Mùa đại hội: Mấu chốt vẫn là tăng vốn

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nhiều nhà băng bắt buộc phải hoàn thành những quy định trong hoạt động ngân hàng trong năm nay nếu không muốn bị Ngân hàng Nhà nước "tuýt còi". Chính vì thế, trước thềm đại hội cổ đông sắp tới, các nhà băng đang ráo riết cho những kế hoạch trọng tâm của mình.

Nội dung mấu chốt sẽ được lấy ý kiến cổ đông là tăng vốn và lên sàn. Nguồn: Internet
Nội dung mấu chốt sẽ được lấy ý kiến cổ đông là tăng vốn và lên sàn. Nguồn: Internet

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, tăng trưởng và lợi nhuận, theo các chuyên gia trong ngành, một số nội dung mấu chốt sẽ được lấy ý kiến cổ đông là tăng vốn và lên sàn để không còn lỡ hẹn như năm 2018.

Cấp bách tăng vốn

Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị cho mùa Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) diễn ra từ khoảng tháng 3 đến hết tháng 4. Hiện chưa có ngân hàng nào công bố tài liệu cho cuộc họp sắp tới, nhưng một số nội dung cũng đã được hé lộ.

Nổi bật cho kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ được các ngân hàng trình ĐHCĐ là sự tự tin, lạc quan vào kết quả kinh doanh.

Một số ngân hàng cho biết đã hoàn thành bộ chỉ tiêu kế hoạch dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2018. Chẳng hạn, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2019 là khoảng 12%, tức lợi nhuận sẽ đạt trên 20.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, dự kiến tăng trưởng tổng tài sản của Vietcombank đạt 12%, tăng trưởng tín dụng 15%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13% và duy trì nợ xấu dưới 1%.

Trong khi đó, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 5.077 tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm 2018; tổng tài sản tăng lên 328.588 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 303.043 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 210.839 tỷ đồng.

VietinBank cũng không đứng ngoài tham vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên 41% so với năm 2018 lên mức 9.500 tỷ đồng, dù tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ 6-8%.

Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, mục tiêu trên không phải là yếu tố sống còn, mà nỗi lo lớn nhất trong năm 2019 là liệu có thể tăng vốn kịp "giờ G". Chính vì vậy, cổ đông của nhiều ngân hàng sẽ quan tâm đến nội dung này và xem xét kế hoạch sẽ được đưa ra tại cuộc họp ĐHCĐ sắp tới.

Chẳng hạn LienVietPostBank muốn tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng trong năm 2018 nhưng chưa thể thực hiện, nên nội dung này sẽ tiếp tục có trong cuộc họp năm nay. Hay với Vietcombank, một tờ trình đáng chú ý trong năm nay là phương án tăng vốn điều lệ.

Trước khi kết thúc năm 2018, ngân hàng này đã tăng vốn lên 37.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu cho đối tác Mizuho và quỹ GIC của Singapore, nhưng số cổ phiếu này chỉ bằng 31% tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán ban đầu.

Tương tự, VietinBank cũng muốn đạt được mục tiêu kinh doanh trong năm 2019 với yếu tố then chốt là tăng vốn tự có. Thực tế, nhiều năm qua, ngân hàng này đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng vốn tự có nhưng đều đã tới hạn mà vẫn chưa hoàn thành.

Rục rịch lên sàn

Bên cạnh đó, giới chuyên gia đánh giá mục tiêu lên sàn cũng tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 của nhiều ngân hàng.

Thời điểm giữa tháng 2, MSB đã phát đi thông báo dự kiến sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2019.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác như NamABank, OCB cũng có kế hoạch sẽ niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong năm nay.

Đại diện NamABank cho hay, về cơ bản ngân hàng cũng đáp ứng được Thông tư 41 và 13 của Ngân hàng Nhà nước về quản trị rủi ro (Basel 2) và đang làm đề án xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho áp dụng Basel sớm. Do đó, năm 2019 có nền tảng rất thuận lợi để ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

Hiện nay, LienVietPostBank đã có kế hoạch dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2019 vào cuối tháng 3. Trong tài liệu chuẩn bị cho đại hội sắp tới, LienVietPostBank thông báo sẽ chuyển niêm yết sang HoSE trong năm nay cùng với kế hoạch tăng vốn và bứt phá trong hoạt động sau năm 2018 kinh doanh thuận lợi.

Đánh giá về kế hoạch niêm yết lên sàn của các ngân hàng, giới chuyên gia chứng khoán nhìn nhận, lợi ích của việc đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán là điều mà lãnh đạo các ngân hàng đều rõ nhưng đâu là thời điểm thích hợp để lên sàn lại là câu hỏi không dễ trả lời.

Chính vì vậy mà trong năm 2018 có 9 ngân hàng lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhưng hết năm chỉ có 3 ngân hàng thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.

Giới chuyên gia cho rằng cổ phiếu ngành ngân hàng không chỉ phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mà còn phụ thuộc vào việc xử lý nợ xấu, báo cáo tài chính… mà không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng đạt được những điều kiện đó.

Vì vậy, một số ý kiến cho rằng trong năm nay, khó khăn sẽ nhiều hơn đối với các ngân hàng dự tính đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán và không loại trừ có ngân hàng sẽ tiếp tục lỡ hẹn.

Ngoài những kế hoạch trên, một số ngân hàng cũng lên kế hoạch bầu ra nhân sự chủ chốt trong HĐQT và chia cổ tức cũng là nội dung được nhiều cổ đông quan tâm tại ĐHCĐ.