Phòng vệ thương mại: Giải pháp then chốt trong hội nhập kinh tế

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) được Việt Nam xác định là một trong những giải pháp then chốt để bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Năm 2022 và giai đoạn tới, công tác này sẽ tiếp tục được Bộ Công Thương đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ.

Dấu ấn phòng vệ

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế nói chung, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, trong đó có việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, EVFTA và UKVFTA… đã mang đến những thành tựu to lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã tăng từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 2020; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 11,7% trong giai đoạn 2016-2020, đạt 281,5 tỷ USD năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 22 toàn cầu về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu. Năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu dự kiến vượt 650 tỷ USD.

Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc sử dụng các công cụ PVTM là một trong những giải pháp để chủ động bảo vệ lợi ích chính đáng của nền kinh tế, của các ngành sản xuất và mỗi doanh nghiệp. Phó Cục trưởng Cục PVTM - Chu Thắng Trung nhấn mạnh, việc triển khai các biện pháp PVTM đã có bước tiến rõ nét. Đặc biệt, việc triển khai các đề án, chương trình lớn đã mang lại hiệu quả, thể hiện qua số lượng vụ việc Việt Nam khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đã gia tăng nhanh chóng. Tính đến hết tháng 11/2021, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra tổng cộng 25 vụ việc PVTM.

Trên cơ sở các kết quả điều tra, hiện tại 16 biện pháp PVTM đang tiếp tục được Bộ Công Thương duy trì áp dụng. Riêng trong năm 2021, Cục PVTM đã kết thúc và đưa ra kết luận điều tra đối với 5 vụ việc, tiếp tục thực hiện điều tra đối với 3 vụ việc, rà soát thường kỳ đối với 4 vụ việc và rà soát cuối kỳ đối với 2 vụ việc. Trong số đó, việc điều tra và áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã chấm dứt hiện tượng đường mía Thái Lan được bán phá giá và cạnh tranh không công bằng, từ đó ngăn chặn thiệt hại của các nhà máy đường trong nước, đem lại tác động tích cực đối với thu nhập của người nông dân trồng mía. "Đây là ví dụ điển hình cho thấy các biện pháp PVTM đã góp phần tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các ngành sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu" - ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các biện pháp PVTM đã áp dụng với hàng nhập khẩu hiện đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm gần 6% GDP của Việt Nam (tính theo GDP năm 2019) và việc làm của hàng trăm nghìn lao động. Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp PVTM trong dài hạn giúp cho nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước các tác động và cú sốc từ bên ngoài đối với các ngành sản xuất. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng PVTM cũng giúp tăng khả năng tận dụng cam kết trong các hiệp định FTA, đồng thời làm giảm nguy cơ Việt Nam bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp PVTM do ta đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Ông Chu Thắng Trung cũng cho biết, đến nay, đã có tổng cộng 209 vụ việc nước ngoài tiến hành điều tra PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước xử lý các vụ việc PVTM, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu. "Với hỗ trợ của Bộ Công Thương và nỗ lực xử lý của các doanh nghiệp, nhiều vụ việc đã có kết quả tích cực, thể hiện qua việc kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng là đối tượng điều tra được đảm bảo và tiếp tục có sự tăng trưởng như: Cá tra, basa, tôm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, một số sản phẩm thép xuất khẩu sang Canada, Úc, Indonesia, gạch men xuất khẩu sang Đài Loan…" - ông Trung nêu rõ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trong giai đoạn 2021-2030, Cục PVTM nhận định, có khả năng Việt Nam sẽ tăng gấp đôi kim ngạch xuất, nhập khẩu và đạt đến con số 1.000 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với việc có thể xuất hiện nhiều hơn các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Và do tác động của mở cửa thị trường theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do, rào cản thương mại được giảm thiểu cho nên nhập khẩu tăng nhanh, vi phạm các nguyên tắc thương mại công bằng có xu hướng ngày càng tinh vi, đa dạng, vì vậy Việt Nam phải tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM đối với hàng nhập khẩu.

Trước tình hình mới, theo Cục PVTM, giải pháp cấp thiết cần triển khai đó là thông tin xuất khẩu phải được kết nối và liên thông chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý có liên quan, hiệp hội và doanh nghiệp; cần vận hành hiệu quả cơ chế cảnh bảo sớm về nguy cơ áp dụng các biện PVTM. Đồng thời, các quy định về PVTM Việt Nam cần tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện, minh bạch hóa để tạo chỗ dựa vững chắc trong điều tra, phán quyết vụ việc liên quan đến lẩn tránh biện pháp PVTM. Mặt khác, thông tin về thị trường từng mặt hàng cần được thu thập, lưu trữ và xử lý có hệ thống. Đặc biệt, doanh nghiệp là chủ thể chịu tác động trực tiếp của các biện pháp PVTM nên cần có chiến lược thích ứng từ sớm, từ xa với các giải pháp từ đơn giản đến phức tạp.

Đề cập kế hoạch hành động về công tác PVTM năm 2022, ông Chu Thắng Trung cho biết, Cục PVTM tiếp tục theo sát và thực hiện các hoạt động PVTM trên cơ sở yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, để ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không công bằng của hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định pháp luật và cam kết quốc tế; tập trung triển khai Đề án "Nâng cao năng lực PVTM trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới"; tăng cường thông tin, kiến thức về các biện pháp PVTM cho doanh nghiệp, các ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương đã chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp PVTM để thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; cũng như ứng phó hiệu quả các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.