Một số vấn đề về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã


Ngân sách cấp xã là cấp ngân sách cuối cùng trong hệ thống ngân sách nhà nước tại Việt Nam nhưng mang một đặc điểm khác biệt với các cấp ngân sách còn lại, đó là ngân sách cấp xã chỉ có duy nhất 01 đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước là UBND cấp xã. Thông tư số 70/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 03/10/2019 về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã hướng dẫn kế toán theo mô hình kế toán lồng ghép cả kế toán thu - chi ngân sách cấp xã (với vai trò một cấp ngân sách) và kế toán của UBND cấp xã (với vai trò đơn vị kế toán có sử dụng ngân sách nhà nước).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Đặt vấn đề

Để hướng dẫn UBND xã, phường, thị trấn lập báo cáo tài chính (BCTC) nhằm cung cấp thông tin cho lập BCTC nhà nước, ngày 03/10/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 70/2019/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã. Thông tư này áp dụng đối với UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác kế toán ngân sách và tài chính xã.

Với mô hình tài chính đặc biệt, xã, phường, thị trấn là một cấp ngân sách nhưng cấp ngân sách này chỉ có một đơn vị sử dụng ngân sách là UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã). Các hoạt động của cấp ngân sách và đơn vị sử dụng ngân sách đều do UBND cấp xã thực hiện. Khi đóng vai trò là một cấp ngân sách thì UBND cấp xã điều hành các hoạt động thu, chi như các cấp ngân sách khác phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách.

Còn với vai trò là đơn vị kế toán có sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), UBND cấp xã là đơn vị chi tiêu sử dụng ngân sách, phải chấp hành theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định trên cơ sở dự toán được giao và được tự chủ về kinh phí giống như các cơ quan quản lý hành chính nhà nước khác. Ngoài ra, UBND cấp xã còn quản lý các hoạt động tài chính khác của xã như các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tài chính các hoạt động sự nghiệp của xã, các hoạt động tài chính của thôn, bản...

Với đặc điểm hoạt động của UBND cấp xã, cần làm rõ yêu cầu về tổ chức công tác kế toán tại cấp xã với vai trò cấp ngân sách và vai trò đơn vị sử dụng ngân sách phù hợp với các quy định của pháp luật về NSNN, pháp luật về kế toán, có tính đến tính đặc thù về tổ chức ngân sách, về bộ máy, trình độ cán bộ cấp xã, nâng cao trách nhiệm giải trình của UBND cấp xã trong việc sử dụng nguồn lực của nhà nước và cung cấp thông tin cần thiết cho lập BCTC nhà nước.

Công tác kế toán thu, chi ngân sách cấp xã và hoạt động của UBND cấp xã

Theo quy định Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 04/10/2016 của Bộ Tài chính về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn, UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức, thực hiện công tác hạch toán kế toán, quyết toán ngân sách xã theo mục lục NSNN và chế độ kế toán ngân sách xã hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo kế toán và quyết toán theo quy định.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước (KBNN) nơi giao dịch thực hiện công tác kế toán thu, chi quỹ ngân sách xã theo quy định; định kỳ hằng tháng, quý báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách xã, tồn quỹ ngân sách xã gửi UBND xã theo quy định và báo cáo đột xuất khác theo yêu cầu của UBND cấp xã. Các nội dung này ảnh hưởng chi phối đến tổ chức công tác kế toán của UBND cấp xã và dẫn đến việc xây dựng chế độ kế toán cấp xã có các yêu cầu khác biệt so với các đơn vị kế toán có sử dụng NSNN thuộc các cấp ngân sách khác.

Hiện nay, công tác kế toán thu, chi của ngân sách cấp xã đang được thực hiện đồng thời tại cả KBNN và UBND cấp xã. Việc hạch toán các khoản thu, chi NSNN cấp xã tại UBND cấp xã được thực hiện theo quy định chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã ban hành theo Thông tư số 70/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính. Chế độ kế toán này hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện kế toán lồng ghép cả kế toán thu- chi ngân sách cấp xã (với vai trò một cấp ngân sách) và kế toán các hoạt động của UBND cấp xã (với vai trò đơn vị sử dụng ngân sách).

Để có số liệu lập các báo cáo quyết toán ngân sách cấp xã, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã phải hướng dẫn ghi chép các khoản thu, chi ngân sách cấp xã trên cơ sở số thực thu, thực chi. Bên cạnh đó, thực hiện quy định của Luật Kế toán 2015, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã phải đồng thời hướng dẫn ghi chép kế toán để có các thông tin tài chính lập BCTC của UBND cấp xã với vai trò một đơn vị kế toán và cung cấp thông tin số liệu cho lập BCTC nhà nước.

Về mẫu biểu báo cáo, chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã hiện nay không hướng dẫn lập báo cáo quyết toán ngân sách cấp xã mà các xã lập báo cáo quyết toán ngân sách theo quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn. Đối với BCTC chế độ kế toán này, hướng dẫn mẫu biểu và phương pháp lập BCTC rút gọn gồm 4 phần: tình hình tài chính, kết quả hoạt động, lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay số liệu vẫn chưa tách bạch được thông tin của ngân sách cấp xã và thông tin tài chính của UBND cấp xã; Chủ yếu vẫn đang hướng dẫn kế toán và cung cấp thông tin thu, chi của ngân sách cấp xã và đồng thời số liệu này cũng được sử dụng để trình bày trên BCTC của UBND cấp xã, do vậy thông tin trên BCTC của UBND cấp xã chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu về thông tin tài chính của đơn vị kế toán.

Do yêu cầu kế toán thu, chi ngân sách cấp xã trên cơ sở kế toán thực thu, thực chi, đồng thời với yêu cầu cung cấp các thông tin tài chính về tài sản, công nợ, doanh thu, chi phí, thặng dư, thâm hụt... của UBND cấp xã nên về mặt tổ chức, số liệu kế toán không tách được giữa vai trò quản lý, kế toán thu, chi ngân sách của cấp ngân sách và vai trò đơn vị sử dụng NSNN đối với UBND cấp xã. Trên thực tế, một số thông tin tài chính và thông tin ngân sách chưa được kế toán rõ ràng.

Ví dụ như: việc kế toán tài khoản tài khoản 112 “Tiền gửi ngân hàng, kho bạc” của UBND cấp xã, trong đó bao gồm tài khoản 1121 “Tiền ngân sách tại Kho bạc”. Thực chất số liệu phản ánh trên tài khoản này không phải là khoản tiền gửi của UBND xã tại KBNN nơi giao dịch, mà bên Nợ của tài khoản này phản ánh các khoản thu ngân sách cấp xã nhận được; Bên Có phản ánh số đã tạm ứng, thực chi ngân sách cấp xã cho hoạt động của UBND cấp xã. Số dư Nợ của tài khoản 1121 “Tiền ngân sách tại Kho bạc” chính là số tồn quỹ ngân sách cấp xã tại KBNN, không phải tiền gửi của UBND cấp xã tại KBNN nên thực tế KBNN không có tài khoản tiền gửi tương ứng cho cấp xã trong trường hợp này. Ngoài ra, việc sử dụng số liệu tài khoản này để lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ của UBND cấp xã là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có hướng dẫn kế toán trong trường hợp UBND cấp xã được giao tự chủ về tài chính, các hoạt động tài chính khác ngoài ngân sách phát sinh tại xã cần được nghiên cứu để kế toán phù hợp với bản chất của hoạt động quản lý thu, chi hộ của UBND xã.

Công tác kế toán thu, chi ngân sách nhà nước

Theo quy định của Luật NSNN, hiện nay, công tác kế toán thu, chi NSNN của cả 4 cấp ngân sách được thực hiện tại KBNN. Việc hạch toán kế toán các khoản thu, chi NSNN bao gồm cả ngân sách cấp xã đang được thực hiện tại các đơn vị KBNN theo quy định Chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN ban hành theo Thông tư số 77/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Hiện nay, các mẫu biểu báo cáo mà KBNN gửi cho UBND cấp xã được quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính gồm báo cáo về tổng hợp dự toán, các báo cáo tổng hợp số liệu liên quan đến thu ngân sách cấp xã, chi ngân sách cấp xã, các báo cáo về sử dụng kinh phí theo dự toán được giao, các báo cáo nhanh.

Hệ thống báo cáo này đã phản ánh đầy đủ số liệu liên quan đến tình hình thực hiện dự toán được giao, số thu, chi ngân sách cấp xã bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, số tồn quỹ ngân sách cấp xã theo ngày, định kỳ theo tháng và theo năm. Số liệu báo cáo do KBNN cung cấp hiện nay đã đáp ứng được các thông tin mà UBND cấp xã phải lập báo cáo quyết toán ngân sách gửi cho cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật về NSNN.

Thực tế cho thấy, công tác kế toán đối với ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện được giao cho các đơn vị KBNN thực hiện, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, kế toán NSNN và cung cấp số liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan tài chính cùng cấp và các đơn vị có liên quan khác. Đối với thông tin, số liệu của ngân sách cấp xã hoàn toàn có thể thực hiện như đối với các cấp ngân sách này.

Do vậy, cần nghiên cứu tổ chức công tác kế toán tại UBND cấp xã một cách rõ ràng. Theo đó, UBND cấp xã chỉ thực hiện kế toán đối với các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại UBND cấp xã với vai trò đơn vị kế toán, không ghi chép lặp lại các số liệu thu, chi ngân sách cấp xã đã được KBNN cung cấp. Việc KBNN và UBND cấp xã cùng thực hiện công tác kế toán của ngân sách cấp xã không thực sự cần thiết, có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, thông tin trùng lắp, nếu không thực hiện tốt việc đối chiếu số liệu chi tiết thì có thể dẫn đến số liệu báo cáo thu, chi ngân sách của UBND cấp xã và KBNN không khớp đúng với nhau, đặc biệt là khâu tổng hợp số liệu.

Với yêu cầu quản lý NSNN, đặc điểm hoạt động và thực tế năng lực của cán bộ kế toán cấp xã, việc nghiên cứu để sử dụng các số liệu về thu, chi ngân sách cấp xã mà định kỳ KBNN đã cung cấp cho UBND cấp xã, không cần tổ chức công tác kế toán thu, chi ngân sách cấp xã sẽ hiệu quả và kịp thời hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tài khoản đơn giản áp dụng cho UBND cấp xã.

Theo đó, căn cứ chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã hiện nay, có thể xem xét rút gọn các tài khoản quy định cho UBND cấp xã; hướng dẫn phương pháp kế toán một số hoạt động chủ yếu của UBND cấp xã theo hướng cung cấp thông tin để lập BCTC, đồng thời hướng dẫn ghi chép việc nhận và sử dụng dự toán giao tự chủ, không tự chủ và phân phối tiết kiệm chi, trích lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập với vai trò một đơn vị sử dụng ngân sách đối với UBND cấp xã. Trên cơ sở đó, có thể tổ chức bộ máy kế toán cấp xã theo hướng tinh gọn và hiệu quả hơn so với hiện nay.

Trước mắt, cần nghiên cứu sửa đổi quy định tại Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn. Theo đó, không quy định việc tổ chức công tác kế toán thu, chi ngân sách cấp xã tại UBND cấp xã, trên cơ sở đó, bổ sung, sửa đổi các quy định của chế độ kế toán ngân sách và tài chính áp dụng cho UBND cấp xã phù hợp hơn. Ngoài ra, công tác kế toán ngân sách và tài chính cấp xã được thực hiện tại trên 10.000 đơn vị kế toán xã, phường, thị trấn trên cả nước nên rất cần sự thống nhất không chỉ là các quy định về pháp lý mà có thể nghiên cứu để sử dụng một phần mềm thống nhất, có kết nối với phần mềm lập BCTC nhà nước của KBNN nhằm cung cấp thông tin cho lập BCTC nhà nước.

Đội ngũ cán bộ sẽ quyết định chất lượng của công việc, đặc biệt tại cấp xã là cấp ngân sách cuối cùng trong hệ thống tổ chức ngân sách tại Việt Nam. Hiện nay, chất lượng cán bộ kế toán cấp xã còn phần nào hạn chế, tổ chức đơn vị kế toán vẫn có nơi còn lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp, chưa thực sự nắm vững về chuyên môn nghiệp vụ. Việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ kế toán cấp xã cần được quan tâm hơn nữa nhằm quản lý an toàn, hiệu quả tiền và tài sản của nhà nước tại cấp xã.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật NSNN 2015;

2. Quốc hội, Luật Kế toán 2015;

3. Chính phủ, Nghị định số 25/2017/NĐ-CP ngày 14/3/2017 của Chính phủ về BCTC nhà nước;

4. Bộ Tài chính, Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn;

5. Bộ Tài chính, Thông tư số 70/2019/TT-BTC ngày 03/10/2019 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã;

6. Bộ Tài chính, Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28/7/2017 của Bộ Tài chính về chế độ kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN.

*ThS. Trần Thị Thu Hương, Cục Quản lý Giám sát Kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.