Một số phương thức, thủ đoạn rửa tiền qua ngân hàng
Nghiên cứu cho thấy, hoạt động rửa tiền qua ngân hàng của bọn tội phạm hiện nay rất đa dạng, phức tạp, qua nhiều công đoạn. Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) đặc biệt lưu ý, nguy cơ rửa tiền thông qua lĩnh vực ngân hàng cao, với gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền.
Theo quan điểm của các nhà tội phạm học, “rửa tiền” là hoạt động mà bọn tội phạm tiến hành để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của những đồng tiền tội lỗi. Hoạt động rửa tiền là hành vi hợp thức hoá những khoản tiền thu được từ hoạt động tội phạm.
Mục đích của hoạt động rửa tiền là tạo ra một khoảng cách xa nhất giữa tài sản bất hợp pháp và chủ sở hữu những tài sản đó. Hình thức biểu hiện lợi nhuận có được ban đầu thông thường là “ tiền”, nhưng sau các giai đoạn chuyển đổi để hợp pháp hoá “tiền” đã có các hình thức biểu hiện khác như: Ngân phiếu, thẻ tín dụng, bất động sản...
Đánh giá về các tội phạm nguồn trong nước, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền. Theo đó các tội như tham ô tài sản, ma tuý tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền cao; các loại tội phạm như tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tội trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền trung bình cao...
Nhìn chung, các hình thức biểu hiện lợi nhuận của hoạt động rửa tiền bao gồm những lợi ích kinh tế của hoạt động rửa tiền mang lại được quy là “sản phẩm của tội phạm” (Theo Công ước Strasbong 1990 của Hội đồng Châu Âu). Do vậy, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn rửa tiền là cần thiết, giúp ngân hàng có những biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Hiện nay, hành vi, phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất phong phú đa dạng, gắn liền với khe hở trong hệ thống pháp luật mỗi nước, nhất là pháp luật hình sự, pháp luật về tài chính, ngân hàng…
Từ thực tiễn phòng chống rửa tiền của nhiều nước có thể mô tả phương thức, thủ đoạn tội phạm rửa tiền qua ngân hàng như sau:
- Rửa tiền qua các giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt: Đây là phương thức rửa tiền truyền thống và chủ yếu của bọn tội phạm. Năm 1999, một quầy đổi tiền ở Pari đã phát hiện hành vi khả nghi của một người Pháp trong thời gian ngắn đã đổi 1,7 triệu Frăng Pháp sang Mác Đức. Kết quả điều tra cho thấy, kẻ tình nghi có quan hệ với một nhóm tội phạm buôn bán ma tuý ở Tâybannha, Đức, Pháp, và đang tìm cách đổi tiền sang Mác Đức để tiêu thụ.
- Rửa tiền thông qua việc mua vàng, bạc, kim cương... là những tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao, có thể mua đi bán lại ở mọi nơi, mọi thời điểm trên thế giới. Đây là phương thức rửa tiền được bọn tội phạm sử dụng nhiều nhất do cách thức đơn giản, dễ thực hiện, nhưng lại dễ bị cơ quan điều tra phát hiện.
- Rửa tiền thông qua đầu tư vào gửi tiết kiệm, mua tín phiếu, trái phiếu: Bọn tội phạm sẽ gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc mua tín phiếu, trái phiếu... làm cho đồng tiền nằm im trong một thời gian phù hợp với quy định với mỗi nước. Sau đó, người gửi tiền có thể rút ra toàn bộ gốc và lãi hoặc rút một phần, biến số tiền đó thành tiền hợp pháp.
- Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”: Tại một số nước, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, đắt đỏ mà lại quan liêu, do đó, trong cộng đồng những người nước ngoài tại các quốc gia này tồn tại hệ thống ngân hàng không chính thức gọi là ngân hàng “ngầm”. Hệ thống ngân hàng ngầm này hoạt động và luân chuyển tài chính như các ngân hàng chính thức nhưng với chi phí dịch vụ rẻ hơn, bí mật hơn các ngân hàng hợp pháp.
Các ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển tiền từ nước này sang nước khác hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong cùng một quốc gia. Sự hoạt động của ngân hàng này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa ngân hàng và bạn hàng nên thủ tục giấy tờ gọn nhẹ. Bọn tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của những ngân hàng này đã đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một thành phố khác. Những địa chỉ cần nhận tiền tẩy rửa thông thường là những quốc gia khao khát đầu tư tài chính nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền, việc thanh toán qua ngân hàng chưa phải là yêu cầu bắt buộc và phổ biến, hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền chưa nghiêm...