Một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý tại Thông tư số 36/2017/TT-BTC
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 36/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, trong đó có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/6/2017.
Cụ thể, theo Thông tư số 36/2017/TT-BTC, khoản 3 Điều 3 về hình thức phạt tiền và biện pháp khắc phục hậu quả tại Thông tư số 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Việc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành và hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) và tiền lãi phát sinh từ tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải công bố trên 01 tờ báo trung ương trong 03 số liên tiếp và trên trang thông tin điện tử của công ty về việc hoàn trả tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc. Khoản tiền lãi của tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải trả cho nhà đầu tư được tính từ ngày nhà đầu tư nộp tiền đến ngày cá nhân, tổ chức vi phạm trả lại tiền cho nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư đã chuyển nhượng chứng khoán mua trong đợt chào bán nêu trên một cách hợp lệ, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm xác định các nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng trước thời điểm thông báo hoàn trả tiền và số lượng chứng khoán hiện đang nắm giữ để thông báo cho nhà đầu tư đó được biết.
- Cá nhân, tổ chức vi phạm phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về kết quả thực hiện việc hoàn trả tiền mua chứng khoán cho NĐT, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.
Hành vi “Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán cổ phiếu riêng lẻ mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” quy định tại Khoản 3a Điều 4 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP, hành vi “Làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” quy định tại Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP và hành vi “Lập, xác nhận hồ sơ giả mạo để niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán” quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được hướng dẫn cụ thể như sau:
- Là hành vi tạo dựng hoặc xác nhận các tài liệu, thông tin không có thực hoặc không chính xác để đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán;
- Khi phát hiện hành vi quy định tại Khoản 3a Điều 4 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được bổ sung theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phải lập biên bản thu giữ giấy tờ giả mạo. Trong trường hợp giấy tờ giả mạo là giấy phép, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép biết.