Mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014: Khó đạt!
(Tài chính) Theo GS. Ngô Thắng Lợi, tốc độ tăng trưởng mà Quốc hội đề ra cho năm 2014 là 5,8% khó hoàn thành, khả năng chỉ đạt được từ 5,5%-5,6%.
Đó là nhận định của vị chuyên gia kinh tế đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại buổi tọa đàm “Kinh tế Việt Nam quý I/2014 và triển vọng ổn định kinh tế vĩ mô” do Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 16/4.
Theo nghiên cứu của GS. Ngô Thắng Lợi, tốc độ tăng trưởng quý I/2014 có nhanh hơn so với quý trước, cấu trúc của tăng trưởng kinh tế tương đối phù hợp hơn so với quý I của cùng kỳ năm trước, trong đó, các ngành có giá trị gia tăng cao đang có xu hướng khá tích cực.
Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2014 tăng 16,9% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng cao hơn 2 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và công nghiệp, xây dựng. Tốc độ tăng trưởng giá tị gia tăng của khu vực dịch vụ trong quý I/2014 đạt 5,95%; hầu hết các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, GS. Lợi cũng đánh giá, tốc độ tăng trưởng trong quý I đạt 4,96% tuy cao hơn so với cùng kỳ các năm trước (cùng kỳ năm 2013 là 4,76%; cùng kỳ 2012 là 4,75%), nhưng chưa bằng mức thấp nhất của thời kỳ 2001-2010 (năm 2010 đạt 5,97%).
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng còn khá chậm, so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2014 là 5,8%.
GS. Ngô Thắng Lợi nhận định, nếu với tiến độ tăng trưởng GDP các quý sau như quý I thì khả năng đạt được 5,8% cho cả năm e rằng sẽ khó khăn.
Thậm chí, nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, như: Lào, Campuchia, Philippin, Indonesia (trừ Thái Lan do khủng hoảng chính trị) thì các nước này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn Việt Nam.
Một điều đáng lo ngại, dù không mới mẻ đối với kinh tế Việt Nam, theo GS. Ngô Thắng Lợi, tăng trưởng còn dựa nhiều vào gia công, ví dụ tăng trưởng đạt mức cao ở các ngành dệt may, gia công, các ngành lắp ráp ô tô, điện tử... Bên cạnh đó, tốc độ nhập khẩu hàng hóa trung gian có những lĩnh vực tăng tới 26,7%. Thậm chí, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng chủ yếu nhờ vào gia công.
Như vậy mô hình tăng trưởng vẫn là tăng trưởng theo chiều rộng, chưa có chiều sâu và chưa dựa vào năng suất, công nghệ.
Bên cạnh đó, cấu trúc tăng trưởng đầu ra là không hợp lý, đầu ra chủ yếu là do tiêu dùng (chiếm 81,7%), trong khi đó, chỉ có 10% tăng trưởng đầu ra là do đầu tư.
Nguyên nhân của những tồn tại trên là do khu vực sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng; bên cạnh đó, các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể vẫn còn cao (quý I có khoảng 16,75 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước).
Một nguyên nhân nữa cũng là do cầu tiêu dùng nội địa bị suy giảm. Trong khi đó, đầu tư đang “bị chìm và chưa kích hoạt lên được”. Theo số liệu thống kê, tổng vốn đầu tư xã hội quý I bằng 28,4% GDP
Với số vốn như vậy, GS. Lợi nhận định, là ko đạt so với yêu cầu, “bởi một nước đang phát triển như Việt Nam thì phải là 30%-35% GDP”.
Từ đó, ông cũng đưa ra nhận định, tuy đã thoát đáy từ quý III năm 2013 tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự được khôi phục. Mô hình tăng trưởng nếu nói vào hiệu ứng của tái cấu trúc kinh tế là chưa cao. Và việc đạt được tốc độ tăng trưởng mà Quối hội đề ra cho tăng trưởng năm 2014 là 5,8% khá khó khăn và theo ông, khả năng chỉ đạt được 5,5%-5,6%.
GS. Ngô Thắng Lợi cũng đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như tăng trưởng nhanh nhưng phải tập trung vào các ngành công nghiệp, nông nghiệp. Đặc biệt, trong quý II/2014 phải kích tổng cầu, nâng cao năng lực đầu tư của nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư tư nhân.