Một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, công tác nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội; xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế.
Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung quy định về giá tính thuế đối với một số trường hợp hợp tác, phân công giữa các nước trong chuỗi sản xuất toàn cầu, bảo đảm điều tiết công bằng giữa hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung về 05 nội dung của Luật Thuế TTĐB, cụ thể:
Thứ nhất, bổ sung mặt hàng nước ngọt vào đối tượng chịu thuế
Theo lý giải của Bộ Tài chính, đồ uống có đường là loại nước giải khát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, việc sử dụng đồ uống có đường gắn liền với tăng năng lượng nạp vào cơ thể, tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Do vậy, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp, trừ: nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên, sữa và các sản phẩm sữa vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính trình Chính phủ 02 phương án thuế suất như sau: Một là, áp dụng mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019; Hai là, áp dụng mức thuế suất 20% áp dụng từ năm 2019. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương án 1.
Thứ hai, về thuế suất đối với thuốc lá
Với thuốc lá, báo cáo của Bộ Tài chính cũng dẫn nguồn từ WHO cho rằng, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc ở Việt Nam cao theo đánh giá có nhiều nguyên nhân trong đó có giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận.
Do vậy, để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án:
Phương án 1 là áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp hỗn hợp (cả thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Bổ sung mức thu tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này được đề nghị áp dụng từ năm 2020.
Phương án 2 được Bộ Tài chính đưa ra là tăng thuế suất theo lộ trình, từ năm 2020, mức thuế sẽ tăng từ 75% lên 80%. Từ năm 2021, mức thuế sẽ tăng lên 85%.
Nêu quan điểm của mình, Bộ Tài chính cho rằng, phương thức kết hợp thuế suất theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối được nhiều nước phát triển (khoảng 48 nước). Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất theo phương án 1.
Thứ ba, thuế suất thuế với mặt hàng ô tô vừa chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện
Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định: “Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng áp dụng thuế suất thuế TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại quy định tại các điểm 4a, 4b, 4c và 4d của Biểu thuế quy định tại Điều này”.
Quy định nêu trên nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường là loại xe có hai động cơ: động cơ xăng và động cơ điện. Trong điều kiện bình thường xe chủ yếu chạy bằng động cơ điện và động cơ xăng có tính chất dự phòng (khi ác quy dùng để chạy động cơ điện hết điện), lượng khí thải ra môi trường thấp hơn nhiều so với loại xe ô tô thông thường khác.
Tuy nhiên, do quy định chưa rõ nên một số doanh nghiệp đề nghị áp dụng ưu đãi thuế TTĐB đối với xe Hybrid (năng lượng điện có được do chuyển hoá từ nhiên liệu xăng, như các loại xe Lexus dòng hl, Prius, Camry hybrid, Honda Insight). Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định rõ: Xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện (xe nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng).
Thứ tư, thuế suất với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng (xe bán tải)
Theo quy định tại Luật Thuế TTĐB hiện hành thì xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng áp dụng thuế suất thuế TTĐB như sau: Loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB 15%; Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB: 20%; Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3: Áp dụng thuế suất thuế TTĐB 25%.
Theo Bộ Tài chính, trong những năm qua số lượng xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng nhập khẩu và tiêu dùng tăng nhanh, cụ thể: Năm 2012 lượng xe tiêu thụ: 3.291 xe, trong đó: xe nhập khẩu là 3.252 xe, xe lắp ráp trong nước 39 xe. Đến năm 2016 lượng xe tiêu thụ: 28.233 xe, trong đó: xe nhập khẩu 27.265 xe; xe lắp ráp trong nước: 968 xe.
Do loại xe này có thuế suất thuế TTĐB thấp hơn so với xe ô tô chở người có cùng số chỗ ngồi, như dòng xe SUV thuế suất thuế TTĐB áp dụng đối với loại trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 là 55%, nên một số người tiêu dùng đã chuyển sang mua xe bán tải thay vì mua xe SUV.
Để góp phần định hướng tiêu dùng loại xe vừa chở người vừa chở hàng và phù hợp với mục đích sử dụng loại xe này, ngày 14/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 133/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ô tô.
Trong đó, giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải để đề xuất báo cáo Chính phủ và Quốc hội kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và mục đích sử dụng loại xe này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua nghiên cứu rà soát, Bộ Tài chính thấy rằng: Các nước trong khu vực thường áp dụng thuế suất thuế TTĐB đối với xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng ở mức thấp hơn mức thuế suất đối với xe ô tô chở người dưới 9 chỗ.
Do vậy, để bảo đảm đúng mục đích sử dụng xe, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng mức thuế suất thuế TTĐB bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh. Loại này chủ yếu có dung tích từ 2.000 đến 3.000 cm3 nên nếu thuế suất là 55% như xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống thì mức thuế suất của xe bán tải là 33%.
Thứ năm, sửa đổi giá tính thuế với ô tô sản xuất trong nước
Tại khoản 1 Điều 6 Luật thuế TTĐB quy định: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương thì quy định nêu trên chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chưa tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Do vậy, ngày 28/4/2017, Bộ Công Thương đã có báo cáo số 34/BC-BCT về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển. Trong đó có báo cáo liên quan đến tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp so với mục tiêu đề ra.
Do vậy, để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu, Bộ Công Thương đề xuất thay đổi giá tính thuế TTĐB đối với xe sản xuất trong nước theo hướng không tính thuế TTĐB đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước (linh kiện, phụ tùng) nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩn sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ 02 phương án như sau:
Phương án 1: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước.
Phương án 2: Giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Theo đó, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra (không trừ giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước).