Một số vấn đề về phát triển dịch vụ kế toán tại Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 04/2020

Hội nhập quốc tế về kế toán là một yêu cầu tất yếu của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Trước những yêu cầu của xu thế toàn cầu hóa, hoạt động dịch vụ kế toán Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán tại Việt Nam nhằm tìm ra các giải pháp để hoàn thiện thị trường là một vấn đề cần thiết hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng phát triển thị trường dịch vụ kế toán tại Việt Nam

Ở Việt Nam, dịch vụ kế toán được luật pháp thừa nhận từ năm 2003 và đăng ký hoạt động hợp pháp dưới sự quản lý và hỗ trợ của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam từ năm 2007. Luật Kế toán năm 2015 ra đời tiếp tục khẳng định và đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển dịch vụ kế toán và hành nghề kế toán.

Từ khi hình thành và phát triển cho đến nay, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng. Môi trường pháp lý được hình thành tương đối đầy đủ, rõ ràng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thông lệ, nguyên tắc và chuẩn mực quốc tế. Hành lang pháp lý về kế toán, kiểm toán của Việt Nam được đổi mới căn bản, từng bước, thừa nhận, áp dụng các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán quốc tế, từ đó, giúp cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ kế toán và người làm kế toán hoạt động, phát triển và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ kế toán trong nước và quốc tế. Luật Kế toán năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2017) quy định:

- Người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có 3 tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật; Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính; Đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên qua kỳ thi do Bộ Tài chính tổ chức và cấp chứng chỉ.

- Người có Chứng chỉ kế toán viên hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua DN kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải đáp ứng 3 điều kiện sau: Có năng lực hành vi dân sự; có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán và kiểm toán là 36 tháng và tham gia chương trình cập nhật kiến thức theo quy định; quy định những người không được hành nghề dịch vụ kế toán.

- DN kinh doanh dịch vụ kế toán: Công ty TNHH hai thành viên trở lên; Công ty hợp danh và DN tư nhân phải đủ điều kiện về chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; quy định DN nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

- Điều kiện cấp Giấy chứng nhận: Công ty TNHH hai thành viên trở lên được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 4 điều kiện; Công ty hợp danh được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 3 điều kiện; DN tư nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 3 điều kiện và chi nhánh DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ 4 điều kiện.

- Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán: Hộ kinh doanh được phép kinh doanh dịch vụ kế toán khi đáp ứng được 2 điều kiện: Có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và cá nhân, đại diện nhóm cá nhân thành lập hộ kinh doanh phải là kế toán viên. Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

- Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính: Quy định những thay đổi DN kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày.

- Trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, DN kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, trong đó có quy định mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

- Trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán: Có 6 trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán…

Một số vấn đề về phát triển dịch vụ kế toán tại Việt Nam - Ảnh 1

Trước Luật Kế toán 2015, nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế mới, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược Kế toán - Kiểm toán Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030”... Đây là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành hệ thống các DN kế toán, kiểm toán. Từ 18 DN, với hơn 30 kế toán viên chuyên nghiệp năm 2008, đến nay thị trường đã có sự tham gia của hơn 160 DN và hơn 260 kế toán viên chuyên nghiệp. Các DN dịch vụ kế toán và kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các DN về pháp luật, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của Nhà nước, cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập báo cáo tài chính.

Chất lượng dịch vụ kế toán cũng không ngừng được nâng cao, ý thức và trách nhiệm nghề nghiệp của kế toán viên ngày càng được tăng cường. Nhiều kế toán viên chuyên nghiệp đã trưởng thành và có thể thực hiện nhiều loại dịch vụ, cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Đánh giá của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế cũng cho thấy, những năm gần đây, nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của Việt Nam ngày càng được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, các DN Việt Nam có cơ hội được tiếp nhận nhiều hơn các nguồn vốn đầu tư từ các công ty, tập đoàn danh tiếng trên thế giới.

Mặc dù, đã có những bước tiến mạnh mẽ, song quy mô thị trường dịch vụ kế toán của Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Số lượng các công ty cung cấp dịch vụ kế toán tăng nhanh song chỉ một số công ty có khả năng về quy mô, phạm vi và chất lượng hoạt động. Các công ty cung cấp dịch vụ kế toán đang tập trung hoạt động ở một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tại các địa phương khác tuy có chi nhánh nhưng phân bổ không đều.

Một số giải pháp phát triển thị trường dịch vụ kế toán tại Việt Nam

Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu phát triển thị trường dịch vụ kế toán như sau:

(i) Tạo lập một hệ thống kế toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam và phát triển nghề nghiệp kế toán khu vực và thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước.

(ii) Xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.

(iii) Nâng cao vai trò và năng lực quản lý nhà nước về kế toán, đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán cũng như hoạt động hành nghề; đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán.

(iv) Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng.

Để có thể phát triển dịch vụ kế toán theo định hướng trên và khắc phục những hạn chế của dịch vụ kế toán trong thị trường Việt Nam, thời gian tới cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, cụ thể là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam trên cơ sở vận dụng chuẩn mực quốc tế, phù hợp với trình độ quản lý ở Việt Nam và xu hướng mở cửa, hội nhập.

Thứ hai, tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ kế toán, cụ thể:

- Khuyến khích các công ty kế toán mở rộng quy mô: đặt mức phấn đấu đối với các DN, tổ chức dịch vụ kế toán phải có ít nhất 30 lao động trở lên để đảm bảo có đủ lực lượng cung cấp dịch vụ kế toán có chất lượng.

- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kế toán: Phát triển thêm các loại hình dịch vụ kế toán khác như dịch vụ kế toán quản trị, dịch vụ kế toán nội bộ…

- Nâng cao khả năng, trình độ của nhân viên chuyên nghiệp, mở rộng diện được hành nghề cho cả cá nhân, chấn chỉnh các chức danh nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán đổi mới chương trình đạo tạo kế toán viên.

Thứ ba, các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán cần tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về phát triển hệ thống kế toán ở Việt Nam. Đây là điều kiện cần để hệ thống kế toán phát triển theo đúng định hướng, trở thành công cụ không thể thiếu trong hoạt động kiểm tra, giám sát tài chính hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và vững bền. Cùng với đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán cũng cần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ kế toán; phát triển các loại hình dịch vụ kế toán, dịch vụ tài chính, dịch vụ thuế và kinh doanh, dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng kế toán, kiểm toán; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kế toán bằng các quy định, quy trình nghiệp vụ đối với người hành nghề và hoàn thiện các quy trình kiểm soát chất lượng.

Thứ tư, nâng cao nhận thức của các DN, tổ chức cá nhân bằng cách tổ chức những buổi hội thảo bàn về lợi ích và tầm quan trọng của dịch vụ kế toán, cũng như nhận thức về kiểm soát chất lượng dịch vụ. Các công ty dịch vụ kế toán cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin; có những chế độ ưu đãi đối với khách hàng thân thiết, khách hàng mới, khách hàng chưa có đủ khả năng tài chính.

Thứ năm, về phía các tổ chức quản lý thị trường: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, không ngừng phát triển các thị trường dịch vụ kế toán lành mạnh, bền vững; Phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp. Đồng thời, cần đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo phương tiện thông tin và truyền thông phục vụ các hoạt động kế toán, chỉ đạo điều hành và quản lý nội bộ hoạt động một cách ổn định, an toàn, bảo mật và hiệu quả trên môi trường mạng.

Thứ sáu, tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ kế toán, cụ thể:

- Tăng cường hơn nữa cả về quy mô và lực lượng kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán thông qua hệ thống thanh tra, kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập. Tiếp thu đề xuất, kiến nghị của các đơn vị kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo các văn bản pháp luật kế toán ban hành có tính khả thi và đi vào thực tiễn cơ sở. Mặt khác, thông qua các tổ chức nghề nghiệp tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng hành nghề kế toán, người không đủ năng lực hành nghề phải được thu hồi đăng ký kinh doanh và thu hồi chứng chỉ hành nghề, có như vậy mới đảm bảo chất lượng hoạt động kế toán trên thị trường dịch vụ kế toán.

- Nâng cao vai trò của Hội đồng quốc gia về kế toán và mối quan hệ của Hội đồng với cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường hoạt động thực tiễn của tổ chức nghề nghiệp.           

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán;

2. Chính phủ (2016), Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật Kế toán;

3. Chính phủ (2013), Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;                                          

4. Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

5. Nguyễn Đăng Huy (2017), Nâng cao vị thế, chất lượng hoạt động kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Tài chính số 6/2017.