Mỹ: Cải cách thuế lớn nhất kể từ năm 1986
Sau khi được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua, dự luật cải cách thuế và việc làm năm 2017 liệu có thực sự đem lại hiệu quả tích cực cho kinh tế Mỹ? Hay chỉ làm tăng thêm gánh nặng nợ công cho chính phủ.
Bàn thắng lớn sau ba thập niên
Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế và việc làm năm 2017 vào ngày 21/12 với tỷ lệ phiếu 224-201. Trước đó, Hạ viện thông qua dự luật nhưng một số yêu cầu về thủ tục được đưa ra tại Thượng viện khiến Hạ viện phải bỏ phiếu lại.
Sau khi lưỡng viện thống nhất thông qua, dự luật được chuyển lên Tổng thống Donald Trump ký để ban hành, thực hiện đúng cam kết của đảng Cộng hòa về việc ban hành đạo luật giảm thuế vào cuối năm nay.
Chương trình cải cách thuế được thông qua là một "chiến thắng lịch sử dành cho người dân Mỹ", một "món quà Giáng sinh tuyệt vời cho những người Mỹ chăm chỉ", Tổng thống Trump vui mừng.
Cải cách thuế lớn nhất 30 năm qua ở Mỹ là thành công đầu tiên về lập pháp đối với phe Cộng hòa và Tổng thống Trump kể từ tháng 1. Nội dung chính của cải cách gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu, sửa đổi cách tính thuế với các công ty đa quốc gia, giảm thuế cho chủ sở hữu các doanh nghiệp "truyền từ đời này sang đời khác".
Qua đó, Tổng thống và đảng Cộng hòa muốn bổ sung 1.500 tỷ USD vào khoản nợ công 20.000 tỷ USD trong vòng 10 năm để hỗ trợ tài chính cho những thay đổi mà họ cho là sẽ giúp kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Tổng thống Trump tuyên bố, gói đề xuất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tầng lớp trung lưu, hỗ trợ người lao động và kiến tạo việc làm. Trước đây vào năm 1986, một kế hoạch cải cách thuế cũng được đệ trình lên Hạ viện Mỹ song bị đảng Dân chủ bác bỏ.
Bất đồng nội bộ
Phe Dân chủ nhận định, dự luật này sẽ nới rộng cách biệt thu nhập giữa người giàu và người nghèo ở Mỹ. Cải cách thuế này chỉ có lợi cho các tập đoàn công ty lớn giàu có và không quan tâm đến thành phần trung lưu và buộc người giá phải trả chi phí đắt đỏ hơn.
Lãnh đạo phe Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi gọi dự luật này là một "con quái vật Frankenstein" chứa đầy những khoản chia chác và lỗ hổng mà không giữ được lời hứa của phe Cộng hòa là đơn giản hóa luật thuế.
Tuy nhiên, phe Cộng hòa khẳng định rằng, gói cải tổ thuế này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tăng trưởng việc làm. Họ cũng coi dự luật này này là chìa khóa để duy trì thế đa số của họ trong Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm sau. Đảng Cộng hoà hy vọng đà phát triển 8 năm liên tiếp ở Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy nhanh nhờ các biện pháp giảm thuế.
"Hôm nay, chúng ta trả lại tiền cho người dân. Dù gì đi nữa thì đây là tiền của họ", Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói.
Dự luật cải cách thuế cũng gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận Mỹ. Kết quả thăm dò do giải pháp tạo báo cáo chuyên dụng dành cho các doanh nghiệp (SSRS) thực hiện cho thấy 55% người Mỹ phản đối dự luật cải cách thuế. Một cuộc thăm dò khác do Reuters và Ipsos thực hiện công bố ngày 11/12 cho biết gần một nửa người Mỹ được hỏi phản đối kế hoạch này.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát do CNN mới tiến hành đưa ra kết quả tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đạt mức thấp kỷ lục. Chỉ 35% người dân Mỹ đồng ý với cách ông Trump xử lý công việc, 59% phản đối. Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất cho một tổng thống Mỹ sau năm đầu tiên ở Nhà Trắng, và là lần thứ hai con số xuống mức dưới 50% kể từ khi cuộc khảo sát kiểu này được tiến hành.
Ngoài ra, theo Trung tâm Chính sách thuế - cơ quan nghiên cứu độc lập ở Mỹ, tuy dự luật cải cách thuế sẽ giảm thuế cho 95% người Mỹ trong năm 2018 song mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao nhất vượt xa mức giảm thuế cho người có thu nhập thấp.
Ủy ban châu Âu cho rằng, dự luật cải cách thuế của Mỹ sẽ vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vì một số điều khoản có sự phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Mỹ.
Các bộ trưởng tài chính châu Âu thì lo ngại, các biện pháp được nêu trong dự luật thuế trên có thể dẫn tới việc trợ cấp xuất khẩu, vốn bị WTO cấm.
Đồng thời, với dự luật cải cách thuế này, các công ty tài chính châu Âu tại Mỹ sẽ bị đánh thuế gấp đôi và khó khăn hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn toàn cầu. Theo EU, kế hoạch cải cách của Mỹ có thể vi phạm các cam kết toàn cầu về đánh thuế sở hữu trí tuệ.