Thu hơn 22.500 tỷ đồng nợ thuế: Áp dụng những biện pháp mạnh
Việc cơ quan thuế có những giải pháp mạnh, kiên quyết thu hồi nợ với doanh nghiệp (DN) chây ỳ là cần thiết, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Hơn 22.500 tỷ đồng là số tiền nợ thuế, phí, phạt chậm nộp và tiền sử dụng đất mà Cục Thuế Hà Nội phải thu hồi trong năm 2016. Bên cạnh những DN thực sự khó khăn, không ít DN có nguồn tài chính, đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhưng cố tình chây ỳ. Việc cơ quan thuế có những giải pháp mạnh, kiên quyết thu hồi nợ với DN chây ỳ là cần thiết, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.
Gian nan thu hồi nợ thuế
Cục Thuế TP Hà Nội vừa công bố danh sách 119 đơn vị nợ thuế, với tổng số tiền 204,4 tỷ đồng. Trong đó, có 109 DN nợ thuế, phí hơn 162 tỷ đồng và 10 DN nợ tiền thuê đất 42 tỷ đồng. Đây là lần thứ tư kể từ đầu năm, Cục Thuế TP Hà Nội công bố danh sách các DN nợ thuế.
Trong danh sách DN nợ thuế bị nêu tên lần này, DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, kinh doanh thương mại chiếm phần lớn. DN nợ thuế nhiều nhất bị nêu tên lần này là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Hồng Hà với số tiền lên tới gần 21 tỷ đồng.
Công ty TNHH Ngân Giang nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê đất; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng tư vấn thiết kế Constrexim nợ hơn 10,7 tỷ đồng tiền thuế, phí; Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long nợ hơn 6,5 tỷ đồng tiền thuê đất... Đây đều là những tên tuổi một thời nổi đình đám trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản. Nhưng, hoạt động SXKD khó khăn đã đưa những DN này lên đầu bảng xếp hạng DN nợ thuế.
Ông Lê Quang Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa cho biết, việc thu hồi nợ đọng thuế rất khó khăn nếu chỉ giao cho cơ quan thuế thực hiện. Đơn cử trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư và hợp tác xây dựng Đất Việt (kê khai thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa) nợ thuế hơn 10 tỷ đồng, đã được đưa vào danh sách công bố đợt 2.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, DN vẫn chưa thu xếp được nguồn tài chính để trả nợ nên tiếp tục bị chuyển sang giai đoạn cưỡng chế hóa đơn. Điều đáng nói, Công ty Đất Việt chỉ là một trong số 28 trường hợp DN dây dưa nợ thuế tại Chi cục Thuế Đống Đa, đã bị công khai danh tính nợ từ đầu năm.
Theo ông Hùng, sau các đợt công bố, đã có 11 DN bị phong tỏa tài khoản, cưỡng chế hóa đơn. Mặc dù đã áp dụng những giải pháp quyết liệt, song nợ thuế thu hồi của Chi cục Thuế Đống Đa 3 tháng đầu năm mới đạt gần 149 tỷ đồng, tương đương 13% số nợ thuế phải thu trong năm 2016.
Để hoàn thành nhiệm vụ thu hồi nợ thuế, ông Hùng cho biết, Chi cục Thuế quận Đống Đa đã đề xuất UBND quận Đống Đa thành lập đoàn liên ngành, gồm các cơ quan hành pháp của quận, đồng thời gắn trách nhiệm của UBND phường trong cưỡng chế, thu hồi nợ đọng. "Khi các cơ quan cùng đồng hành với ngành thuế thì nhiệm vụ khó khăn này mới được giải quyết hiệu quả" - ông Hùng cho biết.
Tháo gỡ khó khăn, xử lý cương quyết
"Theo thống kê, trong quý I-2016, có tới 8.000 DN tại Hà Nội đăng ký giải thể, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì vậy, việc phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế và đưa ra biện pháp xử lý, thu hồi nợ hiệu quả là rất quan trọng" - ông Mai Sơn, Phó cục trưởng Cục thuế TP Hà Nội cho biết.
Theo ông Sơn nợ thuế, trên thực tế, chịu ảnh hưởng từ bối cảnh nền kinh tế suy thoái từ những năm 2007-2008. Vì vậy, trước hết, phải phân chia thành từng nhóm nợ để có cơ sở dữ liệu chi tiết về tình hình sản xuất kinh doanh, dòng tiền của DN, từ đó đưa ra biện pháp thu hồi hiệu quả.
Qua phân tích, ngành thuế sẽ xác định đâu là đối tượng có khó khăn thực sự, vướng mắc cụ thể là gì, làm thế nào để giải quyết khó khăn cho DN? Đơn cử như các khoản thu về đất, cần sự vào cuộc của UBND quận, huyện và các ngành để đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư. Khi vướng mắc được tháo gỡ, chắc chắn DN sẽ tích cực phát triển sản xuất để đóng góp vào ngân sách. Còn với những DN cố tình chây ỳ, ngành thuế sẽ thực hiện các biện pháp cứng rắn như: cưỡng chế hóa đơn, công khai số tiền nợ thuế...
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cần khuyến khích các DN tự kê khai, tự nộp. Biện pháp cưỡng chế thuế sẽ thực hiện trong trường hợp DN cố tình chây ỳ. "Biện pháp cuối cùng là thu hồi hóa đơn là rất nặng, bởi khi thu hồi hóa đơn, đồng nghĩa DN phải chấm dứt kinh doanh" - bà Cúc nhấn mạnh.
Cho rằng cưỡng chế thu hồi thuế là biện pháp cần thiết, song bà Cúc cũng đề nghị, trước hết cần xem xét khả năng thực tế của DN. Bởi mục đích cưỡng chế thuế là thu cho ngân sách, nên cũng cần tạo điều kiện cho DN phát triển. Nếu DN đang khó khăn mà không hỗ trợ cho DN tiếp tục sản xuất thì không hợp lý. Tạo cơ hội cho DN dần dần sẽ có nguồn trả nợ và nộp thuế khi DN phục hồi.