Mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong tăng trưởng xanh của Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế được coi là nền tảng để xóa đói giảm nghèo và phát triển con người. Vấn đề đáng quan tâm là tính bền vững của quá trình tăng trưởng này. Một số mô hình tăng trưởng hiện nay đang làm cạn kiệt và hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng. Do đó, mô hình tăng trưởng xanh gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường bền vững, xóa đói giảm nghèo và hòa nhập xã hội rất được quan tâm. Thông qua các mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bài viết trao đổi một số nhiệm vụ chiến lược cho tăng trưởng xanh cho giai đoạn tới.
Xây dựng Chiến lược tăng trưởng xanh trong tái cơ cấu nền kinh tế
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng môi trường đang xuống cấp; Tài nguyên khoáng sản bị khai thác cạn kiệt và sử dụng kém hiệu quả; Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày càng tăng...
Tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao nhưng thiếu bền vững; tăng trưởng dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư, dựa vào khai thác tài nguyên ở cường độ cao; công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới nên đã tiêu hao nhiều năng lượng, nước, nguyên vật liệu, dẫn đến tình trạng suy kiệt nguồn nước…
Nhận thức được điều này, trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu chiến lược để thúc đẩy một nền kinh tế xanh và bền vững hơn, trong đó nổi bật nhất là Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 thông qua Quyết định số 1393/QĐ-TTg ban hành ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông qua Chiến lược này, Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh...
Chiến lược tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ xanh, hiện đại phù hợp, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng khẳng định rõ quan điểm khi xây dựng chiến lược xanh ở Việt Nam. Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người dân.
Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học và công nghệ xanh, hiện đại phù hợp, nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế. Tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mọi người dân.
3 nhiệm vụ của Chiến lược tăng trưởng xanh
Trong bối cảnh Việt Nam đang tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng xanh trong thời gian tới cần tập trung vào 3 nhiệm vụ chiến lược sau:
Thứ nhất, “xanh hóa” sản xuất.
Theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường là 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP.
Để đạt được mục tiêu này, việc xanh hóa sản xuất thông qua quy hoạch, tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản.
Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất, nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến quy trình sản xuất sạch hơn.
Bên cạnh đó, thực hiện một chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong giai đoạn 2011-2020, cần giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1-1,5% mỗi năm.
Để đạt được mục tiêu này, cần cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại; Thay đổi cơ cấu sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải; Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch này trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Bên cạnh đó, cần giảm phát khí thải nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất công nghiệp…
Thứ ba, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Theo mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đến năm 2020, tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định 60%; Với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề là 40%, cải thiện môi trường khu vực bị ô nhiễm nặng 100%; Tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%...
Để đạt được mục tiêu này, cần đô thị hóa bền vững để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng sống cho người dân, quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt được các tiêu chí về hiệu quả sinh thái và đảm bảo xã hội để đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và cạnh tranh, tăng cơ hội việc làm, giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống, tăng an ninh năng lượng, cải thiện môi trường, tránh được các chi phí và rủi ro trong tương lai.
Xây dựng nông thôn mới cần theo hướng hòa hợp với môi trường, thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và trong những năm tiếp theo, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội nhằm đảm bảo phát triển nông thôn bền vững...
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 về phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;
2. Thủ tướng Chính phủ (2012), Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 về phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
3. ThS. Võ Văn Lợi (2016), Tăng trưởng xanh ở các nước và Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận Chính trị số 2/2016.