Mỹ sẽ quay trở lại thời kỳ suy thoái?
Gánh nặng nợ khổng lồ của các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ đưa nước này bước vào một cuộc suy thoái tiếp theo.
Người tiêu dùng mất khả năng chi trả do các khoản nợ thế chấp lớn và chi tiêu “vô độ” bằng thẻ tín dụng là lý do chính dẫn đến cuộc suy thoái kinh tế vừa qua tại Mỹ. Nhưng lần này, không phải người tiêu dùng mà có thể là các doanh nghiệp Mỹ sẽ đưa nước này bước vào một cuộc suy thoái tiếp theo.
Trước sức hấp dẫn của mức lãi suất cực thấp, các doanh nghiệp Mỹ đã tăng tổng nợ thêm 2.810 tỉ USD trong vòng 5 năm qua, đạt đến mức kỷ lục 6.640 tỉ USD. Chỉ riêng năm 2015, nợ đã tăng 850 tỉ USD, gấp 50 lần mức tăng tiền mặt nắm giữ theo tính toán của S&P Global Ratings. Lợi nhuận tăng trưởng ì ạch và các cuộc vỡ nợ tăng lên là những dấu hiệu đáng lo ngại khác. Mặc dù diễn biến này không dễ gì dẫn đến một thời kỳ đình đốn khác trong tương lai gần, nhưng các chuyên gia kinh tế cho biết họ muốn nhấn mạnh những rủi ro tiềm năng đến từ cuộc bành trướng ồ ạt suốt 7 năm qua của giới doanh nghiệp Mỹ.
“Các doanh nghiệp đã và đang tăng thêm nợ và nợ đã tăng nhanh hơn cả lợi nhuận mà họ kiếm được”, John Lonski, chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Markets Research Group, thuộc Moody’s, nhận xét. Theo ông, “sự mất cân đối này trong quá khứ thường dẫn đến những vấn đề”, một khi tăng trưởng bắt đầu suy yếu.
Một số chuyên gia khác cho rằng thực tế điều đó đã xảy ra. Bằng chứng là doanh nghiệp Mỹ đang thực hiện cắt giảm chi tiêu cũng như hãm phanh đối với việc tuyển dụng lao động. Trong tháng 5.2016, các nhà tuyển dụng lao động đã tăng số việc làm mới, với tốc độ chậm nhất kể từ năm 2010. Các chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase lo ngại đây là dấu hiệu cho thấy sự thận trọng ngày càng gia tăng tại các doanh nghiệp.
Thêm vào đó, tháng 4 cũng đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp đơn hàng đặt mua thiết bị của doanh nghiệp giảm xuống. Con số 62,4 tỉ USD (đã loại trừ đơn hàng về máy bay và quốc phòng) ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, buộc Neil Dutta, đứng đầu mảng kinh tế tại hãng nghiên cứu Renaissance Macro Research, phải đánh giá môi trường kinh doanh là “đáng buồn”.
Có nhiều điểm tương đồng giữa cơn sốt vay nợ tiêu dùng ngày trước (trước thời điểm xảy ra suy thoái) với diễn biến vay nợ của doanh nghiệp ngày nay. Giống như hộ gia đình, các doanh nghiệp đang dùng tiền cho những mục đích ngắn hạn hơn là chuẩn bị cho tương lai. Một hố sâu ngăn cách lớn đang tồn tại giữa một số ít công ty siêu giàu với phần đông số doanh nghiệp còn lại của Mỹ.
Mức tiền mặt kỷ lục được ghi nhận trên sổ sách của các công ty - lên tới 1.840 tỉ USD - chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp lớn như Apple, Microsoft, Google và các gã khổng lồ công nghệ khác, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 5 vừa qua bởi các chuyên gia phân tích S&P Andrew Chang và David Tesher. Các doanh nghiệp không có lượng tiền mặt lớn có thể gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ khi lãi suất gia tăng. Loại trừ số tiền 945 tỉ USD mà 25 công ty giàu nhất (theo xếp hạng của S&P) nắm giữ thì bức tranh thực sự không mấy sáng sủa cho 99% doanh nghiệp phi tài chính còn lại.
Theo đó, tỉ lệ tiền mặt xét theo phần trăm khoản nợ của họ hiện ở mức thấp nhất trong 1 thập niên, theo S&P. Hơn 50 doanh nghiệp Mỹ đã vỡ nợ đối với các khoản đi vay hoặc các khoản trái phiếu tính từ đầu năm đến nay, gấp đôi con số của cùng kỳ năm 2015. Trong số các công ty bị lỡ các khoản thanh toán nợ, theo S&P, có Peabody Energy và Midstates Petroleum.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đã không rót tiền vay vào các khoản đầu tư chi tiêu cơ bản để gia tăng tính hiệu quả và năng suất, tức các khoản đầu tư mà có thể thúc đẩy lợi nhuận trong dài hạn. Thay vào đó, phần lớn số tiền vay lại được rót vào việc mua cổ phiếu quỹ, tăng cổ tức và vào các thương vụ thâu tóm.
Kể từ năm 2009, các doanh nghiệp trong danh sách S&P 500 đã bỏ ra hơn 2.000 tỉ USD vào việc mua lại cổ phiếu quỹ, giúp duy trì đà tăng cổ phiếu, vốn đã tăng gấp gần 3 lần. Các thương vụ M&A trên toàn cầu cũng đã tăng khoảng 28% vào năm ngoái, đạt tới con số 3.500 tỉ USD, theo số liệu của Bloomberg.
“Nếu đặt mình vào vị trí của một người chịu trách nhiệm điều hành một doanh nghiệp, sẽ thấy nhu cầu rất yếu ớt”, Jerome Powell, thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đưa ra nhận xét vào cuối tháng 5 tại Peterson Institute for International Economics ở Washington. “Họ có thể cắt giảm chi phí, mua lại cổ phiếu quỹ và họ có thể làm ra các con số theo cách đó trong một khoảng thời gian”, ông nói. McDonald’s, chẳng hạn, đã phát hành 6 tỉ USD giá trị trái phiếu tính đến cuối năm ngoái để huy động vốn phục vụ cho các chương trình mua lại cổ phiếu quỹ và trả cổ tức cao hơn.
Các đợt mua lại cổ phiếu quỹ và thâu tóm đang bắt đầu giảm dần khi các công ty nhận thấy tác động của việc lợi nhuận sa sút. Lợi nhuận của các công ty vẫn đang hoạt động trong danh sách S&P 500 đã giảm 7% trong quý I/2016 so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bloomberg. Ngay cả trừ đi lợi nhuận của các công ty năng lượng, vốn bị ảnh hưởng bởi giá dầu giảm thì lợi nhuận vẫn giảm 1,4%. “Đây là sức ép mới trên diện rộng đối với các doanh nghiệp trong việc phải cắt giảm chi tiêu cơ bản và hàng tồn kho”, David Levy, Chủ tịch tổ chức tư vấn Jerome Levy Forecasting Center ở Mỹ, viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng vào tháng 5 vừa qua.
Lợi nhuận đang “teo tóp” do năng suất lao động suy giảm và chi phí lao động tăng lên. Các doanh nghiệp cũng đang đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Chủ tịch Jeffrey Lacker của Ngân hàng Dự trữ liên bang Richmond cho biết hiện dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức 1,5%. Con số này thấp hơn phân nửa mức tăng trưởng trung bình của giai đoạn 25 năm trước thời điểm bắt đầu diễn ra suy thoái vào tháng 12.2007.
Lonski, chuyên gia kinh tế tại Moody’s, thì cho rằng vẫn còn khá sớm để dự báo Mỹ đang trên đường quay trở lại thời kỳ suy thoái, bởi các ông chủ doanh nghiệp vẫn đang tuyển dụng thêm lao động dù với tốc độ chậm hơn. Tuy nhiên, sức ép mà các công ty đang đối mặt “là một yếu tố rủi ro rất đáng theo dõi sát sao”, ông nói.