Quy định về hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh
Ngày 14/4/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản hợp nhất số 08/VBHN-BTC hợp nhất Thông tư số 11/2016/TT-BTC và Thông tư số 23/2017/TT-BTC. Theo đó, hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh của các nhà đầu tư đã được quy định rõ.
Văn bản 08/VBHN-BTC ra đời trên cơ sở hợp nhất Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) và Thông tư số 23/2017/TT-BTC ngày 16/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP ngày 05/5/2015 của Chính phủ về CKPS và TTCKPS.
Liên quan đến hoạt động giao dịch CKPS, Văn bản 08/VBHN-BTC quy định, để thực hiện giao dịch CKPS, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại thành viên giao dịch và tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ được chỉ định.
Trường hợp nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường mở tại công ty chứng khoán đồng thời là thành viên giao dịch CKPS, nhà đầu tư được sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán nêu trên để thực hiện giao dịch CKPS sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù trừ được chỉ định.
Hoạt động giao dịch của nhà đầu tư thực hiện như sau: Lệnh giao dịch của các nhà đầu tư được khớp với nhau trên hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán. Sau khi lệnh được khớp, nhà đầu tư được coi là đã tham gia hợp đồng CKPS, có đầy đủ quyền và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đó.
Trước khi đặt lệnh giao dịch, trong thời gian nắm giữ vị thế và khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư phải bảo đảm mức ký quỹ duy trì theo yêu cầu của thành viên bù trừ, phù hợp với quy định.
Nhà đầu tư phải đảm bảo vị thế trên tài khoản giao dịch trong giới hạn vị thế theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam. Trường hợp vượt giới hạn vị thế, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các giao dịch đối ứng để giảm vị thế, bổ sung ký quỹ (nếu cần thiết) trong thời hạn theo quy chế của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Sau thời hạn quy định, nhà đầu tư không hoàn tất việc giảm vị thế thì thành viên bù trừ được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư. Trường hợp thành viên bù trừ không thực hiện giao dịch đối ứng để đóng vị thế của nhà đầu tư, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam được thực hiện lệnh giao dịch đối ứng để đóng một phần hoặc toàn bộ vị thế của nhà đầu tư đứng tên thành viên bù trừ.
Theo Văn bản 08/VBHN-BTC, các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.