Mỹ - Nhật ký thỏa thuận xóa bỏ toàn bộ thuế thép dưới thời Donald Trump

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Washington sẽ ngừng áp thuế 25% với sản phẩm thép nhập khẩu từ Nhật cho đến ngưỡng tối đa 1,25 triệu tấn/năm.

Ảnh: NS Blue
Ảnh: NS Blue

 

Mỹ và Nhật đạt được thỏa thuận quan trọng cho phép thép từ Nhật vào Mỹ mà không phải chịu thuế quan lần đầu tiên tính từ năm 2018, đồng thời hai nước này cũng hợp tác với nhau nhằm ứng phó với những hành vi thương mại thiếu công bằng từ phía Trung Quốc gây tổn hại đến ngành.

Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Washington sẽ ngừng áp thuế 25% với sản phẩm thép nhập khẩu từ Nhật cho đến ngưỡng tối đa 1,25 triệu tấn/năm. Bất kỳ khối lượng thép Nhật nhập khẩu nào vào Mỹ cao hơn mức trên sẽ buộc phải chịu thuế bổ sung.

Năm 2017, Mỹ nhập khoảng 1,7 triệu tấn thép từ Nhật. 2017 là năm gần nhất mà Nhật có thể xuất thép vào Mỹ mà không phải chịu thuế quan. Tổng lượng nhập khẩu thép của Nhật vào Mỹ giảm xuống còn 1,1 triệu tấn trong năm 2019, theo Bộ Thương mại Mỹ công bố.

Thỏa thuận miễn thuế cho thép Nhật mới nhất tương đồng với thỏa thuận mà Mỹ từng có với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 10/2021, theo đó các biện pháp trừng phạt thuế với khoảng 10 tỷ USD hàng hóa châu Âu đã bị loại bỏ.

“Thông báo mới nhất được xây dựng trên nền tảng thỏa thuận mà chúng tôi đã có với EU và sẽ giúp chúng tôi xây dựng mối quan hệ với các nước đồng minh trên khắp thế giới bởi chúng tôi đang cố gắng hợp tác với nhau nhằm ứng phó với các hành vi thương mại thiếu công bằng từ phía Trung Quốc”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phân tích.

Trong khi Mỹ và EU đang cố gắng củng cố cho thỏa thuận của họ thành thỏa thuận toàn cầu nhằm ứng phó với các hành vi phi thị trường và trừng phạt những nước không tuân thủ đầy đủ mục tiêu giảm khí thải với sản phẩm thép và nhôm, Nhật hiện tại đang không tham gia vào quá trình này.

Mỹ và Nhật thay vào đó sẽ thực hiện những bước chính sách nội địa khác, trong đó có những biện pháp nhằm tính toán mức độ tập trung các bon trong sản phẩm thép và nhôm. Nhật muốn tập trung vào đàm phán các vấn đề liên quan đến thép, chính vì vậy hoạt động xuất khẩu nhôm từ Nhật vào Mỹ không được tính vào thỏa thuận của ngày thứ Hai và sẽ vẫn phải chịu thuế 10%.

 

Tranh chấp liên quan đến các sản phẩm kim loại khởi động vào năm 2018 khi mà Tổng thống Trump áp thuế với các sản phẩm thép và nhôm từ các nước đối tác thương mại lớn nhất trong đó có bao gồm EU và Nhật bởi viện dẫn đến rủi ro an ninh quốc gia.

Dù rằng EU chọn trả đũa, nhắm đến các sản phẩm như xe Harley-Davidson, quần Levi Strauss và rượu whiskey của Mỹ, phía Nhật không phản ứng gì mà chọn cách đàm phán về thỏa thuận thương mại với Mỹ nhằm giảm thuế một số sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp.

Thuế kim loại áp dụng với sản phẩm từ Nhật vẫn được duy trì khi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận nhiệm sở vào năm ngoái khi mà phía Mỹ đề nghị Nhật giải quyết tranh chấp thép vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, Tokyo vẫn chờ đợi để có thỏa thuận tốt hơn, Nhật muốn loại thuế này được loại bỏ hoàn toàn.

Xét về khối lượng nhập khẩu, Nhật chiếm khoảng 4% tổng sản phẩm thép nhập vào Mỹ và khoảng 1% tổng khối lượng kim loại tiêu thụ tại Mỹ, theo tính toán của Bộ Thương mại Mỹ.

Tuy nhiên, hiện vẫn có khả năng sẽ có hiệu ứng domino khi mà có nước đồng minh của Mỹ được miễn thuế để bán thép vào Mỹ. Thực tế này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa cảm thấy không thoải mái bởi nó tạo ra hành lang để các nước khác đề nghị được miễn giảm tương tự.

Các doanh nghiệp sản xuất thép của Mỹ cảnh báo rằng những nước được cấp hạn mức miễn thuế thép sẽ có thể giống như nước trung gian cho sản phẩm thép của nhiều nước vốn có sản lượng cao như Trung Quốc. Họ lo ngại rằng châu Âu, gần đây vốn đã được nhận hạn ngạch miễn thuế, và Nhật cũng sẽ có thể vô tình nhập thép từ nhóm nước bị hạn chế và sau đó xuất khẩu tràn lan sang Mỹ.