3 nhóm mục tiêu trọng điểm trong nâng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp trong bối cảnh mới
Ba nhóm mục tiêu trọng điểm trong Chương trình nâng cao năng suất chất lượng quốc gia giai đoạn 2020-2030 sẽ tập trung hướng vào: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng; Tăng cường hạ tầng chất lượng quốc gia; Tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở định hướng này, các chuyên gia kỳ vọng, Chương trình này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng
Để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất chất lượng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, theo Ban Điều hành Chương trình nâng cao năng suất chất lượng quốc gia, mục tiêu hỗ trợ DN của Chương trình giai đoạn này chủ yếu hướng vào DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ưu tiên các DN vừa và nhỏ.
Các hệ thống, công cụ được lựa chọn là các hệ thống, công cụ đã áp dụng thí điểm ở giai đoạn I và được xác định là tương đối phù hợp với DN Việt Nam, các hệ thống, tiêu chuẩn bắt buộc theo yêu cầu của nước xuất khẩu và đặc biệt là các công cụ hỗ trợ tiếp cận đến sản xuất thông minh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự kiến, trong giai đoạn 2020 - 2030, số DN sản xuất sản phẩm, hàng hóa được hỗ trợ là khoảng 1.000 DN và con số này sẽ tăng khoảng từ 10%-15% qua từng năm. Phấn đấu trong cả giai đoạn này xây dựng được ít nhất 100 DN trở thành các mô hình điển hình để có tác động lan tỏa, nhân rộng cho cộng đồng DN Việt Nam học tập kinh nghiệm.
Cùng với các mục tiêu trên, Chương trình nâng cao năng suất chất lượng quốc gia giai đoạn mới tiếp tục hỗ trợ các DN áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng canh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Tạo nguồn nhân lực hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Phấn đấu đào tạo được ít nhất 200 chuyên gia năng suất, chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn và khoảng 5.000 cán bộ quản lý năng suất chất lượng của DN được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về năng suất chất lượng. Đây là nguồn lực tại chỗ đảm bảo thực hiện và duy trì các dự án cải tiến năng suất chất lượng tại DN.
Phấn đấu tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế đạt khoảng 70% vào năm 2030
Bên cạnh việc hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng, để tăng cường hạ tầng chất lượng quốc gia, Chương trình tập trung vào các mục tiêu về “Phát triển hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt khoảng 70% vào năm 2030”. Trước đó, tỷ lệ hài hòa của hệ thống TCVN với TCQT/KV sau khi kết thúc Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2010-2020 là 54%, tăng gần 20% sau 10 năm thực hiện Chương trình.
Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn mới là số DN được phổ biến, đào tạo, hướng dẫn áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng hàng năm tăng từ 10%- 15%. Có ít nhất 100 DN trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng.
Cùng với đó, phát triển hệ thống chứng nhận, hệ thống phòng thử nghiệm chất lượng được công nhận, thừa nhận ở cấp độ quốc tế, khu vực, đáp ứng nhu cầu chứng nhận sản phẩm, hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, nhu cầu thử nghiệm chất lượng sản phẩm của DN, trong đó ưu tiên đối với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ lực. Thực hiện mục tiêu này nhằm tạo thuận lợi cho DN sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp của Việt Nam thay vì sử dụng dịch vụ đánh giá sự phù hợp của các tổ chức nước ngoài, tốn kém thời gian, kinh phí của DN.
Năng suất chất lượng góp phần tăng trưởng kinh tế
Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019, Chỉ số xếp hạng của Việt Nam đã tăng 3 bậc lên vị trí 42/129 quốc gia/nền kinh tế (năm 2018 là 45/126).
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, đóng góp của Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016 - 2018 đạt 43,29% (vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW “TFP đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng từ 30% - 35%”).
Đến năm 2025, dự kiến đóng góp TFP vào tăng trưởng kinh tế khoảng 40%, TFP đang có xu hướng đóng góp ý nghĩa vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động khoa học và công nghệ, các chương hỗ trợ DN, hỗ trợ phát triển đào tạo và các xu hướng ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực đã được thúc đẩy một cách tích cực trong những năm gần đây.
Đến năm 2030, xu hướng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế có thể tiếp tục tăng lên do kết quả của các nỗ lực tích cực nói trên. Dự kiến TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng 45 - 50%.
Bên cạnh việc hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng, để tăng cường hạ tầng chất lượng quốc gia, Chương trình tập trung vào các mục tiêu về “Phát triển hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) với tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt khoảng 70% vào năm 2030”. Trước đó, tỷ lệ hài hòa của hệ thống TCVN với TCQT/KV sau khi kết thúc Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2010-2020 là 54%, tăng gần 20% sau 10 năm thực hiện Chương trình.