tục, các bước như quy trình hiện nay, vì có nhiều trường hợp nếu thực hiện theo quy trình thì đến bước cuối sẽ không thể thu nợ, cưỡng chế được thuế.
Đặc biệt, cần nghiên cứu cho phép cơ quan thuế có quyền khởi kiện người nộp thuế nợ thuế kéo dài, số lượng lớn (như cách làm của ngành Bảo hiểm).
Đồng thời nghiên cứu sửa đổi, đưa thêm nội dung hành vi nợ tiền thuế, chây ì không nộp thuế vào loại tội danh hình sự và phải chịu phạt tù.
Ngoài ra, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan chuyên trách về tổ chức, kê biên và bán đấu giá tài sản một cách độc lập, chuyên nghiệp. Nghiên cứu, xem xét trao thêm quyền cho cơ quan thuế có quyền điều tra về các hành vi trốn, nợ thuế.
Bổ sung các quy định bắt buộc việc phối, kết hợp giữa các cơ quan quản lý thuế với các cơ quan liên quan trong quản lý người nộp thuế như: Cơ quan thuế - Kế hoạch và Đầu tư - Công an - Kho bạc Nhà nước - Hải quan…, nhằm mục đích có các biện pháp hạn chế tổng thể đối với các trường hợp nợ thuế, từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, góp phần kéo giảm tình trạng nợ thuế, nhất là các đối tượng chây ì nợ thuế trong thời gian tới.