Một số vấn đề đặt ra trong việc xác định mức lương tối thiểu
(Tài chính) Tiền lương, trong đó có mức lương tối thiểu, là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm trong chính sách kinh tế - xã hội của mọi quốc gia. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tập trung nghiên cứu giải quyết vấn đề này nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Trong nhiều nguyên nhân có việc chưa nhận thức đúng về tiền lương tối thiểu.
1. Vị trí của mức lương tối thiểu trong hệ thống chế độ tiền lương
Hệ thống chế độ tiền lương, gồm: mức lương tối thiểu; chế độ lương ngạch, bậc, cấp bậc, chức vụ (hoặc lương cơ bản, lương chính); chế độ phụ cấp lương, v.v..
Các hình thức trả lương: cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lựa chọn, áp dụng các hình thức trả lương để gắn với kết quả thực hiện công việc, chức vụ của người lao động.
Cách (hoặc phương thức) trả lương:trực tiếp bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản, trả theo tháng hay theo tuần v.v..
Như vậy, xét về tổng thể, mức lương tối thiểu chỉ là một chế độ trong hệ thống chế độ tiền lương và là một nội dung của chính sách tiền lương.
Về mặt khái niệm, khi sử dụng thuật ngữ “tiền lương tối thiểu”, thì nội dung sẽ bao gồm “mức lương tối thiểu” và các khoản phụ cấp lương mà “mức lương tối thiểu” chưa tính đến như: phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp lưu động.
Sắp tới, trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, sẽ xem xét, ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Như vậy, vấn đề đặt ra là Luật Tiền lương tối thiểu không chỉ điều chỉnh nội dung mức lương tối thiểu mà còn phải điều chỉnh cả các chế độ phụ cấp lương kể trên mới đúng với khái niệm “tiền lương”. Vì vậy, trong hầu hết các trường hợp chỉ nên sử dụng khái niệm “mức lương tối thiểu” để hiểu cho chính xác.
Để ban hành quy định về tiền lương một cách chặt chẽ, chuẩn xác, cần thống nhất nhận thức một số khái niệm và thuật ngữ về tiền lương như sau:
Tiền lương chế độ. “Tiền lương chế độ” là tiền lương được xếp theo hệ thống chế độ tiền lương được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quy định cụ thể hoặc quy định khung, nguyên tắc làm cơ sở cho cấp thực hiện thương lượng, thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động tương ứng với công việc hoặc chức vụ đảm nhận.
Tiền lương thực hiện. Căn cứ kết quả thực hiện công việc, chức vụ theo sản phẩm hoặc thời gian lao động, người lao động xác định được lượng tiền lương được nhận, đó là “tiền lương thực hiện”. Nếu gộp với một số chế độ ngoài tiền lương như: bữa ăn giữa ca, bữa ăn ca đêm, chế độ ăn định lượng, chế độ bồi dưỡng độc hại, tiền hỗ trợ đi - về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại; hỗ trợ tiền nhà ở, tiền gửi trẻ, tiền thưởng từ lợi nhuận..., thì gọi là “thu nhập”. Không bao giờ “tiền lương thực hiện” có trước “tiền lương chế độ”, cũng có nghĩa các văn bản không thể quy định các hình thức trả lương trước khi quy định hệ thống chế độ tiền lương.
Tiền lương danh nghĩa. Tiền lương danh nghĩa là số lượng tiền mặt theo quy định của hệ thống chế độ tiền lương hoặc số lượng tiền mặt thực nhận (thực hiện) của người làm công hưởng lương.
Tiền lương thực tế. Tiền lương thực tế là số lượng vật phẩm và dịch vụ thiết yếu mà người làm công hưởng lương nhận được tương ứng với số lượng tiền lương danh nghĩa.
Trong chính sách tiền lương, tiền lương thực tế là gốc, là nội dung cơ bản, tiền lương danh nghĩa là hình thức biểu hiện cụ thể bằng số lượng tiền mặt, là phương tiện so sánh tiền lương và thanh toán tiền lương đối với người làm công hưởng lương.
Chỉ số tiền lương thực tế. Chỉ số tiền lương thực tế là tỷ lệ % giữa chỉ số tiền lương danh nghĩa và chỉ số giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Cụ thể:
Nhu cầu sống tối thiểu. Nhu cầu sống tối thiểu là số lượng vật phẩm và dịch vụ thiết yếu theo cơ cấu mà người lao động (hoặc con người cụ thể nào đó) cần phải có để duy trì cuộc sống ở mức thấp nhất. Nhu cầu sống tối thiểu không giống nhau giữa các địa bàn, khu vực, giữa các quốc gia.
Mức sống tối thiểu. Mức sống tối thiểu là số lượng tiền mặt được xác định nhằm bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. Nhu cầu sống tối thiểu, mức sống tối thiểu của người làm công hưởng lương, của lao động xã hội tự tạo việc làm và thu nhập, của dân cư không hoàn toàn giống nhau.
Ngoài các khái niệm và thuật ngữ nêu trên, còn một số các khái niệm và thuật ngữ khác khi bàn đến tiền lương đang được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng trong rất nhiều trường hợp mà không được giải thích, làm rõ để thống nhất nhận thức, sử dụng cho phù hợp, chính xác, như: mức lương cơ sở; mức lương đủ sống; mức sống trung bình của các tầng lớp dân cư; mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn; mức sống trung bình trong xã hội; mức sống bình quân cả nước, của địa bàn, của khu vực; tiền lương trung bình - tiền lương bình quân; thu nhập bình quân của dân cư, thu nhập bình quân của lao động tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh...
2. Nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu
Khoản 3 Điều 240 của Bộ luật Lao động quy định: “Chính phủ ban hành chính sách lương cụ thể để áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân”. Như vậy, theo quy định tại Điều 1, Điều 2 và Chương VI (Tiền lương) Bộ luật Lao động, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu chỉ đối với người lao động có quan hệ lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thuê mướn lao động, không áp dụng và không làm căn cứ để xác định mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang cũng như căn cứ để điều chỉnh lương người nghỉ hưu, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng.
Mức lương tối thiểu hiện hành (năm 2013):
- Mức lương tối thiểu chung: 1,05 triệu đồng/tháng và từ tháng 7-2013 là 1,15 triệu đồng/tháng, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang và là cơ sở để điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu; đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp nhà nước.
- “Sàn” mức lương tối thiểu của doanh nghiệp FDI, tư nhân và cơ sở để tính đơn giá tiền lương của doanh nghiệp nhà nước là: vùng I: 2,35 triệu đồng/tháng; vùng II: 2,1 triệu đồng/tháng; vùng III: 1,8 triệu đồng/tháng và vùng IV: 1,65 triệu đồng/tháng. Dự kiến điều chỉnh tương ứng là: 2,7 - 2,4 - 2,07 - 1,9 triệu đồng/tháng vào năm 2014 và 4,47 - 4,05 - 3,79 - 3,42 triệu đồng/tháng vào năm 2017 để đạt nhu cầu sống tối thiểu.
Có một số vấn đề nảy sinh đối với mức lương tối thiểu hiện nay là:
Thứ nhất, hiện mức lương tối thiểu trong doanh nghiệp chỉ là “sàn”, còn cao hơn bao nhiêu cho phù hợp thì tổ chức đại diện tập thể người lao động (Công đoàn) phải đối thoại, thương lượng, thỏa thuận cụ thể với người sử dụng lao động. Nếu như Công đoàn không thực sự đại diện được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, quyền chủ động quy định về tiền lương vẫn thuộc về người sử dụng lao động, người lao động vẫn ở thế bị động, phải chịu thiệt thòi về mức lương. Và khi đó Nhà nước khó có thể theo kịp tình hình để điều chỉnh “sàn” lương tối thiểu cho phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, để xác định được “sàn” mức lương tối thiểu thì “sàn” nhu cầu sống tối thiểu vùng là thế nào, cho ai, ở đâu, khi nào? theo tính toán hay theo điều tra trên thị trường lao động, cơ cấu chi tiêu cho mỗi vùng ra sao, phụ thuộc vào yếu tố gì. Trên thực tế, có rất ít người lao động đang được xếp và hưởng mức lương tối thiểu để có thể tính toán hoặc điều tra, khảo sát. Đây là các nội dung ít khi được làm rõ.
Thứ ba, mức lương tối thiểu hiện nay và dự kiến cho các năm tiếp có tương ứng với giá trị sức lao động của người xếp và hưởng mức lương tối thiểu, có bảo đảm quan hệ “làm và ăn”, tích lũy và tiêu dùng theo vùng không?, quan hệ với thu nhập của các tầng lớp dân cư ra sao?.
Thứ tư, có mức lương tối thiểu hợp lý, nhưng không có biện pháp điều chỉnh, quản lý, kiểm soát được việc quy định chế độ tiền lương (thang, bảng, mức lương, phụ cấp, định mức, trả lương) đối với người lao động trong doanh nghiệp như hiện nay thì tình hình tiền lương, tranh chấp lao động, đình công trong các doanh nghiệp khó được cải thiện và không đi vào nề nếp.
3. Một số định hướng giải quyết vấn đề mức lương tối thiểu
Trước năm 1993, mức lương tối thiểu được Nhà nước quy định cứng cho những người làm công, hưởng lương, chủ yếu đối với khu vực nhà nước. Tiền lương khi tại chức và nghỉ hưu gắn kết chặt chẽ với nhau, điều chỉnh tiền lương người tại chức phải đồng thời điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu, còn trợ cấp ưu đãi người có công được tách rời với chế độ tiền lương.
Từ năm 1993, khi thực hiện cải cách cơ bản chính sách tiền lương, tại thời điểm đó, việc can thiệp, điều hành giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ sinh hoạt còn rất hạn chế, thiếu chủ động, cơ chế tự điều chỉnh của cơ chế thị trường chưa có ảnh hưởng nhiều nên buộc Nhà nước phải quy định tạm thời chế độ tiền lương với các mức lương, phụ cấp trong các thang lương, bảng lương, kể cả đối với doanh nghiệp nhà nước, theo hệ số tính so với mức lương tối thiểu.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng cũng gắn với điều chỉnh mức lương tối thiểu, do đó chúng ta rất chú trọng đến mức lương tối thiểu. Đối với doanh nghiệp nhà nước, đến năm 1997 tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh đã có cơ chế tách ra khỏi việc cân đối với tiền lương khu vực chi từ ngân sách, nhưng Nhà nước vẫn giữ việc ban hành mức lương tối thiểu chung, thang, bảng lương của doanh nghiệp nhà nước. Cho đến hiện nay, tiền lương vẫn chưa thật sự tuân thủ theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, để mức lương tối thiểu bảo đảm cơ chế tiền lương theo nền kinh tế thị trường, cần thay đổi việc xác định và quy định mức lương tối thiểu theo hướng sau:
Một là, thay đổi lại vai trò, chức năng của mức lương tối thiểu. Mức lương tối thiểu được công bố là mức tối thiểu quốc gia, phản ánh mức sống, mức độ phát triển toàn diện con người gắn với trình độ phát triển kinh tế-xã hội; làm lưới an toàn chống bóc lột và đói nghèo; làm chuẩn để xác định mức thu nhập chịu thuế cá nhân; là cơ sở để tổ chức công đoàn các cấp thương lượng, thỏa thuận mức lương tối thiểu và hệ thống thang, bảng lương, mức lương vùng, ngành, doanh nghiệp; làm cơ sở để xác định chất lượng việc làm, cơ sở để điều chỉnh tiền lương người nghỉ hưu, các chế độ trợ cấp xã hội và một số chế độ khác.
Phần lớn các nước có Luật Lương tối thiểu cũng là các nước có tổ chức công đoàn mạnh, thành lập theo đúng nghĩa tự nguyện, độc lập, có năng lực thực sự đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thương lượng, thỏa thuận cụ thể tiền lương của từng ngành, nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp; không sử dụng để quy định tiền lương đối với công chức, viên chức.
Hai là, xác định và công bố mức lương tối thiểu quốc gia và ổn định trong một số năm. Ở đây cần phân biệt, nhu cầu sống tối thiểu của dân cư tính cho cá nhân, tính cho mọi người dân từ già đến trẻ, cho người làm việc và không làm việc ở mọi vùng, miền của đất nước, khác với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động về tiêu hao lao động và tính cho cả người lao động và gia đình họ. Vì vậy, không thể xác định nhu cầu, mức sống tối thiểu của dân cư để làm cơ sở cho việc quy định nhu cầu và mức sống tối thiểu của người lao động mà chỉ có thể làm ngược lại, xác định nhu cầu và mức sống tối thiểu của người lao động sau đó tính cho dân cư.
Ba là, tiền lương phải phù hợp với cơ chế thị trường theo từng địa bàn. Muốn vậy, phải gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương và tổ chức công đoàn địa phương với nhiệm vụ quản lý nhà nước, thu hút đầu tư, giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cụm tỉnh phối hợp với tổ chức công đoàn, tổ chức để người sử dụng lao động cùng cấp nghiên cứu, quy định hoặc thông qua Hội đồng tiền lương quốc gia quy định mức lương tối thiểu áp dụng đối với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn quản lý trên cơ sở mức lương tối thiểu quốc gia.
Bốn là, cần thay đổi lại cách xác định tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang; thay đổi chế độ bảo hiểm hưu trí theo phương pháp tài khoản để tách cơ chế tiền lương giữa các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải cách cơ bản chính sách tiền lương cũng như việc xác định, quy định nhu cầu, mức sống, mức lương tối thiểu.