Mỹ chấm dứt thương mại ưu đãi với Ấn Độ từ ngày 5/6/2019
Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt các đặc quyền thương mại cho Ấn Độ với tư cách là nước thụ hưởng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), bắt đầu từ ngày 5/6.
Chương trình GSP đã được đưa ra hơn 40 năm trước, vào năm 1976, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển, cho phép xuất khẩu một số sản phẩm từ các quốc gia này sang Mỹ mà không phải chịu thuế. Chính phủ Ấn Độ gọi là động thái của Tổng thống Trump là "không may" nhưng nói rằng họ sẽ tiếp tục tìm cách xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Washington.
Trong tuyên bố ngày 1/6, Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh, Ấn Độ giống như Mỹ và các quốc gia khác sẽ luôn duy trì lợi ích quốc gia trong những vấn đề này. New Delhi cho biết, họ xem vấn đề này là một phần của mối quan hệ kinh tế đang diễn ra với Mỹ và "sẽ tiếp tục xây dựng mối quan hệ bền chặt với Mỹ, cả về kinh tế và nhân dân”.
Việc chấm dứt ưu đãi thương mại với Ấn Độ không phải là đột ngột, mà đã có lộ trình từ tháng 3/2019. Trong một thư gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ ngày 4/3, Nhà Trắng cho rằng Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được xem xét để xóa bỏ ưu đãi thương mại với Mỹ. Ngay tháng 4, có 24 thành viên của Quốc hội Mỹ đã có thư gửi Tổng thống Trump, kêu gọi không chấm dứt chế độ GSP của Ấn Độ.
Việc loại bỏ một quốc gia khỏi GSP đòi hỏi phải có thông báo trước 60 ngày và dường như Tổng thống Trump đã đợi cho đến sau cuộc bầu cử của Ấn Độ trước khi hoàn thành động thái này. Để đáp trả động thái của Mỹ, New Delhi đang xem xét áp thuế nhập khẩu cao hơn đối với hơn 20 hàng hóa Mỹ, bao gồm cả hàng nông sản, hóa chất.
Chương trình GSP của Washington cho phép xuất khẩu hàng năm của Ấn Độ trị giá 5,6 tỷ USD được tiếp cận thị trường Mỹ miễn thuế. Các quan chức Ấn Độ hồi tháng 3 cho biết, "lợi ích thực tế" từ chương trình này đối với nền kinh tế Ấn Độ chỉ là 250 triệu USD mỗi năm. "GSP mang tính biểu tượng hơn về mối quan hệ chiến lược, chứ không phải về mặt giá trị. Tuy nhiên, các quan chức thương mại Mỹ cáo buộc New Delhi đã triển khai "một loạt các rào cản thương mại tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến thương mại Mỹ".
Chính quyền Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại của nước này với Ấn Độ đạt 27,3 tỷ USD vào năm 2017. Năm ngoái, New Delhi đã đặt hàng Visa và Mastercard để lưu trữ dữ liệu của họ về các giao dịch liên quan đến người dùng ở Ấn Độ chỉ trên các máy chủ Ấn Độ. Các công ty Mỹ đã phản đối quy định pháp luật như vậy ở nhiều nơi trên thế giới. Ấn Độ cũng tăng thuế đối với thiết bị điện tử và điện thoại thông minh. Trước đây, chính quyền Trump đã áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Ấn Độ.
New Delhi và Washington cũng đang tranh chấp về nhập khẩu dầu của Iran. Vào tháng 4, Mỹ tuyên bố sẽ không gia hạn miễn trừ đối với các nước nhập khẩu dầu từ Iran khi họ hết hạn vào đầu tháng 5. Điều đó có nghĩa là các quốc gia và công ty giao dịch với Iran mà không có sự đồng ý của Washington sẽ có nguy cơ bị Mỹ trừng phạt và bị cắt khỏi hệ thống tài chính Mỹ.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quyết định của Mỹ. Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới, nhưng nhu cầu năng lượng chủ yếu được đáp ứng thông qua nhập khẩu. Quốc gia Nam Á này nhập khẩu gần 80% nhu cầu dầu mỏ và Iran là nhà cung cấp lớn thứ ba, đóng góp hơn 11% nhu cầu dầu thô. Trong năm tài chính 2018-2019, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 23,5 triệu tấn dầu Iran.
Sau quyết định của Mỹ, Ấn Độ có thể cố gắng tăng nguồn cung dầu từ các quốc gia như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Các nhà tinh chế dầu của Ấn Độ đang tăng mua theo kế hoạch từ các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Mexico và Mỹ, để chống lại sự mất mát của dầu Iran. Số liệu chính thức được công bố vào ngày 31/5 cho thấy, tăng trưởng của Ấn Độ đã chậm lại trong quý thứ ba liên tiếp, xuống còn 5,8% trong tháng 01 đến tháng 3, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức cao nhất trong 45 năm qua vào năm ngoái.