Một số điểm nhấn trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2015
Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình toàn nền kinh tế ước đạt 5,91%, thấp hơn so với mức 6,32% của giai đoạn 2006-2010, đồng thời cũng không đạt được kế hoạch tăng trưởng 6,5-7% như mục tiêu kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu
Giai đoạn 2011-2015, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do những vấn đề nội tại của nền kinh tế và chịu tác động không nhỏ của sự suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong hai năm 2011-2012, tăng trưởng kinh tế liên tiếp sụt giảm, từ mức 6,42% năm 2010 xuống còn 6,24% trong năm 2011 và 5,25% trong năm 2012.
Từ năm 2013 cho đến nay, với nỗ lực điều hành chính sách, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đồng thời nhờ những tác động tích cực của sự phục hồi kinh tế thế giới, kinh tế trong nước bắt đầu có sự cải thiện đặc biệt ghi nhận mức tăng trưởng đột phá trong năm 2015, ước đạt 6,68%, vượt 0.48 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra.
Mặc dù vậy, mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 cũng không đủ để kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2011-2016 lên mức cao hơn giai đoạn trước đó (2006-2010).
Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng bình toàn nền kinh tế ước đạt 5,91%, thấp hơn so với mức 6,32% của giai đoạn 2006-2010, đồng thời cũng không đạt được kế hoạch tăng trưởng 6,5-7% như mục tiêu kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011- 2015 không đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra chủ yếu bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính: Tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, suy thoái tài chính toàn cầu, và những cải cách trong nước chưa mang lại nhiều kết quả đồng thời những yếu kém nội tại của nền kinh tế trở nên trầm trọng hơn.
Tăng trưởng kinh tế phục hồi chậm so với một số nước trong khu vực trong giai đoạn hậu khủng hoảng
Một vấn đề đáng lo ngại khác là so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam có tốc độ phục hồi kinh tế chậm hơn trong giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế thế giới (2011-2013).
Tốc độ tăng trưởng của các nước như Myanmar, Campuchia, Philipin, Lào đã liên tục ở mức cao hơn so với cùng kỳ. Indonesia giảm tốc độ tăng trưởng trong năm 2012 cũng giống như Việt Nam nhưng mức độ sụt giảm của nước này thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam (tăng trưởng của Indonesia ở mức 6,03% trong năm 2012, thấp hơn gần 0,2 điểm % so với cùng kỳ năm 2011, trong khi đó tăng trưởng Việt Nam cũng trong năm này đã giảm gần 1 điểm % so với cùng kỳ).
Trong giai đoạn gần đây (2014-2015), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dần cải thiện nhưng mức tăng vẫn còn thấp hơn một số nước như Campuchia, Lào, Philipine.
Xem xét tăng trưởng giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế cho thấy, khu vực công nghiệp, xây dựng đã dần lấy lại đà tăng trưởng cao trong khi sự cải thiện tăng trưởng khu vực dịch vụ có dấu hiệu chậm lại, riêng khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng có dấu hiệu giảm sút.
Trong giai đoạn 2011-2013, khu vực dịch vụ với mức tăng trưởng cao nhất trong ba khu vực, bình quân 6,7%/năm, đã giữ vai trò là động lực cho tăng trưởng chung. Trong khi đó, khu vực CNXD gặp phải nhiều khó khăn và sụt giảm tăng trưởng.
Đặc biệt, tăng trưởng của ngành xây dựng xuống mức (-0,6%) trong năm 2011 và công nghiệp chế biến chế tạo ở mức (-0,2%) trong năm 2013, ngược lại, trong những năm gần đây 2014-2015, tăng trưởng của khu vực dịch vụ lại cải thiện chậm.
Trong khi đó, nhờ những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất và sự cải thiện của tổng cầu, khu vực công nghiệp và xây dựng đã tăng trưởng mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015, đạt 9,64% so với cùng kỳ và trở thành khu vực dẫn dắt tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Cũng giống như khu vực CNXD, khu vực nông lâm thủy sản cũng chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng liên tiếp trong năm 2011-2013, từ mức 4,02% năm 2011 xuống 2,64% năm 2013, sau đó cải thiện nhẹ trong năm 2014 nhưng quay lại xu hướng sụt giảm ngay trong năm 2015.
Ước tính cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng của khu vực NLTS đạt khoảng 3,05%, thấp hơn mức 3,53% của giai đoạn 2006-2010.
Cơ cấu ngành kinh tế dịch chuyển tương đối chậm
Về tỷ trọng giữa các khu vực kinh tế, sự thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đặc trưng bởi sự thu hẹp GDP của khu vực NLTS và sự tăng lên tương ứng của 2 lĩnh vực còn lại, nhưng quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế diễn ra tương đối chậm.
Với tỷ trọng cao trong tổng GDP, khu vực dịch vụ là khu vực có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011-2014. Tuy nhiên, đến năm 2015, với sự tăng trưởng bứt phá của khu vực CN-XD (đạt mức 9,64% so với cùng kỳ), khu vực này đã dẫn đầu nền kinh tế và có mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung.