Mục tiêu năm 2016: Cầm cương, giữ giá

PV.

Năm 2015, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp... theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới, từ đó, phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý, điều hành và bình ổn giá góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhận định tình hình giá cả thế giới

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế thế giới trong năm 2016 dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 2,9% - mức thấp nhất kể từ năm 2009 (theo Báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới ngày 9/11/2015 ). Nhu cầu hàng hóa do đó dự kiến cũng không có nhiều biến động đáng kể.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của IMF trong tháng 10/2015 cũng nhận định trong thời gian tới xu hướng của giá cả hàng hóa sẽ giảm. Giá dầu thô dự báo đứng ở mức thấp hoặc tiếp tục xu hướng giảm, bình quân ở mức 55 USD/thùng trong năm 2016. IMF nhận định trong năm 2016, lạm phát tiếp tục giảm tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (bình quân ở mức 4,2%). Áp lực lạm phát từ thị trường thế giới năm 2016 không lớn, kết hợp với những thành quả bước đầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện từ những năm trước là những thuận lợi để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát năm 2016.

Nhận định xu hướng biến đọng giá cả trong nước

Năm 2016 nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tiếp tục phát huy tác dụng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, cho doanh nghiệp từ năm 2015;

Hiệp định TPP được ký kết sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế... Những yếu tố đó báo hiệu sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ rõ rệt hơn. Tuy nhiên, năm 2016 cũng tiềm ẩn khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và việc điều chỉnh giá theo lộ trình đối với các dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục cuối năm 2015;

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển Kinh tế- xã hội năm 2016 với mục tiêu tổng quát là: “Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015, chú trọng cải thiện chất lượng tăng trưởng, bảo đảm phát triển bền vững...”, trong đó có mục tiêu giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%.

Định hướng quản lý, điều hành giá năm 2016

Trên cơ sở các nhận định trên, ngành Tài chính đưa ra các giải pháp nhằm quản lý điều hành giá, với mục đích cầm chắc cương con ngựa giá và giữ đà giảm giá, ổn định kinh tế vĩ mô và đời sống xã hội...

Theo quy định tại Điều 8 Luật Giá, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá nói chung; các bộ quản lý chuyên ngành cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hàng hóa dịch vụ chuyên ngành thuộc bộ, ngành mình quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá trên địa bàn địa phương theo quy định của Pháp luật.

Chú trọng các biện pháp:

- Tiếp tục triển khai, giám sát thực hiện có hiệu quả pháp luật về giá. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá trong đó chú trọng nghiên cứu, đề xuất cơ chế quản lý giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phi sang giá theo quy định tại Luật phí, lệ phí năm 2015.

- Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm soát lạm phát theo quy định của pháp luật. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giá theo quy định của Luật giá và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật vềquản lýgiá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công... Trường hợp điều chỉnh giá phải xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá, tránh điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm để hạn chế thấp nhất tác động đến sản xuất và đời sống nhân dân, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

- Tiếp tục điều hành giá xăng dầu, giá điện, giá than theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Thực hiện lộ trình giá dịch vụ KBCB, giá dịch vụ giáo dục (học phí) theo quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 và Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ và pháp luật liên quan. Trong đó cân nhắc thời điểm phương án điều chính giữa các địa phương để tránh tác động lớn đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

- Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền. Năm 2015, Bộ Tài chính đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, công khai thông tin về giá nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Nhờ đó, cơ chế chính sách về quản lý giá, thẩm định giá đã được tuyên truyền một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức và nhiều kênh khác nhau, mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2016, Bộ sẽ phát huy mạnh mẽ hơn công tác này.

- Tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát như chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt; điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công; tăng cường quản lý thị trường, hoàn thiện hệ thống lưu thông phân phối theo hướng giảm bớt các tầng nấc trung gian...

Trước mắt, nhằm tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá có hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện:


Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ quản lý ngành, các địa phương cần ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016;


Các địa phương thực hiện triệt để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt kiểm soát chặt chẽ tại những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới;

Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn , các bộ quản lý chuyên ngành và các địa phương cần chủ động có kế hoạch dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân trong dịp tết Nguyên Đán 2016;


Các địa phương đánh giá hiệu quả của các biện pháp và Chương trình bình ổn giá đã thực hiện để làm cơ sở quyết định các biện pháp bình ổn giá tại địa phương trước và trong dịp Tết Nguyên Đán 2016 trong đó nghiên cứu nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng vốn NSNN theo Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ.