Muốn kinh doanh giỏi phải am tường pháp luật
Điều này với phần đông giới doanh nghiệp kinh doanh sản xuất của các nước kinh tế phát triển trên thế giới là điều không cần phải bàn tới nữa, bởi thực tế đã và đang cho thấy nền kinh tế muốn phát triển mạnh, các doanh nghiệp muốn kinh doanh thành công thì sự am tường pháp luật là vô cùng cần thiết.
Thế nên những chủ doanh nghiệp, các cấp bậc chủ chốt phụ trách mỗi lĩnh vực thiết yếu của doanh nghiệp đều phải có sự am hiểu nhất định về pháp luật, đồng thời phải có một bộ phận, phòng ban chuyên về pháp chế, hoặc ký hợp đồng thuê văn phòng luật sư theo dõi, tư vấn về pháp luật cho hoạt động đầu tư, thương mại, các hợp đồng trước khi ký kết cũng như thực hiện sau khi đã cân nhắc, xem xét kỹ càng và quyết định ký kết.
Ở Việt Nam, nhiều năm trong cơ chế bao cấp, sản xuất kiểu hợp tác xã và doanh nghiệp nhà nước, hàng hóa làm ra cung không đủ cầu, phân phối hàng kiểu thứ bán, thứ bày không bán ở cửa hàng mậu dịch, mà đem về cho công đoàn các cơ quan phân chia. Bởi thế mà các cơ sở sản xuất kinh doanh chẳng cần hiểu biết gì nhiều về pháp lý kinh doanh, kiến thức về kinh doanh hầu như chưa có. Vào cái thời buổi ở nước ta chưa có sự cạnh tranh thực sự trong kinh doanh, mới chỉ là hàng thịt nguýt hàng cá, hàng hóa xuất nhập khẩu rất hiếm, lại chủ yếu là trao đổi hàng hóa với các nước xã hội chủ nghĩa, thì chẳng mấy khi cần nhờ đến pháp luật hay thuê luật sư. Hơn nữa, luật sư chuyên trách lĩnh vực bán mua, thương mại cả miền Bắc nhiều năm của thời kỳ ấy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tâm lý, thói quen không cần, hoặc xem nhẹ sự am hiểu pháp luật kinh doanh đó đã kéo dài ảnh hưởng sang nhiều năm sau, khi kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường, việc kinh doanh phát triển, phong phú hơn, song cũng đa dạng, phức tạp hơn. Để quản lý, điều chỉnh, Nhà nước ban hành nhiều đạo luật quy định trực tiếp về kinh doanh sản xuất, hoặc các luật có những điều khoản liên quan liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Song, do không tìm hiểu kỹ các luật đó, không tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, không ít doanh nghiệp đã sai phạm pháp luật, khiến bị cơ quan quản lý xử phạt, thành kinh doanh thua lỗ, thậm chí rơi vào vòng lao lý. Sự tai hại, thua thiệt càng lớn hơn với nhiều doanh nghiệp bắt đầu bước sang lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa do luật kinh doanh trong nước họ chưa am tường, càng mù mờ với luật thương mại những nước họ giao thương.
Mối nguy hại của việc không am tường pháp luật, càng đe dọa, thách thức, bắt phải đối mặt với nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất, nhập khẩu khi nước ta mở rộng hội nhập, đẩy mạnh giao thương, các hiệp định thương mại đa phương, song phương nước ta ký nhiều, ký tiếp với các nước, đi kèm là những điều khoản về pháp luật phức tạp cần phải làm theo. Chính là từ sự đòi hỏi mới, rút bài học kinh nghiệm của thua lỗ, thất bại trong sản xuất kinh doanh trong nước cũng như xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước mà ngày càng đòi hỏi về hiểu biết pháp luật với các doanh nhân và doanh nghiệp. Đây là điều tự thân các doanh nghiệp phải lo, đồng thời nhà nước cần hỗ trợ.
Thực tế thì nhà nước ta cũng đã có sự quan tâm, chú ý từ lâu đến việc này, đã có hẳn một chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp, gọi tắt là chương trình 585, được triển khai từ năm 2010. Hơn nữa, ngày 28/11/2014 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định gia hạn tiếp tục thực hiện và điều chỉnh các dự án của chương trình 585 để thực hiện tiếp giai đoạn 2015 - 2020. Đây được xem là chương trình tạo chuyển biến và nhận thức pháp lý, thói quen tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật, phòng chống rủi ro pháp lý, tăng cường năng lực cạnh tranh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong năm 2018 vừa qua, chương trình 585 đã giao cho các sở, ban ngành, doanh nghiệp tổ chức thành công 41 hội thảo, tọa đàm, diễn đàn tại 26 địa phương trên cả nước, thu hút hàng nghìn đại biểu tham dự, tổ chức 19 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, 13 lớp kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, 15 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý.
Theo đánh giá từ Bộ Tư pháp, về cơ bản chương trình đã bám sát các mục tiêu, có sự phối hợp liên ngành triển khai thực hiện, nên đã đạt kết quả bước đầu, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức pháp lý cho các doanh nhân, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc do thiếu hiểu biết pháp luật, giúp doanh nghiệp phòng chống rủi ro pháp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vị thế trên thị trường trong nước cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 nhiều lúc còn đi theo hướng cung cấp thông tin mình có, mà không cung cấp đủ được thông tin các doanh nghiệp cần, hoạt động còn mang tính một chiều mà chưa sát với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Lại chủ yếu triển khai ở các tỉnh và thành phố lớn, chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ pháp lý tại các tỉnh nhỏ, nhất là vùng sâu, vùng xa, hoạt động phổ biến pháp luật kinh doanh trên các kênh thông tin tập huấn đôi khi trùng lặp nội dung.
Để chỉnh sửa, các cơ quan chức năng đặt ra vấn đề là giai đoạn 2019 - 2020 sẽ tập trung phát huy hơn nữa vai trò của các bộ ngành, giúp các doanh nghiệp hiểu biết nhiều hơn về pháp luật trong nước cũng như pháp luật các nước mà mình có quan hệ đầu tư thương mại khi thâm nhập sâu hơn thị trường quốc tế với những sự khó hiểu giống như ma trận của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Lâu nay các doanh nghiệp vẫn cho rằng sợ hỗ trợ từ phía nhà nước còn mang tính chung chung, do đó cần mở rộng sự hỗ trợ pháp lý qua cả các kênh tư nhân, cả hỗ trợ gián tiếp, không làm thay tổ chức hành kề luật sư. Phải sử dụng tốt kênh thông tin trên tinh thần đổi mới thiết thực kịp thời và bền vững, phải có sản phẩm cụ thể, có giá trị sử dụng lâu dài để chuyển giao cho giai đoạn sau. Các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo ý kiến nhiều luật sư, việc giải đáp thắc mắc về các vụ việc cụ thể luôn là điều các doanh nghiệp cần và có tác dụng thực tế. Các doanh nghiệp cần không chỉ là tuyên truyền đào tạo phổ biến pháp luật, mà còn cần được tư vấn theo từng vụ việc cụ thể để giải quyết những vướng mắc thực tế. Cũng cần tạo thói quen nề nếp sử dụng hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, các cơ quan hỗ trợ pháp lý nên quan tâm nhiều hơn tới các doanh nghiệp khởi nghiệp và các địa bàn có điều kiện kinh doanh khó khăn. Cái khó nhất đối với nhiều doanh nghiệp không chỉ là biết đến văn bản pháp luật hay quy định trong các văn bản đó, mà còn là cần tìm hiểu rõ được những chồng chéo mâu thuẫn giữa nhiều văn bản pháp luật, nên rất cần đến sự giải đáp của các cơ quan quản lý nhà nước.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng lập phòng pháp chế, thuê riêng luật sư là rất khó về mặt tài chính, nên các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Tư pháp cần giúp họ về kiến thức pháp luật bằng các hình thức phù hợp, như mở các lớp ngắn hạn, hội thảo, diễn đàn vừa hướng dẫn pháp lý vừa thu thập thêm ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh. Cũng nên nghiên cứu một đường dây nóng kết nối bộ ngành, cơ quan để doanh nghiệp phản ánh vướng mắc về pháp luật nhờ giải quyết, nhất là khi văn bản pháp luật trong nước và những nước ta ký hiệp định thương mại song phương hay có sự thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp không kịp cập nhật.