TS. Hoàng Ngọc Thuận - Chuyên gia luật thương mại quốc tế:

Muốn thắng phải “bắt tay nhau”

Lược trích ý kiến của TS. Hoàng Ngọc Thuận - Chuyên gia luật thương mại quốc tế trong bài "Ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại: Muốn thắng phải “bắt tay nhau” - Đan Thanh/daibieunhandan.vn

TS. Hoàng Ngọc Thuận - Chuyên gia luật thương mại quốc tế.
TS. Hoàng Ngọc Thuận - Chuyên gia luật thương mại quốc tế.

Để đối phó với những vụ kiện phòng vệ thương mại trong tương lai, quan trọng nhất vẫn là phải chuẩn bị nguồn lực, lần lượt từ tài chính, nhân lực và thời gian.

Cụ thể, về tài chính, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp ở nước ta là vấn đề không đơn giản. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn rất cần có quỹ dự phòng rủi ro, bao gồm chuẩn bị cho các vụ việc phòng vệ thương mại. Khi có vụ kiện xảy ra, doanh nghiệp có sẵn nguồn tiền để thuê luật sư hoặc trả chi phí tư vấn nước ngoài, theo đuổi vụ kiện… Đặc biệt, nếu một doanh nghiệp không thể lo được, các doanh nghiệp trong cùng ngành xuất khẩu đó phải liên kết với nhau thay vì coi nhau là đối thủ cạnh tranh, nếu không sẽ mất luôn thị trường đó. 

Về nhân sự, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không có luật sư riêng về thương mại quốc tế. Khi vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra buộc doanh nghiệp phải có luật sư hoặc tư vấn riêng. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị riêng cho vấn đề này, đặc biệt là cán bộ phòng xuất nhập khẩu và kế toán cần cập nhật kiến thức chung về phòng vệ thương mại, cũng như các rào cản khác trong thương mại quốc tế.

Về thời gian, thông thường, vụ việc phòng vệ thương mại diễn ra trong vòng 12 tháng với lượng hồ sơ, giấy tờ yêu cầu vô cùng lớn. Doanh nghiệp thường chỉ có 30 - 45 ngày để trả lời bản câu hỏi điều tra của cơ quan điều tra nước nhập khẩu. Do vậy, nếu không duy trì sẵn hệ thống sổ sách, kế toán minh bạch theo chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp sẽ không kịp hoàn thiện đúng thời hạn.

Sự chủ động của doanh nghiệp là then chốt, song vẫn rất cần hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp là Bộ Công thương, thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.