Một số khuyến nghị về phát triển bền vững ở Việt Nam


Trên thế giới, nhiều quốc gia hiện lựa chọn hướng phát triển bền vững nhằm giải quyết những thách thức từ môi trường, về nguy cơ tài nguyên bị cạn kiệt sau một thời gian dài bị lạm dụng khai thác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Việt Nam, phát triển bền vững là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước và là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế, môi trường trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách được ban hành và triển khai, bước đầu mang lại những chuyển biến tích cực.

Thuận lợi trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Chuyển đổi phương thức phát triển để hướng tới xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của mỗi quốc gia, phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu. Nhiều quốc gia lựa chọn hướng phát triển kinh tế bền vững là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn môi trường đang tiếp diễn phức tạp.

Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế phát triển bền vững sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn nữa để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát triển bền vững đã tạo ra những tín hiệu tích cực vô cùng to lớn, đối với các nước đang phát triển thì phát triển bền vững còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.

Quan điểm phát triển bền vững đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh việc huy động hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển bền vững, trong đó đối với nguồn lực trong nước, đặc biệt là nguồn lực tài chính công đòi hỏi hoàn thiện chính sách và hệ thống thuế, bảo đảm tỉ lệ tích luỹ hợp lý cho đầu tư phát triển (Lê Thị Mai Liên, 2021).

Tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng đã đề ra các giải pháp về tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như: Tăng cường nguồn lực tài chính công thông qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống chính sách thu; tiết kiệm chi tiêu công; đổi mới quản lý tài chính công theo hướng công khai, minh bạch; huy động các nguồn lực xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững...

Như vậy, phát triển bền vững là phù hợp với chiến lược dài hạn của Việt Nam, điều này cũng phù hợp với những lợi thế so sánh của Việt Nam cần phát huy trong thế giới toàn cầu hóa.

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam đang có nhiều cơ hội để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững thể hiện ở những điểm sau:

Một là, là quốc gia đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành Chương trình quốc gia về phát triển bền vững, thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh (đánh giá của Ngân hàng Thế giới - WB); xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh (đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới - WEF), xếp thứ 54/162 quốc gia lọt vào Top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững (chỉ thua Thái Lan trong ASEAN).

Theo định hướng phát triển đất nước, trong những năm tới, nước ta đã có chủ trương điều chỉnh chiến lược tăng trưởng nhằm nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của nền kinh tế, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu đồng thời giảm phát thải khí nhà kính để tham gia nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, phát triển bền vững là cơ hội phát triển phù hợp với định hướng Chiến lược.

Hai là, là quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng, vị trí địa lý chính trị quan trọng, có cả vùng núi, đồng bằng và ven biển, có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với kinh tế của các nước trong vùng và đang trở thành một trung tâm của Đông Nam Á, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, giàu vốn tự nhiên để phát triển.

Với việc nhận thức về phát triển bền vững, việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đã đi vào nền nếp. Bằng những chính sách hợp lý, các giải pháp quyết liệt, vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm các nguồn nước, không khí đã được tất cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và cùng tham gia. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm hơn nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đi.

Ba là, nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông; có khả năng tiếp thu nhanh khoa học, bí quyết công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ hiện đại cũng như nguồn nhân lực.

Thách thức trong phát triển bền vững ở Việt Nam

Để chuyển nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức:

- Nhận thức và năng lực của toàn hệ thống (con người, cơ sở hạ tầng, tài chính và thể chế) còn thấp, làm cho những thói quen cũ trong sản xuất đời sống và quản lý chậm thay đổi. Nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, DN và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh về kinh tế và ổn định xã hội mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường…

- Đại dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, trong đó có Việt Nam, các chuỗi cung ứng sản xuất bị ngưng trệ, nhiều lĩnh vực dịch vụ phải đóng cửa và ngừng cung cấp. Bên cạnh đó, trình độ phát triển nói chung còn thấp, bị tụt hậu so với nhiều nước sau những năm chiến tranh kéo dài để lại những di hại không nhỏ, cần có thời gian và nguồn lực lớn để khắc phục.

- Nguồn lực tài chính để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam vẫn chủ yếu là nguồn lực công, trong khi đó cân đối ngân sách nhà nước và dư địa để mở rộng quy mô động viên ngân sách nhà nước đang đối mặt với nhiều thách thức; vai trò dẫn dắt, chủ đạo của ngân sách trung ương có xu hướng giảm; Chưa khai thác được một cách có hiệu quả các nguồn lực tiềm năng từ đất đai, tài nguyên cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

- Hiệu quả huy động nguồn lực tư nhân, các nguồn lực trong xã hội trong thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững còn hạn chế. Các DN tư nhân chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp. Các dự án thu hút FDI phần lớn sử dụng công nghệ thấp, thâm dụng lao động trình độ thấp, sử dụng tài nguyên lãng phí, chưa tạo sự lan tỏa về năng suất và công nghệ trình độ cao (Lê Thị Mai Liên, 2021).

- Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa thật phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng phát triển bền vững.

- Công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu còn phổ biến, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, hiệu quả sử dụng các nguồn lực thấp; công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo chưa phát triển; trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là R&D và chuyển giao công nghệ) còn thấp.

- Tài nguyên thiên thiên bị suy giảm nghiêm trọng, một phần bị hủy hoại do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch là nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao vật chất còn thấp.

Một số khuyến nghị

Trong gần 35 năm đổi mới, Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Có thể nói, phương thức tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là con đường tốt nhất để giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển trong thời ngắn trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nội lực và toàn cầu hóa.

Đứng trước thời cơ mới, Việt Nam cần phát huy các lợi thế so sánh, những cơ hội đang mở ra trước mắt, khắc phục các yếu kém để phát triển đất nước. Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam, trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời qua, tác giả đưa ra một số khuyến nghị:

Một là, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững cho các đối tượng liên quan, đặc biệt là các DN, qua đó giúp cộng đồng DN quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường… trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hai là, thực hiện cải cách mạnh mẽ khung khổ pháp luật về tài chính công để khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong đó, hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý của ngân sách nhà nước.

Đa dạng hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển bền vững, đặc biệt là hoàn thiện về thuế bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện các chính sách thuế, phí về bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, tạo nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường.

Luật Thuế Bảo vệ môi trường khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường, thân thiện với môi trường và kìm hãm, ngăn chặn các hoạt động gây hại cho môi trường trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chi trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường.

Bốn là, tiếp tục chủ trương phát triển bền vững giai đoạn tới theo hướng phát triển nhanh để duy trì ổn định, nhằm tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh dựa trên sự thúc đẩy mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thành quả của phát triển là dành cho tất cả mọi người và không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nghèo, vùng sâu, vùng xa, cả về thể lực và trí lực nhằm đạt mục tiêu thiên niên kỷ như đã cam kết về phát triển con người… 

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2004), Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam;

2. Chính phủ (2012), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

3. Chính phủ (2018), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững;

4. Bộ Tài chính (2020), Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Bộ Tài chính;

5. Lê Thị Mai Liên (2021), Huy động nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 3/2021;

6. Phạm Thị Thanh Bình (2019), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiêu chí đánh giá và định hướng phát triển đến năm 2030, Tạp chí Ngân hàng số 24/2019;

7. Nguyễn Thị Việt Nga (2019), Phát triển bền vững ở Việt Nam và gợi mở hai mô hình chính sách, Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 11/2019.

*ThS. Đinh Quốc Tuyền, Trường Đại học Lao động Thương binh và Xã hội

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.