Những điểm mới của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường

ThS. Đỗ Thị Thanh Hương - Bộ Tài chính

Qua 5 năm triển khai thực hiện, Luật Thuế bảo vệ môi trường đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi ban hành. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Thuế bảo vệ môi trường còn những tồn tại, vướng mắc cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính trong bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước... Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế BVMT dự kiến được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, tháng 10/2017 có 8 nội dung mới so với Luật Thuế BVMT hiện hành, cụ thể bao gồm: các nội dung sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, về phương pháp thu thuế, về biểu khung thuế...
Phạm vi điều chỉnh
Tại Điều 1 Luật Thuế BVMT quy định phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế BVMT.

Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi đã bổ sung thêm các nội dung: phương pháp tính thuế, biểu khung thuế, thời điểm tính thuế và khấu trừ thuế vào phạm vi điều chỉnh để bao quát hết các nội dung đã được quy định trong Luật Thuế BVMT và phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung về hoàn thuế BVMT.

Giải thích từ ngữ

Tại Điều 2 Luật Thuế BVMT có quy định giải thích đối với các từ ngữ “Thuế BVMT”; “Mức thuế tuyệt đối”; “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế” và “Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung quy định về giải thích từ ngữ đối với “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế” và “Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC) để nâng cao tính pháp lý, đảm bảo rõ ràng về quy định túi ni lông thuộc đối tượng chịu thuế và đảm bảo đúng tên kỹ thuật của túi ni lông; đồng thời bao quát các trường hợp phát sinh trên thực tế đối với dung dịch HCFC. Cụ thể:

- Giải thích rõ về nhận diện túi ni lông là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó), đồng thời, quy định loại trừ túi, bao bì đã đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường không thuộc túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

- Bỏ cụm từ “dùng làm môi chất lạnh” trong nội dung giải thích từ ngữ đối với dung dịch HCFC để bao quát các trường hợp phát sinh trên thực tế. Theo đó, dung dịch HCEC thuộc diện chịu thuế là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn.

Đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường

Tại Điều 3 Luật thuế BVMT quy định: “Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC)” thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Để phù hợp với nội dung sửa đổi về quy định giải thích từ ngữ, đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ về thu thuế BVMT đối với dung dịch HCFC dưới dạng chất hỗn hợp, tại Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi đã bổ sung thêm quy định “bao gồm cả dung dịch HCFC có trong chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC” tại nội dung quy định về dung dịch HCFC thuộc diện chịu thuế.

Đối tượng không chịu thuế bảo vệ môi trường

Tại Điều 4 Luật Thuế BVMT quy định 3 trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT nhưng không phải chịu thuế BVMT gồm: Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam theo quy định của pháp luật; Hàng hóa tạm nhập, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật; và Hàng hóa do cơ sở sản sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT để xuất khẩu. Tại Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung cả 3 trường hợp trên, cụ thể:

- Bổ sung quy định hàng hóa trung chuyển cũng thuộc đối tượng không chịu thuế BVMT để phù hợp với quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Quy định rõ đối tượng không chịu thuế BVMT đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu để phù hợp với quy định của Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; đảm bảo phù hợp với quy định về đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu.

Cụ thể, chuyển quy định về hoàn thuế BVMT đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu tại khoản 3, khoản 5 Điều 11 Luật thuế BVMT sang quy định về đối tượng không chịu thuế và sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu cho phù hợp.

- Bỏ nội dung loại trừ đối với trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT để xuất khẩu để bổ sung quy định hoàn thuế đối với trường hợp này nhằm đảm bảo công bằng đối với trường hợp hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế BVMT.

Phương pháp thu thuế bảo vệ môi trường

Điều 7 Luật thuế BVMT quy định về phương pháp tính thuế như sau: Số thuế BVMT phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa. Việc sử dụng cụm từ “Số lượng đơn vị hàng hóa” là chưa phù hợp với quy định tại Điều 6 Luật thuế BVMT về căn cứ tính thuế BVMT.

Tại Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi đã thay cụm từ “số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế” tại Điều 7 Luật Thuế BVMT bằng cụm từ “số lượng hàng hóa tính thuể” cho phù hợp với quy định về căn cứ tính thuế BVMT tại Điều 6 Luật Thuế BVMT.

Biểu khung thuế bảo vệ môi trường

Luật Thuế BVMT quy định biểu khung thuế BVMT đối với 8 hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế BVMT. Tại Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi điều chỉnh khung thuế BVMT đối với 3 nhóm hàng hóa, cụ thể:

- Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn: Mặt hàng xăng dự kiến khung mức thuế sẽ điều chỉnh từ mức hiện hành là 1.000-4.000/lít lên mức 3.000-8.000/ lít; dầu diesel từ 500-2.000/ lít lên 1.500-4.000/ lít…

Việc điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được căn cứ trên cơ sở tính toán như việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do; Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN...

Ngoài ra, việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT còn được cân nhắc đến các yếu tố khác như chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của giá dầu thế giới.

- Đối với dung dịch HCFC: Điều chỉnh từ 1.000-5.000 đồng/kg lên từ 4.000- 20.000 đồng/kg để hạn chế việc sử dụng dung dịch HCFC, khuyến khích loại trừ hoàn toàn việc sử dụng dung dịch HCFC theo Nghị định thư Montreal.

- Đối với túi ni lông: Điều chỉnh khung thuế từ 30.000-50.000 đồng/kg lên từ 40.000-200.000 đồng/kg để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế BVMT cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông).

- Đối với xăng, dầu sinh học: Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định mức thuế BVMT đối với xăng, dầu sinh học để khuyến khích hơn nữa việc sản xuất và sử dụng xăng, dầu sinh học thông qua tạo chênh lệch hơn nữa giữa giá xăng, dầu sinh học và giá xăng, dầu gốc hóa thạch.

Cụ thể Dự thảo Luật quy định: Mức thuế BVMT đối với xăng E5 và dầu diesel B5 bằng 80% mức thuế cụ thể của xăng gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng; Mức thuế BVMT đối với xăng E10 và dầu diesel B10 bằng 70% mức thuế cụ thể của gốc hóa thạch và dầu diesel tương ứng.

Trường hợp phát sinh xăng, dầu sinh học mới, Chính phủ căn cứ mức thuế đối với xăng dầu gốc hóa thạch và tỷ lệ etanol để quy định mức thuế phù hợp với lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Thời điểm tính thuế bảo vệ môi trường

Luật Thuế BVMT quy định thời điểm tính thuế BVMT đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra.

Quy định về thời điểm tính thuế BVMT đối với xăng dầu tại Luật Thuế BVMT có khác so với quy định về thời điểm tính thuế BVMT đối với các hàng hóa khác (thời điểm tính thuế BVMT đối với các hàng hóa khác tại khâu sản xuất hoặc nhập khẩu).

Tại Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi quy định thời điểm tính thuế BVMT đối với xăng dầu tương tự như thời điểm tính thuế BVMT đối với các hàng hóa khác (là tại khâu sản xuất hoặc nhập khẩu). Việc sửa đổi, bổ sung quy định về thời điểm tính thuế BVMT đối với xăng, dầu nhằm:

- Thực hiện Luật NSNN năm 2015: Theo Luật NSNN năm 2015 thì thuế BVMT thu từ hàng hóa nhập khẩu là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

- Thuận tiện cho doanh nghiệp khi kê khai, nộp thuế BVMT: Các doanh nghiệp sẽ không phải thống kê riêng lượng xăng dầu nhập khẩu và lượng xăng dầu sản xuất trong nước bán ra để kê khai nộp thuế.

- Tránh thất thu NSNN: Thực tế phát sinh trường hợp các đơn vị lợi dụng kê khai nhập khẩu xăng, dầu để bán để được nộp thuế bảo vệ khi bán ra, nhưng không bán ra mà chỉ dùng cho sản xuất hoặc dùng cho các mục đích khác, dẫn đến thất thu NSNN.

- Thống nhất với quy định về thời điểm tính thuế của các hàng hóa khác là tại khâu sản xuất hoặc nhập khẩu.

Về hoàn thuế bảo vệ môi trường và khấu trừ thuế bảo vệ môi trường

Tại Điều 11 Luật Thuế BVMT quy định 5 trường hợp người nộp thuế BVMT được hoàn thuế BVMT. Tại Dự thảo Luật Thuế BVMT sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung:

- Quy định lại trường hợp hoàn thuế BVMT đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó được người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài để tránh trùng lắp giữa trường hợp hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bão tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, được tái xuất khẩu ra nước ngoài và trường hợp hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài.

- Bỏ nội dung quy định hoàn thuế BVMT đối với 2 trường hợp: là hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất; thứ hai là hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.

- Bổ sung quy định hoàn thuế BVMT đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu đã nộp thuế BVMT được tổ chức, cá nhân mua để xuất khẩu (gồm cả hàng hóa mua làm nguyên liệu, vật tư để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu) để đảm bảo nguyên tắc thuế BVMT chỉ thu đối với hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường; đồng thời đảm bảo công bằng đối với trường hợp hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu (trường hợp thuộc đối tượng không chịu thuế BVMT).

- Bổ sung quy định về khấu trừ thuế BVMT đối với xăng dầu dùng để sản xuất xăng dầu sinh học. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mua hoặc nhập khẩu xăng dầu để sản xuất xăng dầu sinh học đã phải nộp thuế BVMT đối với lượng xăng dầu mua hoặc nhập khẩu để sản xuất xăng, dầu sinh học khi mua hoặc nhập khẩu; Khi xuất bán xăng dầu sinh học sẽ phải kê khai nộp thuế BVMT đối với xăng dầu gốc hóa thạch có trong xăng dầu sinh học.

Để tránh thu trùng, thuận lợi trong kê khai, nộp thuế cũng như công tác quản lý thu thuế BVMT, tại Dự thảo Luật sửa đổi, Luật Thuế BVMT bổ sung quy định đơn vị sản xuất xăng dầu sinh học khi xuất bán xăng sinh học sẽ được khấu trừ tiền thuế BVMT tương ứng với số lượng xăng dầu gốc hóa thạch có trong xăng dầu sinh học xuất bán (tương tự quy định về khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành).           

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12;

2. Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch
 tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020;

3. Bộ Tài chính, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế BVMT.